Đẩy mạnh Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam

Năm 2021, TPHCM bị tác động bởi đợt dịch Covid-19 có quy mô lớn nhất từ trước đến nay. Nhưng việc triển khai và thực hiện Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam vẫn tạo được sự chuyển biến trong nhận thức và hành vi ưu tiên sử dụng hàng trong nước.

Sáng 6-5, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam TP HCM đã tổ chức hội nghị tổng kết Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam năm 2021. Tham dự hội nghị có đồng chí Nguyễn Hồ Hải, Phó Bí thư Thành ủy; đồng chí Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM; đồng chí Phan Thị Thắng, Phó Chủ tịch UBND TPHCM cùng các đại diện doanh nghiệp tiêu biểu.

Đẩy mạnh Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam ảnh 1 Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Hồ Hải tham quan các gian hàng của doanh nghiệp trưng bày tại hội nghị 

Chắp cánh hàng Việt

Theo Ban chỉ đạo Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, năm 2021, TPHCM bị tác động bởi đợt dịch Covid-19 có quy mô lớn nhất từ trước đến nay, tạo ra nhiều thử thách và rào cản lớn trong công tác tuyên truyền thực hiện cuộc vận động. Nhưng việc triển khai và thực hiện Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam vẫn tạo được sự chuyển biến trong nhận thức và hành vi ưu tiên sử dụng hàng trong nước.

TPHCM đã nỗ lực ổn định thị trường, hoạt động liên kết cùng các tỉnh, thành trên cả nước, đưa hàng Việt chất lượng, uy tín đến tận tay người tiêu dùng. Các hoạt động xúc tiến thương mại cũng đã được triển khai hiệu quả, góp phần nâng cao hiệu quả mở rộng mạng lưới phân phối gắn với thu mua, tiêu thụ sản phẩm, cũng như thực hiện nhiệm vụ bình ổn thị trường ngay tại các địa phương, hỗ trợ việc tiêu thụ các nông sản gặp khó khăn trong xuất khẩu do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19.

Nhằm thưc hiện thiết thực hơn nữa cuộc vận động, nhanh chóng thích ứng với tình hình và nâng chương trình lên tầm cao mới, nhiều doanh nghiệp tham dự hội nghị đã có nhiều kiến nghị rất thiết thực, tâm huyết.

Phó Tổng giám đốc Saigon Co.op Lê Trường Sơn cho biết, tỉ lệ hàng Việt trong hệ thống bán lẻ của Saigon Co.op đạt trên 90% và được duy trì suốt nhiều năm qua. Tuy nhiên, cuộc vận động cần khẳng định hơn nữa tầm vóc và cách thức sáng tạo trong thực hiện, không chỉ chú trọng về hàng hóa Việt Nam mà ngay cả sản phẩm dịch vụ, công nghệ và các sản phẩm phi vật chất, sản phẩm trí tuệ cũng cần có cách thức vận động phù hợp. Các hình thức vận động cần tiếp tục nắm rõ những xu thế, phù hợp với các cam kết quốc tế, cùng với việc vận động, ban hành những cơ chế chính sách đặc thù cho những đối tượng, đơn vị, hợp tác xã nền tảng thực hiện chắp cánh hàng Việt.

“Khả năng và nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng đã chịu ảnh hưởng nặng nề sau đại dịch nên cần phải có các giải pháp kích cầu gắn liền với chính sách an sinh xã hội. Nâng cao thu nhập cho người lao động để kích cầu hiệu quả. Bản thân hàng Việt cũng cần có sự sáng tạo, kết nối, tạo sự khác biệt để có thể kích cầu mạnh mẽ hơn”, ông Sơn nói.

Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng kiến nghị, tiếp tục đẩy nhanh, mạnh hơn nữa hoạt động đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông, logistics, tạo điều kiện trong lưu thông hàng hóa. Các sở ngành, chính quyền địa phương tiếp tục phối hợp chặt chẽ, tổ chức triển khai đồng bộ, nhịp nhàng nhằm đảm bảo cho chuỗi cung ứng được thông suốt, tránh đứt gãy.

Đẩy mạnh Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam ảnh 2 Các cá nhân, tập thể nhận bằng khen của UBND TPHCM do có thành tích xuất sắc trong thực hiện cuộc  vận động năm 2021

Đa dạng giải pháp, mở rộng quy mô

Phát biểu tại hội nghị, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Hồ Hải, Trưởng Ban chỉ đạo Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam đánh giá, năm 2021, tình hình kinh tế - xã hội cả nước nói chung và TPHCM nói riêng chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch bệnh Covid-19, hoạt động sản xuất kinh doanh ngưng trệ thời gian dài. Nhưng chính trong khó khăn, thử thách lại có nhiều cách làm sáng tạo, linh hoạt trong tuyên truyền, vận động và có sự nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp để triển khai và thực hiện cuộc vận động trên địa bàn thành phố duy trì, ổn định thị trường, giá cả, đưa hàng Việt chất lượng, uy tín đến tận tay người tiêu dùng, ngày càng nhiều hơn và quy mô hơn, hoạt động liên doanh, liên kết cùng các tỉnh, thành trên cả nước.

Theo đồng chí Nguyễn Hồ Hải, TPHCM trong bối cảnh năm 2022, tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, dịch Covid-19 chưa thể sớm kết thúc, tác động tiêu cực kéo dài, ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế. Ở trong nước, tác động của dịch bệnh, biến đổi khí hậu, thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn tiếp tục diễn biến phức tạp; yêu cầu nhiệm vụ cho đầu tư phát triển, phòng chống dịch, bảo đảm an sinh xã hội rất lớn trong bối cảnh nguồn lực hạn chế.

Do đó, để việc thực hiện Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam trên địa bàn TPHCM năm 2022 đạt được hiệu quả cao, đồng chí Nguyễn Hồ Hải đề nghị, các tổ chức Đảng, các cấp, các ngành từ thành phố đến cơ sở cần tập trung tổ chức triển khai, quán triệt và thực hiện có hiệu quả Chỉ thị và Thông tri về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong tình hình mới. Trọng tâm tuyên truyền sâu rộng, tạo sự thống nhất, tạo chuyển biến thực sự về nhận thức và hành động của các cấp, các ngành, doanh nghiệp và người dân trong thực hiện cuộc vận động.

Tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả các nhóm giải pháp thuộc chương trình hành động của thành phố về cuộc vận động. Tập trung vào các nhóm giải pháp đa dạng, mở rộng hình thức, quy mô xúc tiến thương mại, kết nối doanh nghiệp với doanh nghiệp, doanh nghiệp với người tiêu dùng. Hình thành các liên kết chiến lược giữa các doanh nghiệp phân phối, giữa phân phối và sản xuất, góp phần tăng cường liên kết nội bộ, liên kết vùng để hình thành và phát triển chuỗi cung ứng, phân phối hàng hóa có giá trị, ổn định và dẫn đắt thị trường.

“Đặc biệt, để thích ứng với sự phát triển của xã hội cũng như đáp ứng các nhu cầu của người tiêu dùng, cần quan tâm đặc biệt đến vấn đề thương mại điện tử. Các sở, ngành, thành phố cần đề xuất các cơ chế, chính sách nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển thương mại điện tử theo hướng tạo điều kiện, khuyến khích, hỗ trợ các hoạt động ứng dụng thương mại điện tử và các mô hình kinh doanh mới trên nền tảng công nghệ số; nâng cao năng lực quản lý và tổ chức hoạt động thương mại điện tử, nhất là đào tạo năng lực cho đội ngũ thực thi pháp luật, hoàn thiện các quy định về thanh tra, kiểm tra và xử phạt vi phạm hành chinh; trang bị các phương tiện hiện đại để hỗ trợ việc theo dõi, giám sát, giải quyết tranh chấp, xử lý vi phạm các hoạt động thương mại điện tử. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, phối hợp liên ngành trong đấu tranh chống các hành vi gian lận thương mại, buôn lậu, hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ và cạnh tranh không lành mạnh”, đồng chí Nguyễn Hồ Hải nhấn mạnh.

Theo thống kê, năm 2021 thành phố có 30.289 doanh nghiệp được thành lập mới (giảm 23,5% so với cùng kỳ năm trước) với tổng số vốn đăng ký 517.694 tỷ đồng (giảm 53,5% so với cùng kỳ năm trước).

Năm nay, có 80 doanh nghiệp tham gia Chương trình bình ổn thị trường TPHCM với nhiều đơn vị quy mô lớn, thương hiệu mạnh, chiếm lĩnh thị phần cao, bảo đảm cân đối cung - cầu hàng hóa, ổn định thị trường, góp phần thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, gắn với thực hiện Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.

Tin cùng chuyên mục