Đề Địa lý đề cập đến tình trạng xâm nhập mặn ở ĐBSCL

* Tại một số cụm thi ĐH ở Hà Nội, nhiều thí sinh đã hoàn thành bài thi môn địa lý trước giờ. Các em nhận xét đề thi Địa lý năm nay không khó và có những câu dễ ăn điểm.
Đề Địa lý đề cập đến tình trạng xâm nhập mặn ở ĐBSCL

>> Gợi ý giải đề thi môn Địa lý THPT Quốc gia 2016

>> Hàng loạt thí sinh ''chết'' vì ''phao''

(SGGPO).- Sáng nay, 3-7, thí sinh cả nước đã hoàn tất môn thi Địa lý. Kết thúc buổi thi, nhiều thí sinh tại TPHCM thở phào, tâm trạng vui vẻ, phấn khởi vì đề dễ, không gặp câu nào quá khó.

Tại các hội đồng thi, mới kết thúc 2/3 thời gian làm bài 180 phút, nhiều thí sinh đã ra sớm và hồ hởi nhận định đề vừa sức, nằm trong chương trình ôn tập và so với năm ngoái dễ hơn.

Nhiều thí sinh ở Trường THPT Tân Thông Hội (Củ Chi) đăng ký dự thi khối D, C cho rằng đề vừa sức, chỉ cần ôn luyện kỹ sẽ đạt điểm 6-7. Thí sinh Ngọc Phúc (Trường THPT An Lạc) phấn khởi cho biết đề thi tương đối dễ và em làm hết các câu hỏi.

Thí sinh trao đổi sau giờ thi môn Địa lý tại Hội đồng thi Trường THPT Gia Định. Ảnh: Mai Hải

Còn thí sinh Quyền Anh (Trường THPT Nguyễn Hữu Cầu) cũng vui vẻ cho biết: ''Đề thi có 4 câu, trong đó 3 câu có nội dung đề cập đến các vấn đề đã học như bảo vệ đa dạng sinh học, xác định tên, qui mô của các trung tâm công nghiệp có giá trị ở Đồng bằng sông Cửu Long, khu kinh tế ven biển (vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung); tình hình lao động việc làm phân bố theo ngành kinh tế… Riêng câu 4 hơi khó, nhất là phần 2 yêu cầu chứng minh thế mạnh, hạn chế và tài nguyên của Đồng bằng sông Cửu Long đối với phát triển nông nghiệp và phân tích tình trạng xâm nhập mặn nguy hiểm như thế nào. Đây là câu hỏi mở rộng, mang tính ứng dụng và đòi hỏi thí sinh phải có kiến thức xã hội, biết phân tích và nêu vấn đề cần giải quyết, xử lý''.

Một số thí sinh ở Trường THPT Nhân văn cũng cho rằng đề vừa sức nhưng tính phân hóa cao và muốn làm bài tốt, điểm cao cần phân tích, vận dụng kiến thức tổng hợp, thời sự và liên hệ thực tế.

Kết thúc môn Địa lý, nhiều thí sinh ra về với tâm trạng vui vẻ, phấn khởi. Ảnh: Khánh Bình

Buổi chiều các thí sinh dự thi môn Hóa học.

* Tại một số cụm thi ĐH ở Hà Nội, nhiều thí sinh đã hoàn thành bài thi môn địa lý trước giờ. Các em nhận xét đề thi Địa lý năm nay không khó và có những câu dễ ăn điểm.

Thí sinh Lê Văn Linh (học sinh Trường THPT Yên Viên, Hà Nội) cho rằng có hai ý rất dễ ăn điểm, hầu hết thí sinh có thể làm được. Đó là câu vẽ biểu đồ và yêu cầu sử dụng Atlat. Năm nay đề yêu cầu luôn thí sinh vẽ biểu đồ hình tròn nên không cần phải tư duy nên dùng loại biểu đồ gì, đó cũng là lý do nhiều bạn chắc chắn đạt điểm tuyệt đối câu này. Riêng ý sử dụng Atlat, nếu làm tốt, thí sinh cũng có thể đạt được 2 điểm.

Một số thí sinh cũng cho rằng, đề thi vừa sức, tuy nhiên vẫn có câu để phân loại thí sinh. Đề không yêu cầu nhiều ghi nhớ và học thuộc máy móc, có một số câu yêu cầu thí sinh phải có kiến thức thực tế tốt như câu về biện pháp bảo vệ sinh học, ngập mặn… Đặc biệt, có một câu hỏi thời sự về tình trạng xâm nhập mặn ở ĐBSCL. Để làm tốt được những câu này, học sinh chắc chắn sẽ không thể đạt điểm tối đa nếu chỉ học trong sách giáo khoa mà không có hiểu biết về kiến thức thực tế.

Thí sinh Phạm Thị Lan Anh (Gia Lâm, Hà Nội) cho rằng đề thi năm nay bám rất sát kiến thức trong sách giáo khoa, cụ thể là chương trình lớp 12. Lan Anh làm bài thi khá tốt, kể cả câu 4 liên quan đến vấn đề xâm thực mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long, cũng là câu để phân loại thí sinh.

Điều đáng chú ý, trong những năm trước đề thi địa lý thường xuyên có câu hỏi về vấn đề thời sự chủ quyền biển đảo, tuy nhiên năm nay đề thi không đề cập đến vấn đề biển Đông.

Môn Địa: 30 thí sinh bị đình chỉ thi

(SGGPO). – Báo cáo của Bộ GD-ĐT trưa 3-7 cho biết, trong buổi thi môn địa, tổng số thí sinh đến dự thi là 430.631, đạt tỷ lệ 98.65%. Tổng số điểm thi là: 1.102 (cụm thi tốt nghiêp: 672 và cụm thi đại học: 430). Có 30 thí sinh bị đình chỉ thi (cụm thi tốt nghiệp: 2 và cụm thi đại học: 28), 1 khiển trách và 4 cảnh cáo.

Bộ GD-ĐT đánh giá, buổi thi sáng ngày 3-7 về cơ bản đã diễn ra an toàn, nghiêm túc, đúng Quy chế.

KHÁNH BÌNH - PHAN THẢO

Đề thi địa lý gắn với các vấn đề thực tiễn đang xảy ra hiện nay

Về đề thi địa lý sáng 3-7, TS Vũ Đình Hòa (Giảng viên Học viện Chính sách và Phát triển) nhận xét đề có cấu trúc rõ ràng, đảm bảo đầy đủ kiến thức cơ bản, nằm hoàn toàn trong chương trình địa lí lớp 12. Nhìn chung, đề thi đã giảm được việc học thuộc lòng của thí sinh. Đây là đề thi hợp lý cả về kiến thức và kỹ năng, thích hợp để vừa xét tốt nghiệp vừa xét tuyển vào đại học. So với đề thi năm 2015, đề thi năm nay có mức độ phân hóa cao hơn. Các học sinh thi để xét tốt nghiệp có thể làm được 60 – 70% đề nhưng để lấy điểm 8, 9 trở lên phải là học sinh khá giỏi. Đề thi có cả những nội dung gắn với các vấn đề thực tiễn đang xảy ra hiện nay như hiện tượng xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long, gây hứng thú với thí sinh.

Đi vào cụ thể, TS Vũ Đình Hòa cho biết, ở câu I, kiến thức nằm hoàn toàn trong SGK (phần địa lí tự nhiên và dân cư), câu hỏi dễ, không cần phải tư duy để trả lời. Câu II, thí sinh trả lời dựa hoàn toàn vào Atlat. Các em chỉ cần thành thạo kĩ năng đọc Atlat đã có thể trả lời rất dễ dàng về tên, quy mô của các trung tâm công nghiệp và các khu kinh tế ven biển theo yêu cầu của đề bài. Đây là câu dễ “ăn điểm” tuyệt đối nhất với các thí sinh. Câu III, đề thi yêu cầu rất rõ ràng là vẽ biểu đồ tròn, đòi hỏi thí sinh phải thành thạo các kĩ năng xử lí số liệu như tính cơ cấu, tính bán kính và vẽ hình thể hiện đúng quy mô và cơ cấu từng năm. Phần nhận xét và giải thích về sự thay đổi quy mô và cơ cấu lao động phân theo ngành kinh tế phù hợp với các lí thuyết đã học ở phần dân cư. Với các thí sinh có kĩ năng tốt, có thể nhận xét và giải thích đầy đủ, đảm bảo yêu cầu của đề bài.

Câu IV là câu có tính phân hóa cao, đòi hỏi thí sinh vừa phải có kiến thức cơ bản vừa biết vận dụng các kiến thức đó để trả lời các ý hỏi nâng cao. Ý 1 của câu này chỉ hỏi những thế mạnh về nguồn nguyên liệu tại chỗ của ngành công nghiệp chế biến lương thực thực phẩm. Thí sinh phải nắm rõ các phân ngành của ngành này mới có thể phân tích đầy đủ về nguồn nguyên liệu tại chỗ, tránh xa đà vào liệt kê các thế mạnh khác không liên quan. Ý 2, thí sinh chỉ cần tập trung phân tích thế mạnh, hạn chế về tài nguyên đất cho phát triển nông nghiệp và giải thích vấn đề có tính thời sự đang diễn ra rất nghiêm trọng ở Đồng bằng sông Cửu Long hiện nay – hiện tượng xâm nhập mặn - ảnh hưởng lớn đến đời sống và sản xuất trong vùng.

P.THẢO

Tin cùng chuyên mục