Chính phủ sẽ báo cáo Bộ Chính trị 3 vấn đề lớn:

Đầu tư trực tiếp nước ngoài, an ninh lương thực, hoạt động DNNN

Đầu tư trực tiếp nước ngoài, an ninh lương thực, hoạt động DNNN

(SGGP-12G).- Chính phủ vừa họp xem xét 3 vấn đề quan trọng. Đó là Báo cáo về tình hình thu hút và quản lý đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) 3 năm 2006-2008 và một số giải pháp cơ bản cho các năm 2009-2010; Đề án an ninh lương thực, thực phẩm quốc gia và tình hình hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước (DNNN). 3 đề án này sẽ được Chính phủ hoàn thiện để báo cáo Bộ Chính trị.

Thu hút FDI: Không phải bằng bất cứ giá nào

Báo cáo về FDI trong 3 năm 2006-2008 và một số giải pháp cơ bản cho các năm 2009-2010 do Bộ trưởng Võ Hồng Phúc trình bày cho thấy, đến nay, kết quả huy động và sử dụng vốn FDI là một thành công lớn cả về lượng vốn và hiệu quả sử dụng.

Từ năm 1988 đến nay, tổng vốn đạt 149,7 tỷ USD. Trong 3 năm đầu của kế hoạch 5 năm 2006-2010, FDI tăng mạnh cả số vốn thực hiện và vốn đăng ký. Ngay trong thời điểm không thuận như năm 2008, nguồn vốn FDI đầu tư vào Việt Nam vẫn tiếp tục tăng đột biến, đạt trên 64 tỷ USD, tăng 3 lần so với năm 2007.

Tính chung giai đoạn 2006-2008, vốn thực hiện của khu vực kinh tế có vốn nước ngoài đã đạt khoảng 23,6 tỷ USD, bằng 94,4% mục tiêu đề ra cho cả giai đoạn 5 năm 2006-2010. Theo thống kê, FDI chiếm trên 17% tổng GDP cả nước năm 2007; chiếm gần 25% tổng vốn đầu tư toàn xã hội; chiếm 41% tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2007 (không kể dầu thô); đem lại việc làm cho gần 1,5 triệu lao động; nộp ngân sách Nhà nước 5 tỷ USD trong 3 năm 2006-2008 thông qua thuế.

Vấn nạn ô nhiễm môi trường đang cần được xử lý rốt ráo. Ảnh: Khải Đơn

Vấn nạn ô nhiễm môi trường đang cần được xử lý rốt ráo. Ảnh: Khải Đơn

Sự tăng trưởng mạnh mẽ của khu vực kinh tế FDI trong 3 năm qua đã khẳng định kết quả trong việc cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh của Việt Nam. “Chính phủ khuyến khích thu hút FDI và sẽ tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư. Tuy nhiên, Việt Nam sẽ tiếp nhận FDI có chọn lọc, không phải thu hút bằng bất cứ giá nào như thời kỳ trước đây”, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dẫn kết luận của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Bảo đảm diện tích sản xuất lương thực

Những năm qua Việt Nam đã sản xuất được lượng lương thực rất lớn (năm 2008 đã sản xuất được trên 52 triệu tấn), bảo đảm xuất khẩu. Tuy vậy, vẫn còn một số địa bàn, một bộ phận đồng bào bị thiếu lương thực. Vì vậy, liên quan đến vấn đề bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, Thủ tướng yêu cầu 2 việc: Thứ nhất là bảo đảm đất đai cho sản xuất lương thực; thứ hai là đưa khoa học công nghệ vào sản xuất lương thực, thực phẩm, nhất là chế biến sau thu hoạch, tăng năng suất, nâng cao chất lượng lương thực, thực phẩm.

Trên cơ sở đóng góp ý kiến của các bộ ngành vào Đề án an ninh lương thực, thực phẩm đến năm 2020 nhằm đảm bảo diện tích đất trồng lúa, cây màu, đối phó với biến đổi khí hậu, đáp ứng một cách bền vững nhu cầu lương thực, thực phẩm, trong mọi tình huống, Chính phủ sẽ hoàn thiện đề án để báo cáo Bộ Chính trị.

Ngoài ra, về việc cân đối sản xuất lương thực và cân bằng sinh học, trình độ tổ chức sản xuất, vai trò khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp… Thủ tướng yêu cầu Bộ NN-PTNT tiếp tục hoàn thiện và soạn thảo thành nghị quyết báo cáo Chính phủ, đồng thời trình Bộ Chính trị quyết định.

Sắp xếp lại DNNN

Về tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2008 của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh đã báo cáo Chính phủ khẳng định vai trò chủ đạo phát triển kinh tế-xã hội của các tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước hiện nay.

Qua 20 năm đổi mới, hiện khối DNNN đã được cơ cấu đúng hướng. Số lượng DNNN giảm xuống còn khoảng 1.500 doanh nghiệp vào năm 2009, tập trung nắm giữ các lĩnh vực then chốt. Với 94 tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước đóng vai trò đầu tàu đối với kinh tế nhà nước, hiện chiếm tới 40% GDP cả nước, tạo ra 39,5% giá trị sản lượng công nghiệp, trên 50% kim ngạch xuất khẩu và 28,8% tổng thu nội địa đã góp phần ổn định và chủ động ngân sách nhà nước, tạo công việc làm cho hàng triệu lao động.

Từ thực tiễn sản xuất kinh doanh của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, Chính phủ nhất trí cần tiếp tục xác định vai trò đầu tàu của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước trên cơ sở rà soát để sắp xếp và có kế hoạch đầu tư phát triển bền vững. Theo đánh giá chung, nhiều lĩnh vực do DNNN nắm giữ đã đạt trình độ thế giới như cao su, đóng tàu, viễn thông, xi măng...

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đồng tình với báo cáo kết quả hoạt động của các DNNN, đặc biệt là vai trò quan trọng của các “anh cả” trong năm 2008 đầy khó khăn, thách thức vừa qua (các DNNN góp phần rất quan trọng trong việc cùng Chính phủ kiềm chế thành công lạm phát). Tuy nhiên, vẫn còn nhiều tồn tại cần khắc phục trong hoạt động của DNNN như quy mô chưa lớn, hiệu quả chưa đồng đều, trình độ quản lý doanh nghiệp còn bất cập... Thủ tướng yêu cầu Bộ KH-ĐT rà soát, đánh giá khách quan những doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả và chưa hiệu quả, báo cáo Chính phủ và trình Bộ Chính trị có kế hoạch xử lý dứt điểm.

QUANG PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục