Đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp

Trong bối cảnh khó khăn chung, nhiều doanh nghiệp (DN) trên địa bàn TPHCM đã và đang có những sáng kiến, giải pháp tích cực, hiệu quả, từ đó đạt được những thành quả đáng khích lệ. Ngành công thương TP cũng cam kết tiếp tục đẩy mạnh việc hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn nhằm giúp DN ổn định sản xuất kinh doanh, giữ vững tăng trưởng.
Đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp

Trong bối cảnh khó khăn chung, nhiều doanh nghiệp (DN) trên địa bàn TPHCM đã và đang có những sáng kiến, giải pháp tích cực, hiệu quả, từ đó đạt được những thành quả đáng khích lệ. Ngành công thương TP cũng cam kết tiếp tục đẩy mạnh việc hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn nhằm giúp DN ổn định sản xuất kinh doanh, giữ vững tăng trưởng.

  • Đa dạng giải pháp

Nhìn lại năm 2012, với hàng loạt khó khăn chất chồng, đè nặng lên các DN. Nền kinh tế lâm vào tình trạng vừa lạm phát vừa suy thoái, nhiều DN bị phá sản, tỷ lệ thất nghiệp tăng khiến sức mua của thị trường sụt giảm. Thêm vào đó, việc gia tăng chi phí đầu vào như giá nguyên vật liệu nhập khẩu, giá xăng dầu, việc điều chỉnh tăng lương cho người lao động... đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến kết quả kinh doanh của cộng đồng DN.

Tuy nhiên, trong khó khăn nhiều DN đã biết tận dụng tốt các lợi thế về uy tín thương hiệu và chất lượng sản phẩm, song song với việc áp dụng các giải pháp tích cực... để vượt qua những thách thức và đạt được những kết quả sản xuất kinh doanh đề ra.

Sản xuất đồ gỗ xuất khẩu Việt Nam mở rộng sang nhiều thị trường mới. Ảnh: Cao Thăng

Sản xuất đồ gỗ xuất khẩu Việt Nam mở rộng sang nhiều thị trường mới. Ảnh: Cao Thăng

Điển hình trong ngành thủ công mỹ nghệ, do nguồn vốn có hạn, trong đó đa phần DN chủ yếu dựa vào vốn vay ngân hàng đầu tư cho sản xuất, đặc biệt là vay ngắn hạn đầu tư cho trung và dài hạn. Do vậy, khi ngân hàng siết chặt tín dụng, nhiều DN không được đảo nợ, từ đó khoản vay bị quá hạn làm cho gánh nặng về lãi suất của DN càng thêm khó khăn.

Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TPHCM (Hawa) Đặng Quốc Hùng cho biết, do phải chịu thêm lãi quá hạn, có DN chỉ vay có 20 tỷ đồng, nhưng phải trả lãi lên đến 500 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, cộng thêm những khó khăn khác khiến nhiều DN không có đơn hàng hoặc không đủ đơn hàng phục vụ cho việc sản xuất khiến tình hình thêm căng thẳng.

Trước những thách thức này Hawa đã có những hoạt động tích cực, thiết thực để hỗ trợ DN vượt qua khó khăn. Đơn cử, Hawa đã phối hợp với các tổ chức trong và ngoài nước tổ chức hội thảo về thiết kế và phát triển sản phẩm bền vững; giải pháp hợp tác giữa nhà sản xuất nội thất và kiến trúc sư, công nghệ chế biến gỗ... Qua đó góp phần tích cực cho DN hội viên cải tiến công nghệ nân cao năng lực sản xuất.

“Có DN đã tiết giảm được 30% lao động mà vẫn đảm bảo công suất sản xuất, đã tác động tích cực về cơ cấu trong giá thành tiền lương của sản phẩm, tăng sức cạnh tranh cho đồ gỗ trong nước”, ông Hùng đánh giá. Hay thông qua hội chợ, đã tạo điều kiện cho DN mở rộng thị trường tiêu thụ. Nhiều hợp đồng xuất khẩu được ký kết, từ đó các hội viên của Hawa duy trì được sản xuất, đưa ngành mỹ nghệ và chế biến gỗ vượt qua khó khăn; kim ngạch xuất khẩu tăng 20%, đạt 4,6 tỷ USD.

Theo ông Nguyễn Minh Tuấn, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Kềm Nghĩa, trong bối cảnh khó khăn về kinh tế, hầu hết các DN đều cố gắng cắt giảm chi phí kể cả tiền lương. Đây là giải pháp “không an toàn”, ngược lại còn có thể phản tác dụng. Với kinh nghiệm của DN mình, ông Tuấn cho biết năm 2012, Kềm Nghĩa đã thực hiện 2 đợt tăng lương, tổng cộng khoảng 40% cho công nhân sản xuất. Từ đó, DN ổn định được đội ngũ lao động chuyên môn, tăng năng suất lao động, tăng sản lượng và chất lượng sản phẩm.

Ngoài ra, DN cũng đã mạnh dạn đầu tư hiện đại hóa, thiết bị và cải tiến công nghệ, quy trình sản xuất để giữ vững chất lượng sản phẩm nội địa và tạo ra những sản phẩm mới đáp ứng được các tiêu chuẩn chất lượng khắt khe của một số thị trường có yêu cầu cao như Mỹ và châu Âu.

Hiện tại, 3 nhà máy của công ty đã đủ các điều kiện vận hành theo tiêu chuẩn chất lượng quốc tế. Bên cạnh đó Kềm Nghĩa đã điều chỉnh và triển khai những chính sách phù hợp hơn cho các nhà phân phối và đại lý trên toàn quốc; đặc biệt là việc thưởng doanh số, khuyến mãi và dành nhiều thời gian để làm việc, thăm hỏi và động viên các nhà phân phối và đại lý. Từ những giải pháp đúng đắn, đã giúp doanh thu nội địa năm qua của Kềm Nghĩa đạt 333 tỷ đồng, tăng 20% so với năm 2011. Doanh thu xuất khẩu đạt 54 tỷ đồng, tăng 10% so với năm 2011.

  • Tháo gỡ khó khăn cho DN

Giám đốc Sở Công thương TPHCM Nguyễn Văn Lai cho biết, nhiệm vụ trọng tâm của ngành công thương TP năm 2013 sẽ tiếp tục tập trung thực hiện chương trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, chủ động tái cấu trúc kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh. Đồng thời đẩy mạnh các giải pháp tháo gỡ khó khó khăn cho DN và hỗ trợ thị trường, nhất là chính sách thuế, tín dụng, thủ tục hành chính, tiếp cận nguồn vốn vay, tăng cường quảng bá thương hiệu, xúc tiến đầu tư mở rộng thị trường. Trong đó, hỗ trợ lãi suất để các DN nắm bắt thời cơ, đổi mới thiết bị, công nghệ; phát triển mạnh hệ thống phân phối, đa dạng các loại hình thương mại bán lẻ hiện đại gắn với chương trình bình ổ thị trường TP.

Đẩy mạnh phát triển 4 ngành công nghiệp trọng yếu (cơ khí; điện tử-công nghệ thông tin, hóa dược-cao su, chế biến tinh lương thực-thực phẩm). Cụ thể, có các giải pháp tích cực để hỗ trợ DN chuyển dịch cơ cấu theo hướng giảm dần tỷ trọng các ngành thâm dụng lao động, tăng dần tỷ trọng các ngành công nghiệp có hàm lượng tri thức, công nghệ cao, có lợi thế cạnh tranh và thân thiện với môi trường, tiết kiệm năng lượng, công nghiệp phục vụ nông thôn.

Bên cạnh đó, thúc đẩy các ngành công nghiệp phụ trợ, các ngành công nghiệp chế tạo phát triển; tận dụng nguồn lực, công nghệ, vật tư, thiết bị máy móc sản xuất trong nước đạt tiêu chuẩn, giảm nhập siêu.

"Cần đẩy mạnh các hình thức hỗ trợ phát triển công nghiệp phụ trợ như chương trình kích cầu TP, thủ tục hành chính, chính sách thuế đất... nhằm hỗ trợ DN trong nước nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua việc cải tiến chất lượng sản phẩm, giá cả, năng suất sản xuất. Qua đó, đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư trong và ngoài nước, thu hút nắm bắt cơ hội đầu tư vào TP. Nhất là trong bối cảnh nhiều nhà đầu tư nước ngoài như Nhật Bản đang có phong trào chuyển dịch đầu tư khỏi một số thị trường như Trung Quốc"

Giám đốc Sở Công thương TPHCM Nguyễn Văn Lai

LẠC PHONG

Tin cùng chuyên mục