Đánh giá cán bộ: Khâu quan trọng nhất, lại yếu nhất

Vào rồi khó ra, lên rồi khó xuống
Đánh giá cán bộ: Khâu quan trọng nhất, lại yếu nhất

“Đối với công tác cán bộ, vấn đề quan trọng nhất là đánh giá đúng cán bộ, vì đó là căn cứ để quy hoạch, luân chuyển, đào tạo, bố trí, sử dụng và thực hiện chính sách đối với cán bộ. Tuy nhiên, đánh giá cán bộ vẫn là khâu yếu nhất hiện nay”- Nhận định này được đưa ra thảo luận tại Hội nghị cán bộ toàn quốc diễn ra mới đây ở TPHCM.

Vào rồi khó ra, lên rồi khó xuống

Đánh giá cán bộ: Khâu quan trọng nhất, lại yếu nhất ảnh 1

Đoàn cán bộ TPHCM đi thăm chiến sĩ và trồng cây lưu niệm trên đảo Trường Sa để góp phần nâng cao nhận thức, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng.

“Có nhiều trường hợp trước khi bổ nhiệm, cán bộ đó được đánh giá tốt, nhưng được bổ nhiệm rồi, lại đâm ra... hư thân. Chúng ta cứ chạy theo công việc, nên ngoại trừ việc đánh giá cán bộ định kỳ hàng năm, ít khi cấp ủy “dừng lại” để xem đội ngũ cán bộ của mình hoàn thành công việc tới đâu, triển vọng ra sao, có cần sắp xếp hay đào tạo lại không…” - Bí thư Thành ủy Hải Phòng Nguyễn Văn Thuận nhận định.

Liên quan đến quyết định tập thể khi bổ nhiệm cán bộ thuộc ngành dọc (Công an, Ngân hàng, Thuế…), một số đại biểu phản ánh: có cấp ủy địa phương không đồng ý với phương án nhân sự đề bạt nhưng đơn vị chủ quản vẫn ký quyết định bổ nhiệm, từ đó gây ra “thế rất kẹt” cho địa phương khi cơ cấu cấp ủy (một số chức danh phải là Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy) cũng như khó khăn trong phối hợp chỉ đạo.

Một số ý kiến đề xuất: nếu có độ vênh giữa đánh giá của cấp ủy địa phương và cấp ủy ngành dọc thì có thể chấp nhận bổ nhiệm người đó vào vị trí cấp phó, chứ không nên cấp trưởng. “Vào rồi khó ra, lên rồi khó xuống!” - Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang Đào Xuân Cần thừa nhận như vậy.

Ông Cần cũng lưu ý: “Đánh giá cán bộ phải xem xét đến hiệu quả công tác của từng người, không vì bằng cấp mà bỏ qua kinh nghiệm thực tiễn và tổ chức thực hiện”.

Bí thư Tỉnh ủy Tuyên Quang Hoàng Hồng Quân cho biết kinh nghiệm, để làm tốt đánh giá cán bộ, Tỉnh ủy thực hiện phân cấp quản lý cán bộ theo nguyên tắc “3 phân” (phân quyền cụ thể; phân định rõ ràng; phân cấp triệt để) đi đôi với “3 công” (công tâm, công bằng và công khai).

Ông cho rằng, trong đánh giá cán bộ cần chống thái độ nể nang, né tránh, “dĩ hòa vi quý”, thủ tiêu đấu tranh, tự phê bình và phê bình yếu, trù dập người thẳng thắn đấu tranh phê bình. Phải bảo đảm công khai, dân chủ, minh bạch, song phải tránh lợi dụng dân chủ, phê bình và tự phê bình để nói xấu đồng chí, đồng nghiệp nhằm thực hiện ý đồ cá nhân.

Khả năng quy tụ, đoàn kết - một yêu cầu mới

Nhiều ý kiến thống nhất quan điểm cần bổ sung quy định “khả năng quy tụ, đoàn kết” là một yêu cầu để đánh giá cán bộ.

Ở nhiều nơi, tình trạng mất đoàn kết trong nội bộ cấp ủy rất đa dạng và phức tạp, nhất là trong thường trực cấp ủy, giữa bí thư với chủ tịch và phó bí thư cấp ủy, giữa bí thư với thủ trưởng, giám đốc đơn vị, nhất vào thời điểm chuẩn bị đề bạt, cất nhắc, hoặc vào các kỳ bầu cử, đại hội. Chính vì thế, nhiều nơi do mất đoàn kết đã ảnh hưởng đến việc chuẩn bị nhân sự, làm cho cán bộ, đảng viên và quần chúng thiếu tin tưởng vào vai trò lãnh đạo của Đảng ở địa phương và đơn vị.

Thực tế ở nhiều địa phương, có khi chỉ cần một thay đổi nhỏ trong điều chuyển cán bộ là có thể làm xoay chuyển cả tình thế cơ quan, đơn vị .

Theo đại biểu Tỉnh ủy Thái Bình, tìm một người để đưa vào cấp ủy cũng đồng nghĩa chúng ta tìm kiếm một nhân tố đoàn kết nội bộ. Họ là những người biết vượt lên lợi ích cá nhân, biết tuân thủ các nguyên tắc sinh hoạt Đảng. Vấn đề quan trọng nhất là lựa chọn được người đứng đầu và cán bộ chủ chốt. Nếu họ được “đặt đúng vị trí” thì đây là điều kiện quan trọng để xây dựng đoàn kết nội bộ, tạo được sức mạnh cho cấp ủy. Để làm được điều này, tất nhiên, vẫn phải dựa vào việc đánh giá đúng cán bộ một cách công tâm, khách quan và khoa học.

Dân tín nhiệm thấp - có thể bố trí công tác khác

“Cấp ủy, tổ chức Đảng (nơi cán bộ cư trú) nhận xét về việc chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các quy định của khu dân cư  của gia đình và bản thân cán bộ” - Đó là một trong những nội dung mới được nhiều đại biểu đề nghị bổ sung vào khâu thẩm quyền đánh giá cán bộ. Trên cơ sở này, tập thể sẽ xem xét, quyết định và đi đến sử dụng cán bộ sao cho đúng người, đúng việc, đúng lúc và đúng chỗ.

Theo đại biểu tỉnh Đắc Lắc, mọi phẩm chất, tài năng, sự cống hiến của cán bộ đều phải được kiểm nghiệm qua hoạt động thực tiễn trong phong trào cách mạng của quần chúng. Vì vậy, việc nhận xét, đánh giá cán bộ phải dựa vào quần chúng nhân dân, tổ chức cơ sở đảng ở nơi cán bộ công tác và nơi cán bộ cư trú; đồng thời không chỉ xem xét cá nhân cán bộ, mà còn phải xem xét cả gia đình cán bộ để hiểu rõ về cán bộ để làm cơ sở sử dụng, bố trí, đề bạt.

Việc lấy phiếu tín nhiệm hàng năm của nhân dân đối với 4 chức danh chủ chốt phường-xã-thị trấn (bao gồm chủ tịch, phó chủ tịch HĐND và chủ tịch, phó chủ tịch UBND) là kênh thông tin bổ ích.

Vừa qua, ở TPHCM, trong tổng số 1.037  phiếu tín nhiệm 4 chức danh tại 309 phường-xã-thị trấn, có 979 cán bộ  lãnh đạo có số phiếu tín nhiệm 70%-100%; 49 cán bộ đạt 50%-70%; 9 cán bộ có số phiếu tín nhiệm dưới 50%.

“Trên cơ sở đối chiếu kết quả bỏ phiếu tín nhiệm của nhân dân với kết quả kiểm điểm, đánh giá chất lượng cán bộ, đảng viên hàng năm, Thành ủy TPHCM chỉ đạo các cấp ủy làm rõ tính chính xác của các ý kiến đóng góp, sự tín nhiệm của nhân dân và thực chất việc kiểm điểm, đánh giá chất lượng cán bộ, đảng viên. Nếu số phiếu tín nhiệm của cán bộ quá thấp và sai phạm của họ đúng như dân phản ánh thì  có thể bố trí công tác khác!” - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Đua nhấn mạnh.

Tuấn Sơn

Tin cùng chuyên mục