Để chinh phục biển, cần văn hóa biển

Ngày 15-6, tại TP Nha Trang, Ban tổ chức Festival Biển phối hợp với Viện Văn hóa - Nghệ thuật tổ chức Hội thảo khoa học về văn hóa biển đảo.
Để chinh phục biển, cần văn hóa biển

Ngày 15-6, tại TP Nha Trang, Ban tổ chức Festival Biển phối hợp với Viện Văn hóa - Nghệ thuật tổ chức Hội thảo khoa học về văn hóa biển đảo.

Tại hội thảo, lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa cho biết mục tiêu đến năm 2020 sẽ trở thành tỉnh giàu, mạnh về kinh tế biển, góp phần bảo vệ chủ quyền Tổ quốc.

Đối với quần đảo Trường Sa, nhiều đại biểu khẳng định việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy tác dụng những di sản văn hóa liên quan đến quá trình xác lập, thực thi chủ quyền và xây dựng quần đảo Trường Sa nhằm giáo dục truyền thống yêu nước, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, ghi nhớ công lao các bậc tiền nhân đối với đất nước. Đồng thời nâng cao nhận thức và trách nhiệm của mọi tầng lớp xã hội, nhất là thế hệ trẻ hôm nay và mai sau trong việc tiếp nối cha anh giữ vững chủ quyền biển đảo, một bộ phận lãnh thổ rộng lớn, quan trọng và giàu tài nguyên của Tổ quốc.

Tái hiện lễ hội cầu ngư, nét văn hóa truyền thống đang được lưu giữ và phát huy tại Khánh Hòa.

Tái hiện lễ hội cầu ngư, nét văn hóa truyền thống đang được lưu giữ và phát huy tại Khánh Hòa.

Theo tiến sĩ Trần Đức Anh Sơn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Đà Nẵng, hiện nay biển và văn hóa biển có vai trò mũi nhọn trong lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hóa và đặc biệt là an ninh quốc phòng. Đảng và Nhà nước đã có chủ trương xây dựng Việt Nam thành quốc gia giàu mạnh từ biển. Tuy nhiên, chúng ta chưa có một chính sách đặc dụng và hiệu quả trong việc xây dựng hình ảnh quốc gia biển cho đất nước; những đầu tư trong thời gian vừa qua chỉ tập trung vốn, kỹ thuật cho khai thác biển mà chưa chú ý đến việc xây dựng và bảo tồn một nền văn hóa biển, liên quan đến tri thức, ứng xử và tâm thế của người Việt đối với biển...

Tiến sĩ Trần Đức Anh Sơn nhấn mạnh: Muốn có một “vị thế đại dương” cho quốc gia, trước hết phải bảo tồn nền “văn hóa biển cận duyên” hiện hữu trong cộng đồng.

Giáo sư Trần Ngọc Thêm phân tích thêm: Vấn đề văn hóa biển được nêu ra trong Festival biển lần này là đúng lúc. Vì trong bối cảnh nguy cơ cạn kiệt tài nguyên đất liền trên toàn cầu, các quốc gia có điều kiện tiếp xúc với biển đều có chiến lược tích cực tận dụng và khai thác biển. Chúng ta đến giờ vẫn chưa khai thác nguồn tài nguyên này bao nhiêu. Trong khi chúng ta có nhiều lợi thế để phát triển kinh tế biển, cũng như một bề dày văn hóa biển để tạo động lực thúc đẩy kinh tế biển. Để nghiên cứu văn hóa biển một cách hiệu quả, cần có những cơ sở lý luận và thực tiễn trong vấn đề văn hóa biển.

Khi nói đến văn hóa biển đảo, cần hiểu văn hóa biển đảo có những đặc điểm, đặc trưng gì. Nghiên cứu văn hóa biển đảo là phải tìm hiểu các thành tố văn hóa trên cơ sở sợi chỉ đỏ xuyên suốt là “chất cận duyên” đó để làm sao thể hiện được tính trung gian giữa đất liền và đại dương của cư dân ven biển và trên các đảo. Văn hóa biển trước hết phải là văn hóa, nó thỏa mãn 4 đặc trưng của văn hóa nói chung: tính hệ thống, tính giá trị, tính nhân sinh và tính lịch sử.

Việt Nam chúng ta có nhiều điều kiện thuận lợi phát triển kinh tế biển, tuy nhiên, từ trước đến nay vấn đề văn hóa biển đảo ít được quan tâm. Trong thực tế, văn hóa biển đảo đóng vai trò hết sức quan trọng trong đời sống cư dân ven biển, giúp ngư dân có tâm lý vững vàng để chinh phục biển, yên tâm bám biển... Vì thế, phát huy và bảo vệ những nét văn hóa biển cũng là giúp chúng ta những bước tiến vững chắc trên con đường phát triển kinh tế biển.

Đông đảo thanh niên đạp xe cổ động bảo vệ môi trường và biển đảo tại Festival Biển Nha Trang 2011.
Đông đảo thanh niên đạp xe cổ động bảo vệ môi trường và biển đảo tại Festival Biển Nha Trang 2011.
 

Kết thúc Festival Biển Nha Trang 2011

Sau 5 ngày diễn ra sôi động và ý nghĩa, tối 15-6, Festival Biển Nha Trang 2011 “Nha Trang - Biển hẹn” đã kết thúc tại Quảng trường 2-4 Nha Trang, Khánh Hòa. Festival Biển Nha Trang 2011 diễn ra từ ngày 11-6, với gần 60 hoạt động. Nhưng đọng lại nhiều nhất trong công chúng cả nước đó là những hình ảnh biển đảo, về Trường Sa - Hoàng Sa thân yêu.

Ông Lê Xuân Thân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, Trưởng ban tổ chức Festival, bày tỏ: “Festival lần này đã thành công tốt đẹp với việc tuyên truyền đậm nét về biển đảo, đặc biệt là chủ quyền hai quần đảo Trường Sa - Hoàng Sa. Festival không chỉ là dịp để quảng bá hình ảnh, những tiềm năng sẵn có của biển đảo mà còn là dịp nêu cao những giá trị của biển - đảo và kêu gọi mọi người chung tay bảo vệ môi trường biển đảo, để xây dựng đất nước giàu mạnh từ biển và hơn hết là đồng lòng bảo vệ chủ quyền biển đảo chúng ta”.
 

VĂN NGỌC

Tin cùng chuyên mục