Đào tạo cao đẳng, đại học ở khu vực Đông Nam bộ: Thừa lượng, thiếu chất

Trong khi các doanh nghiệp (DN) đòi hỏi ngày càng cao về chất lượng lao động, thì phần lớn nhân sự được đào tạo tại các trường cao đẳng, đại học vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu.
Việc đào tạo nghề ồ ạt của các trường trong khu vực Đông Nam bộ thời gian qua đã dẫn đến tình trạng thừa  lượng, thiếu chất, ảnh hưởng lớn đến quá trình tìm kiếm việc làm của sinh viên (SV) sau tốt nghiệp.
Đào tạo cao đẳng, đại học ở khu vực Đông Nam bộ: Thừa lượng, thiếu chất ảnh 1 Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức nhận chứng chỉ quản lý chất lượng quốc tế
Doanh nghiệp chi tiền đào tạo lại

Tỉnh Bình Dương hiện có hơn 20 cơ sở giáo dục cao đẳng (CĐ) và đại học (ĐH), hàng năm có hàng chục ngàn SV ra trường nhưng phần lớn làm việc với thu nhập thấp hoặc trái ngành. Tỉnh Đồng Nai cũng là địa bàn tập trung nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp (tổng cộng 67 cơ sở) với quy mô đào tạo hàng năm khoảng 74.000 học viên hệ CĐ, trung cấp, sơ cấp. Nhiều cơ sở đào tạo trình độ CĐ, kỹ sư các chuyên ngành “hot” như công nghệ thông tin; truyền thông và mạng máy tính; điện, điện tử, cơ khí và xây dựng; cơ điện tử…, như ĐH Lạc Hồng, ĐH Công nghệ Đồng Nai. Số lượng đào tạo đông đảo như vậy, nhưng nguồn nhân lực đáp ứng được các yêu cầu công việc của DN lại chiếm một tỷ lệ thấp, hầu hết các doanh nghiệp tuyển dụng xong đều phải đào tạo lại người lao động từ vài tháng đến một năm. 

Đại diện Phòng Nhân sự, Khu phức hợp Samsung (Khu Công nghệ cao, quận 9, TPHCM) cho biết: Với tình hình chất lượng SV ra trường quá thấp, DN thường phải chi tiền để đào tạo lại gần như toàn bộ, nhất là các kỹ năng chuyên môn, năng lực giao tiếp tiếng Anh. Hàng năm, công ty phải tung quân đi khắp các trường như CĐ Công nghệ Thủ Đức, ĐH Bách khoa TPHCM, ĐH Bình Dương… để tuyển dụng nhân sự các ngành CNTT, truyền thông và mạng máy tính, đồ họa… Cùng nhận định trên, Công ty Kho vận Tân Thanh (TPHCM) đánh giá, chất lượng SV mới tốt nghiệp rất thấp, nhất là ở các ngành cơ khí, vận hành máy móc. Các thiết bị được trang bị trong nhà trường lạc hậu nên phần lớn sinh viên ra trường đều lúng túng, không thể tự mình làm việc mà cần có người hướng dẫn. Một DN khởi nghiệp than vãn, đã mất nhiều tháng tuyển dụng nhân sự cũng không kiếm được người phù hợp. Có người tuyển dụng xong, đến ngày giờ nhận việc lại không đi làm, cũng không có phản hồi; có người đến làm việc không chịu được “nhiệt” đã nghỉ ngang và ý thức phấn đấu của một bộ phận bạn trẻ còn kém. 
Trong các báo cáo gần đây, hầu hết các trường đều tự hào với con số hơn 90% SV ra trường có việc làm, thậm chí có trường như ĐH quốc tế Miền Đông, con số này lên đến 97%, ĐH Công nghệ Đồng Nai là hơn 95%... Thế nhưng, một cán bộ thuộc Sở GD-ĐT tỉnh Bình Dương cho rằng, con số ảo rất nhiều vì không phản ánh đúng tình hình thực tế của SV sau tốt nghiệp. Việc tổ chức khảo sát còn mang tính hình thức, thậm chí 1 người trả lời khảo sát cho 10 người. Còn theo thống kê của Bộ LĐ-TB-XH, năm 2016 có khoảng 60% SV ra trường làm trái ngành, tính đến đầu năm 2017 có hơn 200.000 cử nhân thất nghiệp.

Đâu là giải pháp?

Trước thực trạng trên, thời gian qua nhiều trường CĐ, ĐH đã hợp tác đào tạo với DN, đồng thời chọn ra ngành thế mạnh để đầu tư, hướng tới chuẩn đào tạo nhân lực của các nền giáo dục tiên tiến trong khu vực các nước ASEAN, như CĐ Công nghệ Thủ Đức (TPHCM), ĐH Bình Dương, ĐH Lạc Hồng (tỉnh Đồng Nai)… Bà Nguyễn Thị Lý, Hiệu trưởng Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức, chia sẻ: Trường chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, cập nhật kiến thức, công nghệ mới; nâng chuẩn tiếng Anh cho SV các ngành để đảm bảo các em có thể giao tiếp, đọc hiểu tài liệu chuyên môn. Riêng đối với ngành công nghệ thông tin, trường đang đào tạo theo chuẩn quốc tế với chương trình và phương pháp của Úc, nhờ đó hơn 95% SV ra trường có việc làm đúng chuyên môn, nhiều em được ký hợp đồng làm việc ngay khi đang thực tập. 

Ông Đặng Minh Hưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, cho rằng để giúp SV ra trường có việc làm và làm đúng chuyên ngành được đào tạo, mỗi trường có cách làm khác nhau, nhưng “cần phải đào tạo theo nhu cầu của DN, đồng thời nâng cao chất lượng đội ngũ làm công tác giảng dạy, đặc biệt là quan tâm đến việc đào tạo năng lực tiếng Anh vững vàng cho sinh viên để có thể tiếp cận công việc nhanh chóng, nhất là khi làm việc các DN có vốn đầu tư nước ngoài, DN nghiệp đa quốc gia…”. Còn theo ông Huỳnh Văn Tịnh, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH Đồng Nai, giải pháp để nâng cao chất lượng đào tạo nghề, đó là phải rà soát, sắp xếp mạng lưới cơ sở nghề nghiệp theo hướng giảm đầu mối, sát nhập hoặc giải thể các cơ sở đào tạo nghề hoạt động không hiệu quả; tăng quy mô, mở rộng ngành nghề đào tạo, nhất là các nghề trọng điểm, nghề mũi nhọn và nghề xã hội có nhu cầu cao. Bên cạnh đó, cần thực hiện mô hình đào tạo kép, gắn kết giữa nhà trường và DN, đẩy mạnh xã hội hóa trong giáo dục nghề nghiệp, đặc biệt mở rộng liên kết với nước ngoài để đào tạo lao động chất lượng cao.

Tin cùng chuyên mục