Do phải thực hiện cùng lúc nhiều mục tiêu như đào tạo bồi dưỡng giáo viên đạt chuẩn, triển khai dạy tiếng Anh và nâng chất lượng đào tạo tiếng Anh theo chuẩn quốc tế… các địa phương đều lúng túng, đối mặt với nhiều rào cản, thách thức không dễ vượt qua.
Mất tính liên tục
Kể từ năm học 2010 - 2011, TPHCM là một trong 18 địa phương thí điểm chương trình tiếng Anh lớp 3 theo Đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008 - 2020” của Chính phủ (gọi tắt Đề án 2020). Từ 9 trường tiểu học đầu tiên tham gia thí điểm, đến nay toàn TPHCM đã có 142/494 trường tiểu học đã triển khai đại trà đề án theo hình thức cuốn chiếu.
Theo lộ trình thực hiện, năm học 2013 - 2014, chương trình tiếp tục thí điểm ở 4 trường THCS thuộc 4 quận khác nhau. Dự kiến đến năm 2014 - 2015, phạm vi thí điểm sẽ được mở rộng đến các trường THPT. Tuy nhiên, cách làm theo kiểu thí điểm, phân khúc và thiếu tính liên thông này đang gây khó khăn cho học sinh khi chọn trường và nhiều em bị “gãy gánh giữa đường”, phải chuyển sang chương trình học tiếng Anh khác. Cụ thể trong số gần 200 học sinh lứa đầu tiên mới hoàn thành chương trình tiếng Anh thí điểm theo đề án ở bậc tiểu học tại các quận: 9, Tân Phú và Gò Vấp khi bước vào bậc THCS không có trường tiếp nối chương trình này buộc phải rẽ sang các chương trình khác. Trong khi đó, ở các quận 5 và Bình Thạnh chưa có trường tiểu học triển khai thí điểm tiếng Anh theo đề án, song lại được giao yêu cầu dạy từ bậc THCS. Cách làm này khiến lộ trình thí điểm tuy bao quát về mặt quy mô, song lại mất tính liên tục, nhất quán cần có ở từng địa phương thực hiện.
Ngoài ra, đối với một số quận đang triển khai thí điểm chương trình tiếng Anh theo Đề án 2020 ở bậc tiểu học, số lượng và quy mô tổ chức lớp đang ngày càng teo tóp. Đơn cử ở Trường Tiểu học Hòa Bình (quận 1), từ 2 lớp tiếng Anh của đề án trong năm đầu đã giảm còn 1 lớp trong các năm tiếp theo. Hai trường tiểu học Võ Trường Toản và Triệu Thị Trinh (quận 10) giảm quy mô từ 3 lớp xuống còn 1, 2 lớp. Nguyên nhân dẫn đến tính trạng nhiều quận, nhiều trường “né” không muốn tham gia chương trình tiếng Anh theo đề án của Bộ GD-ĐT là do nhu cầu đăng ký học tiếng Anh tăng cường (TATC) và tự chọn nhiều hơn.
Hiệu trưởng một trường (xin được giấu tên) đã triển khai thí điểm chương trình tiếng Anh đề án cho biết, nếu dựa hoàn toàn vào nhu cầu đăng ký của phụ huynh thì cán cân nghiêng hẳn về TATC. Dù học chương trình của bộ được miễn phí nhưng phụ huynh ở TPHCM thiếu tin tưởng vào chương trình này, số lượng tiết học theo đề án chỉ bằng một nửa so với các lớp TATC. Về phía giáo viên, ngoài lý do không có thêm thu nhập (chương trình TATC, tự chọn có thu học phí), phần đông không thích dạy tiếng Anh đề án vì chương trình, sách giáo khoa không hấp dẫn bằng TATC và tiếng Anh tự chọn.
Quá nhiều bất cập
Theo Ban quản lý Đề án 2020, đề án này có quy mô lớn, thời gian kéo dài suốt một thập kỷ, liên quan đến nhiều địa phương, bộ ngành và tác động trực tiếp đến 20 triệu học sinh, sinh viên trong cả nước cùng 80.000 giáo viên, giảng viên. Thấy rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của Đề án 2020 đối với mục tiêu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam thời hội nhập quốc tế, nhiều địa phương đã quyết tâm thực hiện đề án và mạnh dạn chi thêm hàng trăm tỷ đồng để đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, bồi dưỡng giáo viên, kể cả thí điểm tuyển giáo viên nước ngoài về giảng dạy tại các trường. Thế nhưng để tạo nền tảng, cải thiện môi trường dạy và học tiếng Anh vốn tụt hậu, thiếu chuẩn, hổng chân từ nhiều năm qua không đơn giản. Và tùy vào thực lực, điều kiện, mỗi địa phương “bơi” một kiểu.
Phát biểu tại hội nghị giao ban sau 3 năm thực hiện Đề án 2020, đại diện ngành GD-ĐT nhiều tỉnh, TP bày tỏ nỗi niềm chung là vấp phải quá nhiều thách thức, bất cập và không dễ thực hiện đại trà việc giảng dạy tiếng Anh ở bậc tiểu học.
Ở bậc học phổ thông, nhiều đại biểu ở các tỉnh phản ánh thực trạng sách giáo khoa phục vụ công tác dạy và học ngoại ngữ đến trường chậm, ảnh hưởng đến việc triển khai thí điểm và làm giảm hào hứng học tập của học sinh. Đối với sinh viên ở các trường trung cấp, CĐ, ĐH, mục tiêu cải thiện nâng cao trình độ, kỹ năng giao tiếp bằng tiếng Anh cũng xa vời. Do ở bậc phổ thông không được học tiếng Anh bài bản, đạt chuẩn nên khi bước vào giảng đường, phần đông sinh viên ngại học môn ngoại ngữ và tỷ lệ ra trường bị treo bằng vì nợ môn này khá cao. Ngay ĐH Quốc gia TPHCM cũng mới thí điểm đào tạo theo chuẩn đề án với 10% sinh viên và từ năm học 2013 mới bắt đầu áp dụng chuẩn đầu ra cho sinh viên đạt trình độ B1.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Thị Minh cũng nhận định rằng, bước đầu triển khai đề án các địa phương phải làm quá nhiều việc như vừa bồi dưỡng giáo viên nâng cao trình độ, vừa đào tạo thí điểm theo chuẩn cho học sinh, sinh viên, vừa đầu tư sách giáo khoa, trang thiết bị dạy học… Với kiểu làm cập rập, vừa chạy vừa xếp hàng như thế này thì tất yếu dẫn đến nhiều bất cập, thách thức trong triển khai đề án.
Nhìn lại, đề án đã đi được gần 1/3 thời gian nhưng “con tàu” này vẫn chạy với tốc độ ì ạch, chưa có tín hiệu lạc quan để đến năm 2015 “tạo bước tiến rõ rệt” như đề án đặt ra. Sau khi lắng nghe những ý kiến góp ý, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển, Trưởng ban Đề án 2020 kết luận: Dù khó khăn cỡ nào cũng phải tìm giải pháp tháo gỡ để hoàn thiện dần đề án. Thế nhưng, tháo gỡ như thế nào thì địa phương phải chủ động “tự bơi, tự cứu mình” (!?). Tuy con số 9.000 tỷ đồng dành cho đề án không nhỏ, nhưng sử dụng như thế nào, ưu tiên chi vào mục tiêu gì để mang lại hiệu quả cao là điều mà dư luận quan tâm. Cảnh báo về cách làm chưa bài bản và thiếu tính khoa học, liên thông, nhiều chuyên gia, nhà quản lý giáo dục đặt vấn đề: Nếu không nhìn thẳng vào sự thật, tìm cách tháo gỡ một cách bài bản, khoa học những rào cản, thách thức đang tồn tại thì với lộ trình 7 năm còn lại, chúng ta khó có thể đạt được mục tiêu đề ra.
| |
---------------------------
Bài 2: Không bột khó gột nên hồ!
KHÁNH BÌNH - THU TÂM