Thủy sản ĐBSCL

Đầu năm bàn chuyện quy hoạch, phát triển

Đầu năm bàn chuyện quy hoạch, phát triển

Trước Tết Nguyên đán 1 tháng, giá tôm sú, giá cá tra, cá basa giảm mạnh, nông dân mếu mặt, các doanh nghiệp thì thoải mái “đì” giá. Sau Tết, giá tôm nguyên liệu vọt lên 115.000 đồng/kg, tăng gần 40.000 đồng/kg; doanh nghiệp “đứng tim” tìm nguyên liệu. Ngày 6-2, giá cá tra, cá basa loại tốt nhảy lên 12.500 đồng/kg, tăng hơn 3.000 đồng/kg so với vài tháng trước.

Điều trái khoáy là nhiều nông dân “đỏng đảnh”, giữ cá chờ giá lên nữa mới bán. Câu chuyện làm kinh doanh kiểu “ăn xổi, ở thì” lại nhảy múa trong những ngày đầu năm.

Ông Nguyễn Hữu Khánh, Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam cho biết: cá tra, cá basa sạch đang được doanh nghiệp “săn” mua mạnh. Nhưng số lượng sạch ở đây vẫn còn khiêm tốn. Cá tra, cá basa nuôi đăng quầng theo dạng sinh thái đất viên lang, bãi bồi sạch là hiển nhiên.

Đầu năm bàn chuyện quy hoạch, phát triển ảnh 1

Nông dân thu hoạch nhiều tôm, nhưng ghim hàng chờ giá.

Tuy nhiên, tỉ lệ sạch nuôi ở hầm thâm canh thì chiếm chưa được phân nửa số lượng nuôi hiện nay. Nhiều hộ nằm trong danh sách “đen” mà các doanh nghiệp khoanh lại thì vẫn phập phồng lo âu! Trong các hộ diện này, đã có 30%-50% ngừng sản xuất cá tra, cá basa hoặc chuyển sang nuôi các loại cá khác.

Trong khi đó, ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), hối thúc: Các địa phương hãy giúp nông dân đẩy nhanh tiến độ nuôi tôm rải vụ để giúp các nhà máy chế biến thoát khỏi cảnh hoạt động cầm chừng như hiện nay.

Thực tế ở Sóc Trăng đã có nông dân nuôi thành công tôm sú rải vụ là ông Đinh Thiên Cần ở xã Liêu Tú, huyện Long Phú. Năm 2005, ông thu hoạch trên 280 tấn tôm, trong đó sản lượng nuôi rải vụ trên 110 tấn. Trong đó, nhiều vuông đạt trên 10 tấn/ha, cao hơn bình thường 2-3 tấn/ha.

Do nuôi thu hoạch sớm hơn vào vụ 1-2 tháng, giá tôm luôn trên 110.000 đồng/kg đã giúp ông Cần thắng lớn và được mệnh danh là “vua tôm sú” miền Tây trong 5 năm qua. Song, vấn đề đặt ra là hiện nay nhiều người vẫn nuôi theo phong trào, thấy người ta thả tôm, hè nhau thả theo. Ông Hồ Quốc Lực, kêu gọi: Các nhà khoa học hãy hoàn thiện và đúc kết quy trình nuôi tôm rải vụ, nhanh chóng chuyển giao cho nông dân.

Những năm qua, thủy sản ĐBSCL đã phát triển với tốc độ khá cao. Năm 2000, toàn vùng đạt kim ngạch xuất khẩu gần 1,2 tỷ USD; năm 2004 đã nhảy lên 2,4 tỷ USD. Tuy nhiên, nhiều yếu kém trong nuôi trồng thủy sản đã phơi bày. Phát triển quá nhanh, nhưng khâu quản lý và kiểm soát không theo kịp. Trong khi đó, yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) ngày càng cao, yêu cầu của người mua ngày càng chặt chẽ và khó tính hơn.

Môi trường từ việc phát triển ào ạt nuôi tôm đang bị mặn hóa, nhiều vùng nay muốn quay lại làm lúa cũng không được. Mặn hóa để nuôi tôm, trong khi hệ thống thủy lợi không đáp ứng yêu cầu, môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng, kéo theo nhiều loại bệnh phát sinh trên diện tích nuôi tôm, như: đốm trắng, phấn trắng, đầu vàng.

Nhiều nhà khoa học đã lên tiếng cảnh báo: Nếu tốc độ phát triển quá nhanh không có giải pháp chủ động điều tiết, đối phó thì chúng ta sẽ trả giá đắt. Thực tế đã minh chứng điều đó. Nhiều nông hộ nuôi tôm ở Cà Mau, Bạc Liêu, nuôi cá tra, cá basa ở Đồng Tháp, An Giang, Cần Thơ điêu đứng, sa vào cảnh nợ nần chồng chất là hệ lụy từ sự phát triển nóng vội.

Theo Thứ trưởng Bộ Thủy sản Nguyễn Thị Hồng Minh: Năm 2006, ngành thủy sản đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 2,8 tỷ USD.

Ngoài tăng cường năng lực quản lý, mối quan tâm hàng đầu là cải thiện chất lượng, đảm bảo VSATTP và nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm thủy sản trên thị trường. PGS-TS Nguyễn Thanh Phương, Trưởng khoa Thủy sản Trường Đại học Cần Thơ, cho rằng: Cần đầu tư cơ sở hạ tầng và phát triển KHCN đúng mức, tạo ra các sản phẩm đạt tiêu chuẩn HACCP, SQF 1000 đáp ứng nhu cầu thị trường... Chính sách trong quản lý ngành thủy sản cũng phải được cải tiến và bổ sung, nhất là trong quản lý môi trường, kinh doanh vật tư phục vụ nuôi trồng thủy sản. 

CAO HOÀNG PHONG

Tin cùng chuyên mục