Huyện miền núi Tân Kỳ (Nghệ An) được nhiều người biết đến không chỉ có cột mốc số 0, điểm khởi đầu của đường Hồ Chí Minh huyền thoại, mà Tân Kỳ còn được biết đến bởi là “quê của muôn quê”. Quê của những người dưới xuôi lên lập làng làm kinh tế mới, quê của những cái tên mang “niềm thương nỗi nhớ” của tình đoàn kết như Nông trường An Ngãi (ghép tên hai tỉnh Nghệ An và Quảng Ngãi), quê của những người con “đất thép” Vĩnh Linh (Quảng Trị) ra sơ tán những năm tháng chiến tranh khói lửa, quê của mối tình đẹp như cổ tích mà có lẽ hiếm có trong cuộc sống ngày nay…
Mảnh đất tình đời
Từ một sự tình cờ, tôi biết về hoàn cảnh đặc biệt của ông. Ông quê ở Vĩnh Linh (Quảng Trị). Thời chiến tranh, bom dội trúng hầm nhà ông khiến mẹ, vợ và 3 con nhỏ của ông tử nạn. Ra Tân Kỳ, ông đã chọn mảnh đất này làm nơi “tạm lánh nỗi đau” rồi xây dựng gia đình, coi Tân Kỳ như quê hương thứ hai của mình.
Một ngày đầu đông, tôi từ thị trấn Tân Kỳ đi lòng vòng dưới chân các dãy núi đá vôi, qua rừng cao su mới đến được trung tâm xã Nghĩa Phúc. Anh Đặng Xuân Nam, Chủ tịch UBND xã, nghe tôi trình bày về việc tìm một nhân vật, anh Nam ồ lên: “Đúng rồi, người có hoàn cảnh đặc biệt đó là ông Họn, hiện ở xã này. Và xã Nghĩa Phúc cũng kết nghĩa với xã Vĩnh Tân (huyện Vĩnh Linh), vừa rồi có ra vào thăm nhau đấy”. Nói xong, anh Nam cho người dẫn tôi đến nhà ông Họn nằm sâu trong xóm Phúc Thành, nép dưới chân núi. Ông có tên đầy đủ là Nguyễn Thế Họn, quê gốc ở xã Vĩnh Tân, Vĩnh Linh, Quảng Trị. Khi tôi đề cập việc được tìm hiểu hoàn cảnh của ông, bất ngờ nước mắt của cụ ông đã 83 tuổi này ứa ra. Ông kể, ông vẫn còn nhớ rõ thời điểm đau đớn ấy. Ngày ấy, ông đang là Đội trưởng Đội sản xuất số 4 của Vĩnh Tân. Đêm mùng 4 rạng sáng mùng 5 tháng 8 năm 1966 âm lịch, ông đi trực chiến theo lịch phân công. Thế rồi máy bay Mỹ từ biển bay vào ném bom. Một quả bom đã dội xuống khu vực nhà ông. Mẹ ông, vợ ông và 3 con nhỏ; đứa lớn 9 tuổi, đứa thứ hai 6 tuổi và đứa thứ ba 4 tuổi bị vùi dưới hầm. Giọng ông Họn lạc đi khi nhớ về ngày tháng đau thương của gia đình mình.
Năm 1967, ông Nguyễn Thế Họn được giao nhiệm vụ đưa 15 học sinh ở xã Vĩnh Tân cùng hàng ngàn người dân và trẻ nhỏ ở các xã vùng “đất thép” ra huyện Tân Kỳ (Nghệ An) sơ tán (theo Kế hoạch K8, K10). Cuộc “trường chinh” kéo dài suốt một tháng. Tại vùng đất mới, ông cùng cán bộ và nhân dân địa phương bắt tay vào lo tăng gia sản xuất, đưa các cháu nhỏ vào nền nếp học tập. Trong thời gian này, ông Họn đã gặp bà Phan Thị Minh, kém ông hơn 10 tuổi. Bà Minh vốn quê ở xã Nam Phúc (huyện Nam Đàn) cùng gia đình lên Tân Kỳ xây dựng kinh tế mới. Biết hoàn cảnh của ông Họn, bà Minh nguyện cùng ông chia sẻ cuộc đời. Năm 1968, ông bà cưới nhau rồi lần lượt 1 con gái, 5 con trai ra đời và trưởng thành. Quá khứ đau buồn dần lùi xa. Các con ông bà lớn lên, xây dựng gia đình và sống quây quần bên bố mẹ. Ông bà ngày ngày vui thú với mảnh vườn nhỏ bên nhà, giúp các con phơi phóng lúa, bắp… và dạy bảo 12 đứa cháu.
Ông Nguyễn Thế Họn và bà Phan Thị Minh với niềm vui tuổi già
Cổ tích tình yêu
Ngót nghét đã 9 năm, tôi mới về lại mảnh đất Nghĩa Dũng, huyện Tân Kỳ. 9 năm trước, biết thông tin về một mối tình đẹp đến khó tin, tôi đã từ TP Vinh vượt trên 100km lần tìm về xóm Gia Đề, xã Nghĩa Dũng. Ấn tượng đập vào mắt tôi khi vừa bước vào cửa là một cô gái đang nằm trên giường đan len, còn chàng trai cặm cụi bên giường gắn những que tăm nhỏ, làm một ngôi nhà mô hình bằng tre. Cô gái nằm liệt trên giường là Nguyễn Thị Phương (36 tuổi), còn chàng trai là Trương Văn Chín (37 tuổi). Nếu xem câu chuyện tình yêu của Phương và Chín là một cuốn phim thì đó là cuốn phim màu đầy mầu nhiệm.
Năm 16 tuổi, đang học lớp 9, Nguyễn Thị Phương được phát hiện bị u máu tủy sống. Cô được gia đình đưa ra Hà Nội chữa trị. Sau một thời gian, căn bệnh tưởng như đã khỏi và cô trở lại cuộc sống bình thường. Năm 2000, vì điều kiện gia đình khó khăn nên Phương theo bạn bè vào Bình Dương làm công nhân. Tại đây, trong một lần nằm viện, Phương đã gặp Chín, chàng trai quê ở Cái Bè (Tiền Giang) đang là bộ đội tại Quân đoàn 4, cũng vào bệnh viện địa phương trị bệnh. Hai người bắt đầu quý mến nhau, rồi tình yêu đến với họ lúc nào không hay. Nhưng đúng vào thời điểm Phương chính thức nhận lời cầu hôn của Chín thì cũng là lúc căn bệnh u máu tủy sống tái phát. Cô phải vào viện chữa trị dài ngày. Trong thời gian này, Chín luôn bên cô động viên, ân cần chăm sóc. Gia đình Phương cũng đưa cô đi chữa trị nhiều nơi nhưng không có kết quả. Ngay cả các bác sĩ từ Pháp sang, sau thời gian điều trị cho Phương cũng lắc đầu với căn bệnh quái ác này. Phương bắt đầu thất vọng, chán nản. Cô biết, mình không thể là gánh nặng cho người yêu nên viết thư chia tay và cùng mẹ trở về quê. Cũng từ đó cô nằm liệt trên giường.
Về phần Chín, sau khi nhận được thư chia tay của người yêu, anh cũng thực hiện xong nghĩa vụ quân sự và trở về quê Tiền Giang. Nhưng hình ảnh của Phương luôn trong trái tim anh. Chín nói dối gia đình là lên TPHCM tìm việc làm, nhưng thực ra, anh tìm ra quê Phương. Chưa một lần ra đất Bắc, chỉ nghe Phương kể về quê mình với những cái tên Tân Kỳ, Nghĩa Dũng… nhưng Chín đã lần tìm ra được. Một buổi chiều, khi gia đình Phương đang chuẩn bị ăn cơm thì Chín xuất hiện trước ngõ. Không ai có thể tin Chín xuất hiện, Phương càng không tin. Chín trở thành mục tiêu “theo dõi” của bố mẹ Phương, bởi một chàng đẹp trai, hiền lành như thế mà lại đem lòng yêu và còn theo về tận nhà chăm sóc cô con gái tật nguyền của mình. Còn hàng xóm bàn ra tán vào “thằng này có vấn đề về thần kinh”. Chín biết điều đó, nhưng anh bỏ qua tất cả. Anh thưa với bố mẹ Phương: “Xin hai bác cho cháu được chăm sóc Phương. Con của hai bác nhưng là người yêu của cháu, người cháu yêu”.
Vợ chồng Trương Văn Chín - Nguyễn Thị Phương và con trai Bảo Phúc
Cuối tháng 12-2006, các lương y của Tập đoàn Y dược Bảo Long đã trực tiếp vào thăm bệnh và đưa Phương ra Sơn Tây (Hà Nội) chữa trị. Ngày đưa Phương ra Hà Nội là một ngày vui hiếm có ở xóm nhỏ Gia Đề. Chín được “tháp tùng” người yêu để tiện chăm sóc. Sau một thời gian điều trị theo Đông y, sức khỏe của Phương tiến triển rất tốt. Phương không còn phải nằm liệt giường mà đã có thể ngồi xe lăn, thậm chí còn làm được vài việc vặt và tự chăm sóc mình. Tại đây, đám cưới giữa Phương và Chín được tổ chức. Ban đầu, mọi người chỉ nghĩ tổ chức đám cưới cho đôi trẻ để khích lệ, động viên Phương, nhưng sự diệu kỳ đã đến, Phương có thai. Khi chào đời, cháu bé được đặt tên là Bảo Phúc.
Sau 9 năm nay gặp lại, đôi uyên ương này đã làm được những “kỳ tích” mới. Phương mày mò viết sách về cuộc đời mình. Năm 2012, cuốn tự truyện được Nhà xuất bản Công an nhân dân ấn hành, có tiêu đề Cổ tích tình yêu. Cùng năm này, Chín và Phương được Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam trao giải thưởng “Thanh niên sống đẹp”. Phương khoe: “Cuốn sách đó em viết tay, còn sau này ngồi dậy được, được tặng máy tính nên em học gõ chữ trên máy luôn. Em vừa viết xong cuốn Dòng sông cuộc đời, đang được Nhà xuất bản Công an nhân dân biên tập…”. Chúng tôi đang trò chuyện thì bé Bảo Phúc đi chơi bên hàng xóm chạy về. Cu cậu leo tót lên giường, đưa hai tay đập nhẹ vào hai bên má mẹ rồi bắt bố Chín ngồi lại gần để “trói bố mẹ lại”. Phương cười mãn nguyện: “Anh thấy đấy! Em chỉ cần thế này thôi. Em viết Dòng sông cuộc đời để tiếp tục cảm ơn cuộc đời, anh ạ! Cảm ơn đời mỗi sớm mai thức dậy…”.
DUY CƯỜNG