Để cung - cầu hòa nhịp

Năm học 2014 - 2015 đã bước vào những tuần học cuối cùng. Thời điểm học sinh đang háo hức chào đón một mùa hè vui tươi, thoải mái cũng là lúc các bậc phụ huynh có con chuẩn bị bước vào các lớp đầu cấp chạy đôn chạy đáo tìm trường, mua hồ sơ nhập học.

Nếu như các bé đến tuổi vào lớp 1 được nhận giấy mời nhập học theo phân tuyến của địa phương, học sinh lớp 5, lớp 9 căn cứ vào kết quả học tập năm cuối cấp của mình, cộng thêm yếu tố phân tuyến theo địa bàn để xét tuyển các lớp đầu cấp thì đối với riêng bậc mầm non, quyết định cho con học trường nào gần như phụ thuộc hoàn toàn vào một số yếu tố cá nhân của cha mẹ như khả năng kinh tế, khoảng cách thuận tiện đưa đón, các mối quan hệ quen biết… Người viết từng chứng kiến nhiều trường hợp phụ huynh nộp hồ sơ nhập học cho con ở trường này, dăm bữa nửa tháng lại đổi qua trường khác.

Thực tế này xuất phát từ tâm lý lo lắng của phụ huynh lần đầu tiên cho con “nhập ngũ”, sợ con không thể thích nghi với môi trường mới, nhưng cũng một phần vì quy trình xét tuyển ở bậc mầm non hiện nay quá “rộng cửa”, trẻ có thể nhập học bất kỳ tháng nào trong năm, trẻ học ngày nào tính tiền ăn ngày đó nên nảy sinh khái niệm “không hợp trường”, điều rất ít xảy ra ở các bậc học cao hơn.
     
Cũng từ đây phát sinh nghịch lý, trẻ học trường công phụ huynh yên tâm về chất lượng nhưng lo ngại tình trạng quá tải sĩ số. Trong khi nếu học ở trường tư, sĩ số học sinh/lớp ít, giáo viên áp dụng nhiều phương pháp giáo dục hiện đại nhưng cơ sở vật chất thường nhỏ hẹp. Dư âm từ các vụ trẻ bị bạo hành ở cơ sở tư vẫn là vật cản khiến nhiều gia đình có điều kiện chọn giải pháp cho con ở nhà, thuê người đến dạy bé học chữ và các môn năng khiếu.

Chị Minh Lý, phụ huynh có con chuẩn bị vào lớp mầm ở khu vực phường 16, quận Gò Vấp, cho biết, theo đúng tuyến bé sẽ học Trường Mầm non công lập Hoàng Yến, nhưng sĩ số năm nào cũng quá tải, hồ sơ nhập học phải xét theo thứ tự ưu tiên con cán bộ công chức, có cha mẹ đang công tác trên địa bàn phường, con lực lượng vũ trang… Nếu học trường tư, gia đình tuy có rất nhiều lựa chọn (khi cùng trên đoạn đường Lê Đức Thọ dài chưa đầy 3 km đã có ít nhất 5 trường mẫu giáo tư đang hoạt động là Đức Tuấn, Duy An, Hồng Ân, Mai Anh và Thế giới trẻ thơ) nhưng vẫn rất phân vân, vì tất cả đều có quy mô nhỏ hẹp, nhiều phòng học được cải tạo từ nhà ở nên thiếu sân chơi, trang thiết bị cũ kỹ, chưa đáp ứng tốt yêu cầu dạy học. Chị chia sẻ rất thích mô hình trường tiên tiến hiện đại ở các bậc học khác nhưng hiện nay TPHCM chưa có nhiều trường mầm non hoạt động theo cơ chế tự chủ tài chính như vậy.

Đồng quan điểm, ông Đặng Thanh Tuấn, Trưởng phòng GD-ĐT quận Gò Vấp, cho biết phòng đang tham mưu cho lãnh đạo quận về kế hoạch xây dựng trường mầm non tiên tiến hiện đại, phục vụ nhu cầu của một bộ phận phụ huynh có đời sống kinh tế khá giả. Thực tế cho thấy nhu cầu xây dựng trường theo chuẩn tiên tiến, hiện đại ở bậc học nào cũng có. Song để phát triển được loại hình dịch vụ này ở bậc mầm non là chặng đường rất dài, cần thêm nhiều sự ủng hộ, cởi trói quản lý của các cấp lãnh đạo.

MINH QUÂN

Tin cùng chuyên mục