Theo thầy Dương Quang Phú, giáo viên môn Địa lý, Trường THPT Nguyễn Du (quận 10), việc giao bài học, bài tập cho học sinh luyện tập tại nhà là cần thiết nhằm giúp các em không quên kiến thức, duy trì thói quen tự học để dễ dàng bắt nhịp khi quay trở lại trường học.
Trường hợp học sinh không hiểu bài hoặc có thắc mắc có thể trao đổi trực tiếp với thầy, cô qua điện thoại, tin nhắn hoặc gián tiếp bằng cách gửi email, hộp chat trên mạng xã hội.
Tuy nhiên, theo ghi nhận của PV Báo SGGP, do là lần đầu tiên triển khai các hình thức học tập hiện đại, đòi hỏi khả năng sử dụng cao các thiết bị công nghệ nên nhiều lớp học đã xảy ra tình trạng nghẽn mạng, đường link bài giảng bị lỗi hoặc không tổ chức được thời gian cho tất cả học sinh cùng tham gia tương tác với giáo viên.
Chị V.T.N., phụ huynh có con đang học một trường tiểu học ở quận Bình Thạnh, cho biết, giáo viên chủ nhiệm lớp con chị đã tổ chức thử nghiệm 2 buổi học trực tuyến môn Toán và Tiếng Việt. Ở buổi học đầu tiên, hai mẹ con mất hơn 20 phút mới hoàn thành việc đăng ký và thành thạo các phím chức năng của giao diện lớp học trực tuyến. Đến buổi học thứ 2, do đường truyền mạng không ổn định nên chỉ có hơn nửa lớp tham gia học trực tuyến.
Tương tự, nhiều phụ huynh khác cũng cho biết, với điều kiện máy tính, đường truyền internet mỗi gia đình khác nhau, chưa kể không phải phụ huynh nào cũng sắp xếp được thời gian ở nhà hướng dẫn, hỗ trợ con học tập trực tuyến, nhất là đối với học sinh ở 2 bậc tiểu học và THCS.
Riêng đối với học sinh ở bậc THPT, Nguyễn Lâm Duy, học sinh lớp 10A13 Trường THPT Nguyễn Du (quận 10), cho biết, hầu hết các bạn trong lớp đều có điện thoại di động hoặc máy tính cá nhân. Do đó, việc nhận bài tập từ giáo viên rồi tiến hành tự ôn tập ở nhà không có nhiều trở ngại.
“Nếu tính cả thời gian được nghỉ Tết Nguyên đán thì tụi em đã nghỉ học gần một tháng nên nếu không ôn tập sẽ quên hết kiến thức ở học kỳ 1, gây khó khăn cho việc học tập ở học kỳ 2”, học sinh này bày tỏ.
Đặc biệt, đối với học sinh lớp 12, việc vừa học thêm kiến thức mới vừa kết hợp ôn tập kiến thức cũ đã được các em ý thức thực hiện ngay từ đầu năm học nhằm chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi THPT quốc gia. Vì vậy, với việc gián đoạn lịch học trong 2 tuần do ảnh hưởng của dịch nCoV khiến nhiều học sinh lo lắng.
Theo ông Lê Duy Tân, Trưởng phòng Giáo dục trung học (Sở GD-ĐT TPHCM), phụ huynh và học sinh không nên quá lo lắng vì các trường sẽ có kế hoạch bổ sung kiến thức sau khi học sinh quay trở lại trường học. Theo đó, với trường dạy học 2 buổi/ngày, buổi thứ 2 sẽ được sử dụng để dạy bù kiến thức.
Với những trường tổ chức dạy học một buổi, giáo viên có thể linh động tận dụng thời gian ở các buổi còn lại để dạy bù, bảo đảm chương trình học cho học sinh. Trường hợp Bộ GD-ĐT đồng ý kéo dài thời gian năm học, TP sẽ thực hiện theo kế hoạch đó.
Qua đó cho thấy, dù còn bộc lộ nhiều hạn chế khi triển khai các hình thức dạy học trực tuyến và tổ chức tự học tại nhà cho học sinh trong tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh, nhưng đây là cơ hội phát huy tính chủ động, sáng tạo của mỗi giáo viên.
Đồng thời đây cũng là dịp để cơ quan quản lý nhìn lại những thiếu sót, khắc phục những điểm yếu cố hữu về trang thiết bị, cơ sở vật chất trường lớp và trình độ giáo viên khi triển khai các giải pháp học tập hiện đại, phấn đấu thực hiện mô hình trường học thông minh theo chủ trương chung của UBND TP.
Các tin, bài viết khác
-
Triển khai lập quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học toàn quốc
-
Quảng Trị: Nhiều học sinh tiểu học nhập viện sau bữa ăn trưa
-
Làm giả văn bản Quảng Nam tiếp tục cho nghỉ học để phòng, chống dịch Covid-19 là một học sinh cấp 2
-
Tìm hiểu sách giáo khoa mới lớp 2 và lớp 6
-
Học sinh TPHCM chính thức trở lại trường học từ ngày 1-3-2021
-
“Giải khó” dạy học qua internet
-
Các trường đại học lên kịch bản chống dịch
-
TPHCM: Đề xuất cho học sinh trở lại trường từ đầu tháng 3-2021
-
Đề nghị xử phạt 10 triệu đồng người đăng công văn giả mạo cho học sinh nghỉ học
-
Xuất hiện văn bản giả cho học sinh tiếp tục nghỉ học tại Quảng Nam