Đánh giá cán bộ sai, hệ lụy khôn lường

Ngày 22-12, tại TP Vũng Tàu (Bà Rịa - Vũng Tàu), Ban Tổ chức Trung ương phối hợp Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu tổ chức hội thảo khoa học “Công tác đánh giá cán bộ - Những vấn đề lý luận và thực tiễn”. 
Đồng chí Nguyễn Thanh Bình, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương phát biểu khai mạc Hội thảo. Ảnh: TTXVN
Đồng chí Nguyễn Thanh Bình, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương phát biểu khai mạc Hội thảo. Ảnh: TTXVN

Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Nguyễn Thanh Bình, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương, nhấn mạnh: Việc đánh giá đúng cán bộ bảo đảm việc sử dụng đúng người, đúng việc, nâng cao hiệu quả công việc của cơ quan, địa phương, đơn vị, củng cố thêm sức mạnh, tăng cường đoàn kết, góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Ngược lại, đánh giá sai cán bộ không chỉ gây ảnh hưởng tiêu cực đến bản thân cán bộ mà còn làm giảm uy tín và hiệu quả công tác của địa phương, cơ quan, đơn vị, giảm sút lòng tin của người dân đối với Đảng, gây nhiều hệ lụy khôn lường đến sự lãnh đạo của Đảng và sự tồn vong của chế độ.

Tại hội thảo, đồng chí Nguyễn Hồ Hải, Phó Bí thư Thành ủy, Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy TPHCM, nhận định, đổi mới công tác đánh giá cán bộ phải theo hướng đánh giá hiệu quả công việc kết hợp với so sánh các chỉ số, mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cá nhân, đơn vị và tùy theo môi trường công việc để xác định mức độ hoàn thành nhiệm vụ. Đây là cơ sở quan trọng để bố trí, sử dụng cán bộ đúng, khắc phục hiện tượng đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ một cách chung chung, chưa chú ý đến sản phẩm cụ thể trong thực hiện nhiệm vụ được giao. 

Theo đồng chí Nguyễn Hồ Hải, để đánh giá cán bộ sát, đúng thực chất, các cấp ủy, các ngành cần đổi mới việc phân cấp đánh giá cán bộ một cách cụ thể và việc đánh giá cán bộ không chỉ xem xét trong một thời điểm, một thời gian ngắn mà phải xem xét trong cả quá trình để thấy được sự chuyển biến, phải kết hợp theo dõi thường xuyên với đánh giá định kỳ. Việc thực hiện công tác đánh giá cán bộ cần được thường xuyên kiểm tra và việc giám sát phải được tiến hành từ cả hai phía để từ đó chấn chỉnh khắc phục tình trạng cán bộ có tài nhưng sa sút về đạo đức hoặc những người có đạo đức tốt nhưng không tích cực trong phát triển chuyên môn, nghiệp vụ.

Tại hội thảo, các đại biểu cho rằng, sắp tới trong tình hình mới, nhất là sau Đại hội XIII của Đảng, công tác đánh giá cán bộ cần tập trung, nhấn mạnh đến nội dung nào, tiêu chí nào để có thể chọn được những cán bộ đáp ứng yêu cầu đặt ra.

Tin cùng chuyên mục