Bổ khuyết khoảng trống pháp lý
Tại Việt Nam hiện có 13 trung tâm HGTM và 7 trung tâm trọng tài đăng ký hoạt động HGTM, với hàng trăm người tại các trung tâm này đăng ký làm hòa giải viên vụ việc. HGTM là phương thức mới giải quyết tranh chấp. Trong 3 năm qua, HGTM bắt đầu được nhiều DN lựa chọn. Riêng Trung tâm Hòa giải Việt Nam (VMC), thuộc Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) đã nhận 7 đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp bằng HGTM, với tổng trị giá tranh chấp hơn 1.000 tỷ đồng. Các vụ việc tranh chấp tập trung trong lĩnh vực xây dựng (trên 900 tỷ đồng), hàng hải và sở hữu trí tuệ.
Tuy nhiên, phương thức HGTM đang tồn tại một số vướng mắc. Ông Phan Trọng Đạt, Phó Giám đốc VMC, dẫn chứng việc toàn bộ thời gian tiến hành hòa giải chưa tính vào thời hiệu khởi kiện, trừ trường hợp các bên tranh chấp có kết quả hòa giải thành. Pháp luật công nhận đó là kết quả tự hòa giải (Điều 157, Bộ luật Dân sự 2015). “Việc thời hiệu khởi kiện không tính thời gian hòa giải, có thể gây thiệt thòi đối với DN tham gia hòa giải. DN cũng sợ ảnh hưởng lợi ích sau này (khi ra tòa) nên khó cung cấp tài liệu, trao đổi quan điểm một cách cởi mở, thoải mái với hòa giải viên thương mại. Trong khi, pháp luật chưa đề cập đến vướng mắc trên”, ông Phan Trọng Đạt phân tích.
Theo bà Nguyễn Thị Mai, Phó Cục trưởng Cục Bổ trợ Tư pháp, Bộ Tư pháp, hiện nay tranh chấp thương mại chủ yếu do tòa án xử lý. Tình trạng án tồn đọng trong lĩnh vực này ngày càng tăng. Vì vậy, nhà nước khuyến khích DN giải quyết một số tranh chấp bằng thương lượng, hòa giải, trọng tài. Tòa án là nơi ra quyết định công nhận hoặc xem xét không công nhận kết quả HGTM.
Do đó, bà Nguyễn Thị Mai đề nghị, TAND Tối cao sớm có hướng dẫn cụ thể cho tòa án các cấp về công nhận kết quả hòa giải thành; mặt khác, ngành tòa án có thể nghiên cứu cơ chế giao một số thẩm phán chuyên trách giải quyết những vụ việc về công nhận kết quả hòa giải thành. Trong đó, TAND xem xét công nhận kết quả HGTM, như: không xét xử lại vụ việc, tôn trọng thỏa thuận (không trái luật và đạo đức xã hội) giữa các bên, xem xét thấu đáo căn cứ hủy kết quả hòa giải thành. Cùng đó, khuyến khích DN đưa vào hợp đồng điều khoản bắt buộc sử dụng HGTM, xây dựng điều khoản mẫu về giải quyết tranh chấp.
Hướng đến sự tự nguyện
Từ thực tế 5 vụ tranh chấp thương mại được hòa giải thành tại VMC, cho thấy các bên đều tự nguyện thi hành. Điều đặc biệt là các vụ tranh chấp có nhiều bên liên quan; là những tranh chấp kéo dài, nghĩa vụ của các bên đan xen nhau. Để phân định đúng sai thì sẽ mất rất nhiều thời gian và công sức. Song, sau khi hòa giải thành, các bên tranh chấp vẫn muốn tiếp tục công việc, dự án, tiếp tục hợp tác với nhau.
Phân tích thêm về ưu điểm của HGTM, Luật sư Nguyễn Sơn Tùng, Đoàn Luật sư TPHCM, Chủ tịch Legal United Law, cho rằng, HGTM mang tính khách quan, độc lập, nhanh chóng, bí mật thông tin và không làm trầm trọng mối quan hệ của 2 bên tranh chấp. Hòa giải viên chỉ tư vấn, giải thích, giúp các bên hiểu rõ quyền lợi, nghĩa vụ. Các bên đưa ra ý kiến, quyết định giải quyết câu chuyện của mình theo cách hợp tình, hợp lý nhất mà không chịu áp đặt của bất cứ bên trung gian hay bên xét xử nào. Nhờ sự tự nguyện mà kết quả hòa giải thành được các bên tôn trọng, tự nguyện thực thi. Việc không thực hiện thỏa thuận sẽ thấp. Khi có sự “hủy kèo” mới cần tòa án công nhận kết quả hòa giải thành để chuyển sang cưỡng chế thi hành án. Tuy nhiên, thiệt hại về uy tín đối với bên “hủy kèo” là rất lớn, để lại tiếng xấu trên thương trường. Do đó, khi đã chọn HGTM, các bên cũng cam kết từ bỏ quyền khởi kiện ra tòa, từ bỏ lựa chọn trọng tài đối với vụ việc đó.
Chính vì những ưu điểm vừa nêu, HGTM là phương thức giải quyết tranh chấp thuận lợi mà DN cân nhắc ưu tiên lựa chọn. Trong bối cảnh Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án chuẩn bị đi vào cuộc sống (có hiệu lực từ ngày 1-1-2021), ông Nguyễn Hưng Quang, Chủ tịch Trung tâm HGTM quốc tế Việt Nam, cho rằng hòa giải tại tòa án là tiền đề trợ giúp các phương thức hòa giải khác. Nếu hoạt động hòa giải tại tòa thành công, người dân, DN sẽ có cách nhìn mới, lạc quan hơn về phương thức hòa giải, trong đó có HGTM.
* Luật sư NGUYỄN SƠN TÙNG, Đoàn Luật sư TPHCM, Chủ tịch Legal United Law: Hòa giải viên phải kiên trì Chúng tôi đã hòa giải thành một số vụ tranh chấp thương mại, chỉ mất 2-3 tháng cho mỗi vụ. Vấn đề quan trọng nhất trong HGTM là hòa giải viên phải kiên trì trong việc gầy dựng lại kết nối giữa 2 bên tranh chấp. Ban đầu 2 bên tranh chấp rất quyết liệt, ai cũng có lý lẽ, không bên nào chịu kém. Thậm chí các bên không thèm nhìn mặt nhau, chỉ thông qua người ủy quyền để cung cấp thông tin. Tuy nhiên, hòa giải viên kiên trì giải thích pháp luật, kiên trì lắng nghe quan điểm của các bên, tư vấn pháp lý cho các bên hiểu thấu đáo về được - mất, thuyết phục các bên thông cảm, chia sẻ và tìm cách dung hòa nhất cho cả đôi bên. Từ đó, các bên mới có thể ngồi lại với nhau bàn thảo phương án giải quyết. Bởi, trong phương thức này, các bên tranh chấp có thể nối lại mối quan hệ, hoàn toàn chủ động đưa ra cách thức xử lý, nên khi đạt được thỏa thuận thì họ rất tôn trọng sự thỏa thuận này. * Ông PHAN TRỌNG ĐẠT, Phó Giám đốc VMC: Cần bổ sung nguyên tắc bảo mật Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án năm 2020 đang tiếp cận theo hướng toàn bộ thời gian đương sự thực hiện hòa giải, đối thoại tại tòa không tính vào thời hiệu khởi kiện; qua đó khắc phục được một vướng mắc trong HGTM hiện nay. Song, pháp luật cần bổ sung nguyên tắc bảo mật (như nhiều nước đã áp dụng). Việc này để DN không lo lắng, thông tin họ cung cấp lúc HGTM trở thành chứng cứ chống lại họ sau hòa giải. |