Dấu ấn năm đầu

Một năm trước, người dân Pháp bỏ phiếu cho ông Emmanuel Macron với kỳ vọng vị tổng thống trẻ tuổi sẽ mang lại sức sống mới cho nền kinh tế đang trì trệ. 

 

Đúng 1 năm sau, kinh tế Pháp đã có những dấu hiệu phục hồi nhưng nghịch lý là những căng thẳng xã hội đã bùng phát trở lại, đe dọa tiến trình khôi phục đang manh nha. Nếu như các Tổng thống Pháp trước đây ít khi tiến hành cải cách trong thời gian đầu của nhiệm kỳ thì ông Macron đã mạnh dạn cải cách những vấn đề mang tính nền tảng của nước Pháp trong lĩnh vực lao động, tư pháp, nhập cư, giáo dục đại học đến ngành đường sắt. Đây là điều khiến ông trở nên khác biệt so với những người tiền nhiệm. 
Dấu ấn năm đầu ảnh 1 Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Ảnh: Politico
Chỉ trong 1 năm, kinh tế Pháp đã khởi sắc rõ nét với mức tăng trưởng được dự báo khoảng 2% trong năm nay, mức cao nhất từ 6 năm qua. Tỷ lệ lạm phát dưới mức giới hạn 3% của Liên minh châu Âu (EU). Kèm theo đà đi lên về tỷ lệ tăng trưởng, thất nghiệp đang giảm dần, một dấu hiệu tích cực khi mà mục tiêu của chính quyền là hạ tỷ lệ này xuống mức còn 7% vào cuối nhiệm kỳ của Tổng thống Macron. Bức tranh kinh tế sáng sủa bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, trong đó một phần do phục hồi kinh tế toàn cầu và “độ trễ” của các chính sách từ nhiệm kỳ trước cùng với việc cải thiện môi trường kinh doanh. Mức đầu tư của doanh nghiệp Pháp được đánh giá đang cao nhất trong vòng 40 năm trở lại đây. 
Lòng tin của giới doanh nghiệp quay trở lại, nhưng lại vấp phải phản ứng dữ dội của người lao động. Trong thời gian gần đây, hàng loạt những phong trào đấu tranh xã hội đã bùng lên, công nhân đường sắt chống lại việc cải tổ quy chế của ngành, nhân viên hàng không Air France đòi tăng lương hay sinh viên chống lại cải tổ đại học. Chỉ số tín nhiệm của Tổng thống Pháp hiện ở mức 40%. Dù xã hội Pháp vẫn căng thẳng vì cải cách của ông Macron nhưng có đến 57% người đánh giá cao việc Tổng thống Pháp theo đuổi đến cùng việc thực hiện những cam kết lúc tranh cử. Điều này cho thấy một bộ phận không nhỏ người dân ủng hộ thái độ quyết đoán của nhà lãnh đạo Pháp.  Trong lĩnh vực ngoại giao, Tổng thống Pháp đã để lại dấu ấn đặc biệt, không chỉ giúp nước Pháp tăng cường quan hệ song phương với các nước, mà còn giúp dần lấy lại hình ảnh và tầm quan trọng trong các vấn đề quốc tế. Trong bối cảnh có một số quốc gia, đi đầu là Mỹ, thực hiện hàng loạt biện pháp bảo hộ thương mại, Pháp lại theo đuổi chính sách hội nhập, bảo vệ tự do thương mại, tiên phong trong vấn đề biến đổi khí hậu và nỗ lực bảo vệ thỏa thuận hạt nhân với Iran. Tuy nhiên, chính sách của Pháp trong các vấn đề quốc tế chưa đạt kết quả như mong muốn. Ông Macron đã không thể thuyết phục được Tổng thống Mỹ Donald Trump thay đổi ý định rời khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran. Bên cạnh đó, nước Pháp cùng với Đức chưa tìm được đồng thuận trong cải cách EU hay việc Pháp bất ngờ tham gia cuộc tấn công Syria cũng là đề tài gây tranh cãi. Dù còn những hạn chế khi thực hiện hàng loạt cải cách, nhưng nỗ lực của Tổng thống Macron trong năm qua là điều không thể phủ nhận. Giới phân tích cho rằng ông Macron và chính phủ vẫn còn thời gian để giải quyết vấn đề phát sinh sau cải cách vì đây mới chỉ là năm đầu tiên nhà lãnh đạo lên nắm quyền.

Tin cùng chuyên mục