Đề án xuất khẩu lao động ở 62 huyện nghèo: Ì ạch do khó tạo nguồn

Mặc dù đặt ra mục tiêu là ngay trong năm đầu tiên sẽ đưa được khoảng 10.000 lao động ở huyện nghèo ra nước ngoài làm việc, nhưng đã hơn 3 năm, mới chỉ có 7.500 người tham gia đề án đưa người dân ở 62 huyện nghèo nhất trong cả nước xuất khẩu lao động.

Mặc dù đặt ra mục tiêu là ngay trong năm đầu tiên sẽ đưa được khoảng 10.000 lao động ở huyện nghèo ra nước ngoài làm việc, nhưng đã hơn 3 năm, mới chỉ có 7.500 người tham gia đề án đưa người dân ở 62 huyện nghèo nhất trong cả nước xuất khẩu lao động.

Theo Đề án hỗ trợ các huyện nghèo đẩy mạnh xuất khẩu lao động góp phần giảm nghèo bền vững đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 2009, mỗi năm sẽ đưa 10.000 người đi xuất khẩu lao động và tổng kinh phí đầu tư cho cả giai đoạn 2009 - 2020 là 4.715 tỷ đồng. Thế nhưng, theo kết quả của Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTB-XH) thì sau 3 năm triển khai, mới chỉ có 7.500 lao động ở 56/62 huyện nghèo được xuất khẩu lao động.

Theo đánh giá, tiến độ triển khai như vậy là quá chậm so với mục tiêu đề ra. Đã vậy, trong số đó, không phải lao động nào cũng may mắn, mà bên cạnh những người được đổi đời nhờ xuất khẩu lao động, có thể gửi tiền của về cho người thân, gia đình trang trải nợ nần, trả ngân hàng thì ở nhiều huyện nghèo, không ít lao động phải bỏ về giữa chừng, ôm nợ, trở nên nghèo hơn.

Ông Bùi Đức Mẫn, Chủ tịch UBND huyện Tân Sơn (Phú Thọ), một trong những huyện nghèo cho biết, hiện nay vận động bà con ở đây tham gia chương trình hỗ trợ xuất khẩu lao động rất khó vì không mấy ai hào hứng. Năm 2011, toàn huyện có 165 người đi xuất khẩu lao động, sau đó phải bỏ về do khủng hoảng chính trị tại Libya. “Vì vậy, các doanh nghiệp cũng khó tạo nguồn. Chẳng hạn mới đây, một công ty uy tín cần tuyển 160 lao động ở huyện Tân Sơn sang làm việc tại Macao. Song chỉ có 60 lao động đăng ký tham gia, sau đó 56 lao động lại bỏ giữa cuộc vì cho rằng làm việc ở trong nước chắc ăn hơn, xuất khẩu lao động có nhiều rủi ro.

Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên vẫn là tai tiếng của hoạt động xuất khẩu lao động trong thời gian qua, như mức chi phí xuất khẩu lao động vẫn còn quá cao, trong khi niềm tin của người lao động lại dần giảm sút sau hàng loạt sự cố như lao động bị đánh đập, bỏ rơi nơi xứ người, bị chủ doanh nghiệp đối xử tệ, không ít lao động bị doanh nghiệp lừa đảo tiền đặt cọc, xuất hiện nhiều cò mồi xuất khẩu lao động, các khoản chi phí mà doanh nghiệp đưa ra không rõ ràng, mức lương được chủ lao động nước ngoài trả không đúng như hợp đồng với doanh nghiệp trong nước... đã gây hiệu ứng tâm lý dây chuyền, làm bức tranh xuất khẩu lao động trở nên ảm đạm.

Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, nếu so với tổng số lao động xuất khẩu chung của cả nước thì hiện nay số lao động huyện nghèo chỉ chiếm chưa tới 5% và rõ ràng không tương xứng với quy mô dân số của 62 huyện nghèo hiện nay khoảng 2,4 triệu người, trong đó khoảng 1,3 triệu người đang trong độ tuổi lao động, đang cần nhu cầu việc làm. Để khắc phục thực trạng trên, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTB-XH) Hoàng Kim Ngọc cho biết, sẽ chấn chỉnh lại hoạt động xuất khẩu lao động, theo hướng không cần đặt nặng về chỉ tiêu, số lượng mà phải coi trọng chất lượng tuyển dụng, đảm bảo quyền lợi cho người lao động, ràng buộc rõ trách nhiệm của các doanh nghiệp. Cục Quản lý lao động ngoài nước sẽ chọn lựa kỹ và công khai danh sách những doanh nghiệp được phép đưa lao động ở huyện nghèo đi xuất khẩu lao động

Trần Phúc

Tin cùng chuyên mục