Tối 2-6, Tuần lễ biển và hải đảo Việt Nam năm 2012 với chủ đề “Việt Nam mạnh về biển, làm giàu từ biển” do Bộ TN-MT, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tổ chức khai mạc tại TP Vũng Tàu. Tuần lễ biển và hải đảo Việt Nam là dịp đẩy mạnh công tác tuyên truyền về tầm quan trọng của biển đảo đối với sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Từ đó, nâng cao nhận thức bảo vệ tài nguyên - môi trường biển đảo, khơi dậy niềm tự hào, tinh thần dân tộc của mỗi người dân đối với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển.
Có một sự trùng hợp thú vị: Sáng 3-6, môn Địa lý của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2012 đã mang vấn đề an ninh quốc phòng vào đề thi. Với câu hỏi: “Ở nước ta hiện nay, việc đánh bắt xa bờ có ý nghĩa như thế nào đối với việc phát triển kinh tế và an ninh quốc phòng, đề thi Địa lý đã tạo một dấu ấn khá sâu sắc.
Cũng tại đề thi Địa lý năm nay, các câu hỏi, dù ở khối THPT hay giáo dục thường xuyên cũng nhấn mạnh về vấn đề biển đảo như: “Phân tích ý nghĩa của hệ thống cảng biển ở duyên hải Nam Trung bộ đối với sự phát triển của vùng”, “Dựa vào Atlat kể tên các trung tâm du lịch và hai quần đảo xa bờ của vùng duyên hải Nam Trung bộ...”.
Cô Nguyễn Kim Hoa, giáo viên Địa lý THPT Việt Đức (Hà Nội) nhận xét câu hỏi về ý nghĩa của đánh bắt xa bờ với nền kinh tế và an ninh quốc phòng rất hay, yêu cầu học sinh phải có kiến thức và tinh thần trách nhiệm khi trả lời. Cùng tâm trạng, rất nhiều thí sinh hào hứng với câu hỏi gắn với vấn đề thời sự về đánh bắt xa bờ.
“Đề thi khiến em rất hào hứng, không còn cảm thấy môn Địa lý khô khan nữa. Việc đánh bắt xa bờ có ý nghĩa rất lớn đối với phát triển kinh tế và an ninh quốc phòng. Điều này không chỉ được học trên lớp mà em còn được xem trên ti vi và báo chí nữa”, đó là chia sẻ của nhiều em học sinh dự kỳ thi tốt nghiệp THPT 2012, khi phía trước các em cánh cửa cuộc đời đã dần dần mở rộng.
Chúng ta đều biết, việc đánh bắt xa bờ ngoài mang lại giá trị khai thác nguồn lợi hải sản còn giúp chúng ta khẳng định chủ quyền trên biển đảo, bảo vệ vùng trời, vùng biển và thềm lục địa của nước ta. Với mỗi học sinh phổ thông, các em đã được dạy, được truyền đạt không chỉ đơn thuần về mặt kiến thức mà cả niềm tự hào dân tộc, sự khẳng định trước sau như một về chủ quyền quốc gia, chủ quyền biển đảo. Chắc hẳn, với câu hỏi này khi làm bài thi môn Địa lý, học sinh sẽ không chỉ đơn thuần là trả lời những kiến thức hàn lâm, từng câu trả lời đã và sẽ đánh thức một điều gì đó lớn lao hơn ở các em - những người vừa bước vào tuổi công dân trưởng thành - về một giá trị thiêng liêng nhất của Tổ quốc, của dân tộc.
Nhà sử học Dương Trung Quốc đã bày tỏ niềm vui với việc ngành giáo dục đã ra đề thi đáp ứng được nhận thức xã hội về vấn đề an ninh quốc phòng, chủ quyền biển đảo, nhất là trong bối cảnh hiện nay.
Trong câu chuyện với phóng viên Báo SGGP, ông Đặng Ngọc Tùng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, chia sẻ: ông từng rưng rưng nước mắt khi nghe tâm sự của những ngư dân bám biển, đánh bắt xa bờ về việc họ bị bắt, bị đánh cắp ngư cụ trong những chuyến hành trình dài ngày trên biển. “Họ là những ngư dân rất tốt, rất chân thật. Với họ, tổ tiên họ đã làm nghề này. Bám biển cũng là nghề mưu sinh, nên dù mỗi chuyến đi biển có thể chứa đựng nhiều rủi ro nhưng thế hệ này nối tiếp thế hệ kia, họ vẫn ra khơi. Họ không làm gì, đi đâu khác”, ông Tùng chia sẻ.
Nhiều ngư dân đã biết dựa vào nhau, đoàn kết, thành lập các nghiệp đoàn đánh bắt, sẵn sàng bỏ qua lợi ích cá nhân để thông báo cho nhau những ngư trường tốt. Những ngư dân đó là câu trả lời sinh động nhất của câu hỏi: “Đánh bắt xa bờ không chỉ để phát triển kinh tế mà còn có ý nghĩa an ninh quốc phòng” mà các thí sinh dự thi môn Địa lý hôm qua đã làm bài.
Điều còn lại, như nhà sử học Dương Trung Quốc nhận định, đó là câu hỏi hay, phù hợp với không khí xã hội nhưng công tác chấm thi phải tốt, vì “nếu kết quả tốt thì đáng mừng, nhưng nếu thấp thì phải xem lại chương trình giảng dạy, tránh làm theo phong trào”.
LÂM NGUYÊN