Dạy con tính trung thực

Vô tình kiểm tra tập vở của con trai học lớp 5 vào cuối tuần, tôi nhìn thấy tờ giấy tiền mệnh giá 100.000 đồng nằm ngay ngắn trong tập làm văn. Tôi giật bắn cả người vì mình không hề cho con số tiền lớn như vậy và tự hỏi ở đâu cháu có? Đợi con đi chơi ở nhà bạn cùng xóm trở về, tôi đưa cuốn tập làm văn cho con và nhẹ nhàng nói: “Hình như con có tiền lớn để trong cuốn tập này…”. Mặt cháu biến sắc và ấp úng nói: “Con nhặt được tờ tiền này trong lớp nhưng không biết của ai đánh rơi”. Tôi mỉm cười và xoa đầu con thủ thỉ: “Những gì không phải của con thì phải trả lại bạn nào đó ở trong lớp đã đánh rơi. Ngày mai đưa con đi học mẹ sẽ nói với cô giáo chủ nhiệm về chuyện này và nhờ cô hỏi bạn nào đánh rơi tiền để trả lại nhé!”.

“Không! Mẹ không cần nói với cô giáo chủ nhiệm, tự con sẽ tìm ra bạn mất tiền để trả lại”, con trai tôi tỏ ra vùng vằng và trên khuôn mặt thể hiện điều gì đó lo sợ, không được tự nhiên. Thấy vậy, tôi gật đầu đồng ý nhưng sau đó gọi điện cho cô chủ nhiệm trao đổi về việc con trai mình có số tiền bất thường này và nhờ cô kiểm tra xem sự việc có đúng như vậy không. Thì ra, sự thật hoàn toàn khác. Con tôi đã tự tay lấy số tiền đó của bạn H. ngồi cùng dãy bàn. Bạn H. hay được cha mẹ cho nhiều tiền mang đi học và thường dùng số tiền này để mua đồ ăn, bao bạn bè cùng lớp. Ai cũng thích chơi với bạn H. vì tính hào hiệp, rộng rãi. Vì cũng muốn thể hiện tính “đại ca” bao bạn bè như bạn H. nên con trai tôi nhìn thấy bạn H. bỏ tiền ở hộc bàn lúc ra chơi đã lấy 1 tờ mệnh giá 100.000 đồng. Khi phát hiện mất tiền bạn H. có hỏi nhưng con tôi trả lời không lấy.

Sau khi nghe cô giáo tường thuật lại sự việc và khẳng định rằng con tôi đã trả lại bạn H. số tiền này, tôi rất buồn. Tôi tự hỏi mình đã dạy con thế nào để cháu có hành vi bồng bột, lấy trộm tiền của bạn, rồi nói dối là nhặt tiền đánh rơi trong lớp. Nghe lời khuyên của cô giáo tôi không la rầy, mắng cháu và nhẹ nhàng dò hỏi “tại sao con làm như vậy?”. Cháu ấp úng xin lỗi và hứa sẽ không làm như thế nữa. Từ sự việc này, tôi không chỉ gần con hơn mà luôn cùng con đọc sách, bàn luận về những câu chuyện giáo dục tính trung thực, ngay thẳng. Để nuôi dưỡng tính trung thực, ngay thẳng thì người lớn - cha mẹ phải làm gương, nhất là uốn nắn con trẻ từ nhỏ và dập tắt ngay mầm mống xấu, tính tham lam.

DIỆU ANH

Tin cùng chuyên mục