
Việc thu hút thí sinh vào ngành sư phạm hiện nay đã khó, lại càng khó hơn đối với ngành sư phạm mầm non. Trong khi đó, Đề án Phổ cập giáo dục mầm non giai đoạn 2010 - 2015 đặt ra mục tiêu đào tạo nâng chuẩn và đào tạo mới 22.400 giáo viên để bảo đảm đến năm 2015 có đủ giáo viên dạy các lớp mầm non 5 tuổi theo quy định. Hiện nay, không ít trường sư phạm đang lo lắng với bài toán đào tạo cô nuôi dạy trẻ.
Áp lực đầu vào
Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, năm học 2008 – 2009, cả nước đã có 12.336 trường mầm non, trong đó có 6.866 trường công lập và 5.500 trường ngoài công lập với tổng số trẻ đến trường là 3.628.114 em. |
Ghi nhận tại các trường cao đẳng sư phạm (CĐSP) của các địa phương ở phía Bắc, chúng tôi nhận thấy tỷ lệ đầu vào sư phạm mầm non những năm gần đây không có biến động lớn. Thực tế tại các trường CĐSP địa phương do việc đào tạo có “địa chỉ” hơn nên sinh viên tốt nghiệp ra trường dễ có việc làm, đồng lương cũng tạm ổn với mức sống ở nông thôn.
Ông Lê Bá Liên, Hiệu trưởng Trường CĐSP Hải Dương; Ông Nguyễn Đức Khảm, Hiệu trưởng Trường CĐSP Quảng Ninh… đều cho rằng, việc đào tạo giáo viên mầm non ở các địa phương hiện vẫn “ổn” so với các trường sư phạm TƯ, ĐH vùng.
Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Huế Lê Văn Anh cho hay, mới đây trường đã tiến hành khảo sát tỷ lệ có việc làm sau khi tốt nghiệp của sinh viên tốt nghiệp năm 2008, 2009. Theo đó, trong khảo sát 61 sinh viên tốt nghiệp năm 2009, 52 sinh viên có việc làm. 40 em tốt nghiệp năm 2008 được khảo sát đều có việc làm nhưng có 8 em từ giã nghề dạy trẻ vì điều kiện làm việc quá vất vả mà thu nhập lại thấp.
“Ngành sư phạm đã khó thu hút người tài, đặc biệt cấp học càng thấp thì càng khó khăn, nhất là giáo dục mầm non. Vì thế Nhà nước cần có chính sách tăng lương cho giáo viên mầm non, nhất là ở vùng khó khăn”, ông Lê Văn Anh cho biết.

Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Thái Nguyên Nguyễn Văn Lộc cũng cho biết, áp lực đối với đầu vào của ngành sư phạm nói chung, giáo dục mầm non nói riêng ngày càng nặng nề. “Ngay từ mùa tuyển sinh năm 2009, lượng vào của một số ngành đã giảm. Mấy năm gần đây điểm vào sư phạm mầm non bao giờ cũng thấp hơn sư phạm các bậc học khác từ 2-3 điểm. Lượng thi vào ít, điểm chuẩn thấp nên rất khó để đạt chất lượng cao”, ông Lộc nói.
Cũng theo ông Lộc, học nghề cô nuôi dạy trẻ không thể hấp dẫn bằng sư phạm toán, lý, hóa. Thu nhập của cô giáo dạy trẻ cũng thấp hơn nhiều so với dạy các môn chính, các bậc học khác. Tuy nhiên tâm lý của nhiều nữ học sinh vẫn thích chọn mầm non và đó là “niềm an ủi” đối với các khoa giáo dục mầm non ở các trường sư phạm trong cả nước.
Để sống được bằng nghề
Các chuyên gia giáo dục cho rằng, hiện tại nếu so với một số bậc học khác, giáo viên mầm non dễ xin việc hơn vì sự bùng nổ của hệ thống trường mầm non ngoài công lập đang rất “ngốn” giáo viên. Thế nhưng, trừ một số địa phương phát triển về kinh tế, thu nhập của giáo viên mầm non ở những nơi khác đang thực sự cần phải bàn lại.
“Giáo viên mầm non ra trường chỉ nhận hơn 1 triệu đồng/tháng tiền lương. Trong khi đó, tiền gửi con đi nhà trẻ của giáo viên cũng đã xấp xỉ số đó, thử hỏi làm sao họ an tâm với nghề”, ông Nguyễn Văn Lộc nói. Thực tế hiện nay, các cô nuôi dạy trẻ đang phụ thuộc rất nhiều vào sự “quan tâm” của các bậc phụ huynh để bù vào đồng lương còm cõi của mình.
Trao đổi với PV Báo SGGP, Hiệu trưởng Trường CĐ Sư phạm TƯ Nguyễn Văn Lê rất tự tin cho rằng, thương hiệu của trường rất quan trọng đối với việc chọn nghề cũng như khả năng tìm việc làm của người học. “Trường CĐ Sư phạm TƯ không lo lượng thí sinh thi vào giảm. Đơn giản là vì trường có thương hiệu, sinh viên tốt nghiệp ngành sư phạm mầm non ra trường bảo đảm tất cả có việc, vì thế thí sinh hàng năm thi vào trường chúng tôi không hề giảm như các trường sư phạm khác”, ông Lê cho biết.
Thế nhưng, chính ông cũng không ngờ là nhiều sinh viên trường mình phải làm trái nghề hoặc sau một thời gian bám trụ không nổi phải chuyển nghề. Chị Trần Thị Lan ở thị trấn Ngô Đồng, huyện Giao Thủy, Nam Định tốt nghiệp đã 3 năm nay, nhưng sau 2 năm đi dạy cho một trường mầm non tư thục tại Hà Nội đã quyết định giải nghệ để mở quán cà phê.
“Đó là em còn xin được ở trường mầm non tư thục chất lượng cao mà lương cũng chỉ được 1,8 triệu đồng/tháng. Bạn bè cùng khóa em dạy ở trường bình thường lương chỉ từ 1,2 đến 1,5 triệu đồng/tháng, cực lắm. Nếu có người nhà định thi vào trường này thì nên khuyên thi trường khác, vì học mầm non rất cực mà ra trường lương lại quá thấp. Bạn bè em toàn phải làm trái nghề”, chị Lan khuyên.
Cách đây mấy năm, lãnh đạo ngành GD-ĐT đã cam kết đến năm 2010, giáo viên sẽ sống được bằng chính lương của mình. Năm 2010 đã hết 1 quý nhưng cam kết đó theo ông Nguyễn Văn Lộc là vẫn quá xa vời. Nhiều ý kiến nhận xét, hiện nay, một số lý do (như truyền thống gia đình, tình yêu với nghề giáo)… vẫn đang là điểm tựa để nhiều thí sinh, nhất là ở khu vực nông thôn chọn thi ngành sư phạm (chứ không phải vì được Nhà nước miễn 2,4 triệu đồng học phí/năm). Tuy nhiên, hầu hết ý kiến đều khẳng định: Nếu Nhà nước không tính sớm bài toán tiền lương cho giáo viên, nhất là giáo viên các bậc học thấp, thì tương lai của ngành sư phạm sẽ rất... bi đát.
PHAN THẢO