Dê lên ngôi!

Dê lên ngôi!

Lo lắng và ám ảnh dịch cúm gia cầm, nông dân miền Tây đang tìm cách làm khác, nhất là sự chuyển hướng sang chăn nuôi các loại gia súc nhỏ như cừu, thỏ, đặc biệt là dê. Từ đây, dê lên ngôi.

Dê lên ngôi! ảnh 1

Nuôi dê đã trở thành câu chuyện thường nhật quanh bàn trà, trong lúc lối xóm ngồi lại với nhau bàn chuyện làm ăn.

  • Giá tăng...

Đã mấy tháng nay, ông “Năm hình sự” ở Song Thuận (Châu Thành, Tiền Giang) không ngày nào dám bỏ nhà đi đâu, vì phải canh chừng bầy dê trong chuồng, sợ ăn trộm bắt mất. Giá một con dê đực giống loại tốt hiện giờ cỡ 10 triệu đồng – khoản tiền không nhỏ chút nào đối với người nghèo. Năm ngoái, ở Bến Tre, dê giống sốt giá kinh hồn.

Giá dê tăng rất cao, 1 con dê cái Bách Thảo nặng 45kg giá 10 - 12 triệu đồng, nhưng kiếm mua cũng khó. Nhiều người phải chạy sang Long an, Tiền Giang săn lùng.

Nuôi dê đã trở thành câu chuyện thường nhật quanh bàn trà, trong lúc lối xóm ngồi lại với nhau bàn chuyện làm ăn. Anh Ba Riêm (Bình Khánh Tây – Mỏ Cày, Bến Tre) giải thích về việc “chuyển dịch cơ cấu kinh tế” của mình như sau: “Vốn mua một con dê thấp hơn rất nhiều so với mua một con trâu hay bò. Giá một con bò sữa trung bình là 18 - 20 triệu đồng, với số tiền này muốn nuôi dê thì người chăn nuôi có thể mua được 5 - 7 con dê sinh sản.

Như vậy, nếu đầu tư nuôi bò sữa thì khó, nhưng chăn nuôi dê thì đại bộ phận nông dân đều làm được”. Tài liệu khoa học của Viện Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) viết: “Loài dê rất mắn đẻ, thời gian mang thai ngắn. Những giống dê tốt thường đẻ từ 2 - 3 con/lứa, thời gian mang thai trung bình là 5 tháng, vì vậy tốc độ tăng đàn nhanh”. Chính vì điểm này mà nông dân rất thích nuôi dê. Nếu tính hiệu quả kinh tế, 1 con dê thịt 12 tháng tuổi có trọng lượng 34kg sẽ có giá khoảng 700.000 đồng.

Với lại, nghề nuôi dê xem ra nhàn hạ hơn các nghề khác, bởi nó có thể ăn được nhiều loại cây cỏ, không chừa thứ gì. Ngoài ra, loài dê ít mắc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, nhanh nhẹn dẻo dai, giỏi chịu đựng với khí hậu khắc nghiệt, khỏi bị cúm, bị long móng lở mồm gì nên bà con nông dân chuộng nuôi dê là vậy. Giá dê mắc quá nên nhiều nơi cũng đã phát sinh nạn trộm cắp. Công an tỉnh Bến Tre cho biết, trong năm 2004, tỉnh này đã xảy ra hơn 10 vụ trộm dê, thiệt hại hơn 100 triệu đồng.

  • Nuôi dê thoát nghèo

Xã Hòa Nghĩa (huyện Chợ Lách, Bến Tre) là một điểm nhấn trong phong trào chuyển dịch cơ cấu kinh tế sang… dê hiện nay. Ông Lê Văn Đặng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Nghĩa cho biết: “Đàn dê của xã hiện giờ có hơn 3.000 con, hộ nuôi dê nhiều nhất là từ 15 đến 20 con, hộ nuôi ít cũng phải từ 4 đến 5 con”. Ông Đặng cho biết thêm: Nhiều hộ dân trong xã trước kia thiếu thốn đủ bề, nhưng nhờ nuôi dê nên vượt qua được đói nghèo. Nhiều hộ vượt nghèo vươn lên làm giàu.

Tại Hòa Nghĩa, nhiều hộ nghèo vẫn có cơ hội mua dê giống để nuôi nhờ vào cách làm mới của Hội Nông dân xã. Trước đây, nhiều hộ nghèo khác, nhờ vốn hỗ trợ của Nhà nước, đã mạnh dạn đầu tư nuôi dê. Nay, số hộ này đã trở thành giàu có, lập trại nuôi dê qui mô lớn. Chính những hộ này là nơi bán con giống giá thấp, bán trả chậm hoặc bán giá rẻ cho hộ nghèo.

Thế cho nên, phong trào nuôi dê tại Hòa Nghĩa phát triển rầm rộ. Cứ 3 hộ dân trong xã thì có một hộ nuôi dê, hộ nuôi ít nhất 4 con, kha khá từ 15 đến 20 con. Dê con (cái) nuôi đến khi trưởng thành, sinh con mất khoảng 12 tháng. Nếu sinh 2 dê đực, người nuôi có lãi khoảng 1 triệu đồng; còn nếu sinh dê cái thì giá cao hơn gấp 7 - 8 lần. UBND xã hỗ trợ vốn cho người nuôi bằng nhiều cách. Gia đình chị Mai Thị Chín ở ấp Long Nhơn cách đây 2 năm thuộc diện nghèo nhất xóm, thế mà nay nhờ nuôi dê nên đã thoát được cảnh nghèo đói.

Không những thế, chị hiện đang sở hữu một chuồng dê trị giá hơn 100 triệu đồng. Tương tự, một số hộ nuôi gà, vịt trong xã trắng tay do dịch cúm gia cầm hoành hành vừa qua cũng đã chuyển sang làm chuồng nuôi dê. Ông Bảy Nam ở ấp Long Nhơn cho biết: “Dịch cúm gà, vịt vừa qua gia đình tôi kiệt vốn. Tôi thấy bà con hàng xóm nuôi dê lâu nay, không có lợi nhiều, nhưng qua anh em tính toán tôi thấy nuôi dê cũng dễ ăn, chăn nuôi cũng không khó mà ít rủi ro hơn so với nuôi gà vịt”.

Gia đình anh Huỳnh Văn Thành cũng nhờ nuôi dê không những thoát khỏi diện nghèo của xã mà còn có “của ăn của để”. Trước đây, gia cảnh anh Thành rất khó khăn. Anh làm ruộng, làm thuê làm mướn nuôi 5 đứa con, quanh năm thiếu ăn, chưa bao giờ biết đến đồng dư. Năm 2003, nhờ đồng vốn của Hội Nông dân và vay mượn của bạn bè bà con hàng xóm, gia đình anh mạnh dạn mua 2 con dê giống về nuôi.

Hiện nay đàn dê đã lên 15 con. Hàng năm nhờ bầy dê đẻ, anh bán con giống thôi cũng đã kiếm vài chục triệu đồng. Từ Hòa Nghĩa, phong trào nuôi dê lan sang các xã khác trong huyện, và hiện nay Chợ Lách đang đứng đầu cả tỉnh Bến Tre về đàn dê.

Ngoài Bến Tre, Long An và Tiền Giang cũng có phong trào nuôi dê mạnh. Hiện đàn dê ở Long An đã có khoảng 3.000 con, Tiền Giang là 15.000 con, Bến Tre 21.000 con… Nhiều hộ nông dân đã giàu lên nhờ nuôi dê như hộ Nguyễn Văn Là (xã Long An, huyện Châu Thành, Tiền Giang), mỗi năm thu trên 200 triệu đồng từ 40 con dê sinh sản. Hộ Nguyễn Văn Viễn ở xã Hòa Nghĩa (Chợ Lách, Bến Tre), mỗi năm thu nhập trên 100 triệu đồng từ đàn dê 50 con …

Theo đánh giá của các chuyên gia nông nghiệp, về lâu dài, thị trường dê vẫn còn hấp dẫn. Thế nhưng, để dê thật sự là con “bò sữa” của người nghèo, bà con rất cần những chính sách hỗ trợ cụ thể của Nhà nước về vốn, giống để giúp bà con có thu nhập ổn định cuộc sống của mình trong thời buổi cúm gia cầm hoành hành thôn quê

TRẦN MINH TRƯỜNG

Tin cùng chuyên mục