Đào tạo cho tương lai

Trong buổi lễ kỷ niệm 45 năm thành lập Trường Đại học Kinh tế TPHCM, đồng chí Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM đặt ra câu hỏi quan trọng. Đó là: “... làm gì để thế hệ tương lai nắm chắc những kỹ năng mới, thành công trong xã hội. Làm gì để TPHCM đào tạo được nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho phía Nam và cả nước. Làm thế nào để sinh viên thành đạt, đóng góp cho sự phát triển của đất nước và hạnh phúc trong cuộc sống?”.

Đối phó với một cơn đại dịch toàn cầu là đối diện với một cuộc khủng hoảng toàn cục nghiêm trọng. Nhưng, mức độ “kháng thể” của hệ thống y tế lẫn quản trị xã hội của TPHCM trong 4 tháng qua, nhìn từ góc độ nhân lực là một sự quá tải ngoài sức tưởng tượng không chỉ về số lượng mà còn cả chất lượng, ngay cả khi đã nhận được nguồn hỗ trợ từ trung ương và các địa phương bạn.

Thực tiễn 4 tháng cao điểm vừa qua cũng cho thấy những phẩm chất tốt đẹp của những công dân thành phố mà sự hun đúc đến từ một phần của hệ quả nền giáo dục quốc dân. Nhưng không thể không nhìn nhận vẫn có một độ “hẫng” trong nền tảng kiến thức, kỹ năng dự báo, ứng phó của đội ngũ chuyên môn cơ sở và lực lượng chức năng. Đây là điều mà từ góc độ giáo dục cần nhận diện rõ, sâu và có giải pháp khắc phục.

Trong bối cảnh hậu đại dịch Covid-19, mục tiêu và chức năng đào tạo nhân lực - chuyển giao tri thức mới nói trên lại càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Giáo dục, trong đó giáo dục đại học, là bộ mặt tri thức của một quốc gia, thành phố. Định chế khoa học giáo dục ấy xác lập một môi trường không chỉ nguồn tri thức mà còn là nền tảng hình thành, gìn giữ giềng mối đạo đức xã hội và là một trong những “đầu vào” quan trọng nhất của thị trường lao động việc làm cho xã hội.

Do đó, ngay sau đây, vừa mang tính phục hồi khẩn cấp vừa là nền tảng tái thiết bền vững, giáo dục, nhất là hệ cao đẳng - đại học, trong chức năng đào tạo nhân lực phải chủ động nắm bắt nhu cầu thực tiễn, được trao quyền tự chủ thật sự để mỗi ngôi trường đại học tự xác lập cuộc cạnh tranh lành mạnh về chất lượng đào tạo thông qua hiệu quả trên từng sản phẩm đầu ra. Thị trường lao động và hiệu quả sử dụng của xã hội là thước đo kiểm định chất lượng đào tạo.

Rõ ràng, học là để hành. Học không phải để có bằng cấp, khoe chữ nghĩa, khẳng định hàm hiệu mà là quá trình hình thành tư duy và phương pháp làm việc, biết tiếp nhận thông tin, xử lý và chọn lọc thông tin trong việc lắng nghe, phản biện, xây dựng trước khi ra quyết định.

Sáng tạo hơn không chỉ được trang bị vững kiến thức mà còn được khuyến khích bỏ cái lối mòn, đưa ra sáng kiến mới, sản phẩm mới hay công nghệ mới. Linh động hơn là có được tâm thế sẵn sàng đón nhận một môi trường đầy thay đổi, từ cơ hội học bổng đến việc làm. Dám đặt lại từng vấn đề, xem xét từng lập luận và soi sáng các chính sách dưới kim chỉ nam dẫn đường của các ngành khoa học mới và dữ liệu cập nhật hiện hữu.   

Học trong thời giãn cách với đặc thù không-tiếp-xúc thì tính tự lực, thực học càng có cơ hội phát huy. Kiến thức và công nghệ có thể tiếp cận qua mạng internet từ bất cứ máy tính nào. Tinh thần “học cả đời” (lifelong learning) mà các nhà giáo dục hiện đại nhấn mạnh cũng chính là phương pháp học được Chủ tịch Hồ Chí Minh tóm lược “trong cách học, phải lấy tự học làm cốt”.

Rốt cùng, phẩm cách của một quốc gia được định hình trên từng công dân và nền giáo dục để dựng xây nên các thế hệ công dân ấy. Phẩm hạnh của một chính quyền, một thể chế là căn cốt đến từ mỗi cán bộ và hệ quả mà người dân thụ hưởng các chính sách lẫn trách nhiệm xã hội. TPHCM cần có một cuộc “vượt vũ môn” về con người mà điểm xuất phát chính là giáo dục để sau cuộc phục hồi là bước tái thiết - phát triển mạnh mẽ, lâu dài, bền vững!

Tin cùng chuyên mục