Kế hoạch đưa 300 cán bộ trẻ về phường - xã trong năm 2005

“Đầu xuôi” nhưng “đuôi… chưa lọt”

“Đầu xuôi” nhưng “đuôi… chưa lọt”

Việc TPHCM đưa sinh viên, cán bộ trẻ về phường - xã công tác từ 3 đến 5 năm để thử thách làm lãnh đạo là chủ trương đúng đắn và cấp thiết, nhưng thời gian đầu gặp khó khăn. Trong 3 năm (1999 - 2002), thành phố mới chỉ đưa được 2 sinh viên về làm việc ở phường. Tháng 5-2003, Thành ủy TPHCM xây dựng kế hoạch đến năm 2005 đưa 300 cán bộ trẻ và sinh viên về phường - xã để đào tạo các chức danh chủ chốt.

Để đào tạo đội ngũ cán bộ chủ chốt ở cơ sở “chất lượng cao”, ngay từ năm 1999, Thành ủy TPHCM đã có chương trình quy hoạch cán bộ dài hạn nhằm phát hiện, đào tạo cán bộ từ khi họ còn là sinh viên đại học hệ chính quy.

“Đầu xuôi” nhưng “đuôi… chưa lọt” ảnh 1

Bí thư Đảng ủy phường 2, quận 3 Nguyễn Thị Ngọc Hằng, 27 tuổi (thứ hai từ trái qua), đang thăm hỏi người dân ở phường.

Sau đợt tuyển chọn vào năm học 1999 - 2000, thấy nhiều trường hợp không phù hợp với mục tiêu, yêu cầu đào tạo cán bộ lãnh đạo và quản lý, Thành ủy TPHCM đã “gói gọn” việc tìm kiếm nhân tài ở một số trường đại học và số cán bộ, công nhân trẻ được tuyển chọn từ các hoạt động phong trào học tập, lao động sản xuất ở các đơn vị thuộc Sở Công nghiệp, Thành đoàn TPHCM, Trường Cán bộ TP và 24 quận (huyện). Đến tháng 3-2005, đã có 697 người được đưa vào diện quy hoạch dài hạn, bao gồm 255 sinh viên và 442 cán bộ công chức trẻ.

Bà Nguyễn Thị Lan, Phó Trưởng ban Tổ chức Thành ủy cho biết: Tiểu ban Quy hoạch cán bộ dài hạn Thành ủy cùng Thành đoàn TPHCM định kỳ tổ chức các hoạt động giáo dục truyền thống đạo đức cách mạng cho sinh viên, qua đó nhắc nhở các em phấn đấu học tập, rèn luyện. Kết quả là năm học vừa qua, 85,58% sinh viên có học lực khá giỏi, tích cực tham gia phong trào Đoàn TNCS và đã có 176 sinh viên, cán bộ trẻ được kết nạp vào Đảng.

Trong số các cán bộ quy hoạch dài hạn nói trên, đến nay, Thành ủy TPHCM đã tuyển chọn để đưa về công tác ở phường - xã để tạo nguồn cán bộ sau này cho quận và thành phố được 142 người, trong đó có 61 đồng chí được bố trí các chức danh chủ chốt và 3 đồng chí được cấu tạo vào ban chấp hành đảng bộ quận. Theo kế hoạch, từ nay đến cuối năm 2005, thành phố sẽ đưa thêm 158 sinh viên và cán bộ trẻ về phường - xã công tác.

Đây là thách thức không nhỏ đối với Ban Tổ chức Thành ủy TPHCM và các cấp ủy địa phương khi mà đại hội Đảng cấp cơ sở nhiệm kỳ 2005 - 2010 chỉ còn chưa đầy 3 tháng nữa. Khó khăn lớn nhất đối với các quận - huyện là sắp xếp số cán bộ nhiều tuổi, năng lực hạn chế ở phường - xã. Việc bố trí các đồng chí này về các phòng chuyên môn thuộc khối chính quyền, các ban Đảng, Mặt trận, đoàn thể làm lãnh đạo hoặc chuyên viên đang dần bão hòa, nhất là khi các đơn vị thực hiện khoán biên chế, quỹ lương và chi phí hành chính.

Trong khi đó, Quy định tạm thời 325-QĐ/TU của Thành ủy TPHCM về giải quyết chính sách cán bộ kháng chiến tự nguyện nghỉ hưu trước tuổi lại không dành cho đối tượng cán bộ phường - xã. Hiện nay, ở các quận - huyện, mỗi nơi còn vài trường hợp cán bộ ở cấp phường, giữ cương vị chủ chốt 2 - 3 nhiệm kỳ, đã 50 - 52 tuổi, mới học hết cấp 3, rất khó bố trí công tác mới và không áp dụng chế độ hưu trí được vì chưa thuộc diện biên chế.

Đây là một trong những lý do Thành ủy chưa thể khống chế độ tuổi dưới 35 tuổi cho cấp ủy viên phường-xã nhiệm kỳ 2005 - 2010. Để mở lối thoát, mới đây, Thường trực Thành ủy TPHCM cho phép khối Đảng mỗi quận - huyện được phép tăng thêm 5 biên chế (từ quỹ dự phòng).Tuy nhiên đó chỉ là giải pháp tình thế.

“Khó đưa cán bộ trẻ về phường nhiều khi phụ thuộc vào việc bố trí lại cán bộ hưu trí ở phường!” - Bà Lê Thị Út, Bí thư Quận ủy quận 6 giải thích. Bà Út nói thêm: “Do một số cán bộ hưu trí chưa hiểu đầy đủ chủ trương trẻ hóa cán bộ nên chưa thông cảm với lớp trẻ”.

Giữa nhiệm kỳ, quận 6 điều một cán bộ trẻ giữ chức danh chủ chốt ở phường, nhưng chỉ thời gian ngắn, đồng chí này chịu không nổi vì “bị các chú la quá”, đâm ra nản. Ở đại hội nhiệm kỳ trước, quận 6 và quận Gò Vấp giới thiệu 2 cán bộ trẻ cho đại hội Đảng bộ 2 phường để dự kiến tham gia cấp ủy, nhưng “bị rớt do chưa có sự thống nhất cao trong đảng viên hưu trí dự đại hội”.

Phát biểu tại Hội nghị Thành ủy lần thứ 18 (tháng 10-2004), Phó Bí thư Thành ủy Võ Văn Cương phân tích: “Việc đưa cán bộ trẻ về làm lãnh đạo ở phường, xã còn gặp rất nhiều khó khăn vì trong đảng viên và cả trong cấp ủy chưa thống nhất về quan điểm, chủ trương trẻ hóa cán bộ. Ngay trong các đồng chí lãnh đạo đương chức, hãy tự hỏi đã có ai đưa con em mình tốt nghiệp đại học về phường - xã công tác chưa?

Như thế, “đầu vào” cán bộ ở phường- xã sẽ còn tiếp tục bất cập. Mạnh dạn trẻ hóa cán bộ không phải là vì “chủ nghĩa trẻ” mà vì thực tế, cán bộ trẻ được học hành bài bản, có khả năng mở rộng kiến thức và trên hết là họ có sức khỏe, sức sáng tạo và lòng nhiệt huyết. Do vậy, quy trình đề bạt, bổ nhiệm đối với cán bộ trẻ phải rất ngắn và có kế hoạch chi tiết. Những trường hợp đặc biệt có triển vọng phát triển thì rút ngắn hơn thời gian bổ nhiệm hoặc bố trí bằng cách chỉ định nếu thấy chưa đạt phiếu tín nhiệm cao”. 

TUẤN SƠN 

Tin cùng chuyên mục