Đào tạo giáo viên có thể đến 5 năm

(SGGP). – “Mô hình đào tạo giáo viên trong bối cảnh hội nhập quốc tế” là chủ đề cuộc hội thảo do Bộ GD-ĐT tổ chức ngày 17-9 tại Hà Nội. Dự án phát triển giáo viên THPT và TCCN (Bộ GD-ĐT) đã cung cấp mô hình đào tạo giáo viên trong 5 năm, thay vì 4 năm như hiện tại. Hiện nay, nhiều bang của Mỹ đã thực hiện mô hình đào tạo này và tạo nên sự khác biệt lớn. Giáo viên được đào tạo thêm 1 năm sẽ có kỹ năng sư phạm tốt hơn nhiều so với được đào tạo 4 năm. Một số quốc gia như Malaysia, Thái Lan hiện cũng đã áp dụng mô hình này.

Tại Việt Nam, hạn chế lớn nhất của đào tạo giáo viên (4 năm) hiện nay là thời gian thực tập của sinh viên quá ít, chỉ từ 2 - 8 tuần, trong khi theo nhiều chuyên gia, nếu để bảo đảm một sinh viên sư phạm ra đứng lớp có hiệu quả, phải dành ít nhất 1 năm để thực tập.

Vấn đề đặt ra hiện nay là, nếu tiến hành đào tạo sư phạm 5 năm, thì Việt Nam có bảo đảm nguồn lực cũng như các mục tiêu giáo dục khác? Trong khi đó, mục tiêu của chúng ta là đến năm 2020, 80% thanh niên Việt Nam có bằng tốt nghiệp THPT. Với sự gia tăng trong tỷ lệ nhập học này, đòi hỏi bức bách là phải mở rộng số lượng giáo viên đạt tiêu chuẩn, nên nếu áp dụng thời gian đào tạo 5 năm, sẽ làm chậm tiến độ phát triển đội ngũ giáo viên. Ngoài ra, nếu phải học 5 năm, sẽ có ít sinh viên theo học sư phạm. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, Chính phủ chưa thể có đủ nguồn lực để bảo đảm cho mô hình đào tạo này.

Vì vậy, tại hội thảo hôm qua, dù hầu hết các đại biểu đều cho rằng mô hình đào tạo sinh viên sư phạm 5 năm, trong đó có 1 năm thực tập ở các trường học là khá lý tưởng để bảo đảm “ra lò” đội ngũ giáo viên đạt chuẩn, tuy nhiên, thời điểm thích hợp nào để Việt Nam áp dụng là điều phải bàn rất kỹ.

Ph.Thảo

Tin cùng chuyên mục