Đề nghị Lịch sử là môn học bắt buộc cấp THPT

 Ngày 22-5, tại Hà Nội, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đã họp phiên họp toàn thể lần thứ 3. Cùng dự có đại diện lãnh đạo Bộ GD-ĐT, Bộ VH-TT-DL. 
Đề nghị Lịch sử là môn học bắt buộc cấp THPT

Đa số ý kiến thành viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục không đồng tình đối với việc đưa môn Lịch sử cấp THPT thành môn lựa chọn vì nhiều lý do. Thứ nhất, Lịch sử là môn học đặc biệt quan trọng, giữ vai trò chủ đạo trong giáo dục chính trị, tư tưởng đối với thế hệ trẻ; giáo dục lòng yêu nước, tinh thần tự tôn dân tộc, truyền thống văn hóa, lịch sử; bồi dưỡng năng lực tư duy, hành động, thái độ ứng xử đúng đắn trong đời sống xã hội; từ đó hình thành những phẩm chất của công dân Việt Nam, công dân toàn cầu trong xu thế phát triển của thời đại.

Thứ hai, xét về tâm sinh lý lứa tuổi, học sinh THPT (15-17 tuổi) có sự trưởng thành về nhận thức, khả năng tiếp nhận tốt hơn về lịch sử đất nước và lịch sử cách mạng Việt Nam. Đây cũng là lứa tuổi quyết định sự hình thành thế giới quan, hệ thống quan điểm về tự nhiên, về xã hội, về các nguyên tắc và quy tắc ứng xử, định hướng giá trị của con người. Thứ ba, ở nhiều nước trên thế giới, môn Lịch sử trong chương trình trung học phổ thông luôn là môn học bắt buộc (Hoa Kỳ, Pháp, Australia, Nhật Bản, Trung Quốc…).

Từ các lý lẽ trên, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, môn Lịch sử có vị trí đặc biệt, có ý nghĩa rất quan trọng trong chương trình giáo dục phổ thông, học sinh cần được trang bị khối lượng kiến thức này. Vì vậy, ủy ban thống nhất đề nghị Bộ GD-ĐT quy định môn học Lịch sử cấp THPT trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 là môn học bắt buộc với khối lượng kiến thức phù hợp; thiết kế bao gồm khối lượng kiến thức lịch sử (phần bắt buộc) và khối lượng kiến thức định hướng nghề nghiệp (phần lựa chọn).

Tin cùng chuyên mục