Để trường chuyên thực sự là nơi bồi dưỡng nhân tài - Bài 1: Cuộc đua khốc liệt và tốn kém

LTS: Trong mùa tuyển sinh năm 2020, để đủ điều kiện thi vào lớp 6 Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam (Ams), học sinh phải đạt kết quả kiểm tra định kỳ cuối năm là 10 điểm ở hầu hết các môn. Trước yêu cầu này, PGS-TS Nguyễn Đức Thành, chuyên gia kinh tế, một cựu học sinh Trường Ams khóa 1992-1995 đã cho rằng, cần xóa bỏ mô hình Trường Ams, đưa về thành trường công bình thường hoặc bán đấu giá cho tư nhân để biến Ams thành trường tư. Những ngày qua, quan điểm trên đã nhận được sự quan tâm, tạo nên cuộc tranh luận nảy lửa trong cộng đồng mạng cũng như trên nhiều tờ báo. 
Vào trường chuyên là mơ ước của rất nhiều học sinh, gia đình. Ảnh: QUANG PHÚC
Vào trường chuyên là mơ ước của rất nhiều học sinh, gia đình. Ảnh: QUANG PHÚC

Để có được một suất vào lớp 10 trường chuyên ở Hà Nội, thí sinh không chỉ đối mặt với “tỷ lệ chọi” cao mà “chất lượng chọi” cũng rất cao. Do đó, hành trình của học sinh vào chuyên rất vất vả.

Tỷ lệ chọi ngất ngưởng

Sở GD-ĐT Hà Nội có 4 trường có lớp chuyên là THPT chuyên: Ams, Chu Văn An, Nguyễn Huệ, Sơn Tây. Trong đó, Trường THPT Chu Văn An được tuyển sinh toàn quốc. Năm nay, trường có số lượng thí sinh đăng ký đông nhất là Nguyễn Huệ với 2.606 em, tiếp đó là Chu Văn An với 2.406 em, Ams là 2.322 em, Tây Sơn 803 em. So với chỉ tiêu xét tuyển, tỷ lệ chọi cao nhất thuộc về Chu Văn An (1/6,9), Nguyễn Huệ (1/4,9), Ams (1/3,9), Sơn Tây (1/2,5).

Ngoài lựa chọn các trường chuyên của sở, học sinh Hà Nội còn có cơ hội học các trường THPT chuyên của các trường đại học, gồm: THPT chuyên Sư phạm (Đại học Sư phạm Hà Nội); THPT chuyên Khoa học tự nhiên (Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội), THPT chuyên Ngoại ngữ (Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội), THPT chuyên Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội). Mức độ cạnh tranh vào các trường chuyên này đều… “kinh khủng”.

Năm nay, Trường THPT chuyên Sư phạm nhận 4.860 hồ sơ đăng ký dự thi vào lớp 10, trong khi chỉ tiêu là 305. Trong 7 lớp chuyên, lớp tiếng Anh có tỷ lệ chọi cao nhất: 1/29, tức 1 học sinh phải cạnh tranh với gần 30 bạn khác để giành 1 suất vào trường. Trường THPT chuyên Ngoại ngữ cũng có tỷ lệ chọi rất cao: 3.962 hồ sơ đăng ký dự trong khi chỉ có 475 chỉ tiêu. Trường THPT chuyên Khoa học tự nhiên năm nay tuyển 450 học sinh, tỷ lệ chọi các năm đều khoảng 1/10. Đặc biệt, năm nay, ngay cả Trường THPT chuyên Khoa học xã hội và Nhân văn lần đầu tiên tuyển sinh cũng nhận được hơn 800 hồ sơ đăng ký dự thi vào lớp 10 cho 100 chỉ tiêu.

Ở các tỉnh thành khác, Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (Nam Định) cũng chỉ tuyển 570 học sinh; Trường chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An) tuyển sinh tối đa 455 học sinh cho 13 lớp chuyên. Các trường đều yêu cầu học sinh phải xếp loại tốt nghiệp THCS từ khá trở lên mới được thi tuyển. Tỷ lệ chọi của các trường chuyên Lê Hồng Phong, Trần Đại Nghĩa (TPHCM) xung quanh mức 1/1.

Để vượt qua được kỳ thi khốc liệt này, rất hiếm học sinh có đủ tự tin nếu chưa từng qua các lò luyện thi chuyên mà các em học từ đầu cấp. Để tham gia các lớp học luyện thi này, phụ huynh phải bỏ thời gian, công sức, tiền bạc rất nhiều. Do đó, câu chuyện chạy đua vào lớp 6 các trường nhóm đầu ở Hà Nội nói chung, Ams nói riêng đã nảy ra những tranh cãi về mô hình trường chuyên, trường chất lượng cao ở các cấp học hiện nay. Nhiều ý kiến đã khẳng định, cách thức tuyển sinh bất bình đẳng như cách vào lớp 6 của Ams hiện nay nói riêng, hay sự khốc liệt của kỳ thi vào chuyên nói chung, chỉ tạo lợi thế cho con nhà có điều kiện, có tiền đi luyện thi, nói cách khác, trường chuyên chỉ là sân chơi của những đứa trẻ nhà giàu.

Tốn kém

Nhiều phụ huynh cho biết, để đỗ vào trường chuyên THPT, các em phải xác định học thêm và luyện thi cả 4 năm THCS, dồn lực trong năm lớp 9. Còn để đỗ lớp 6 chuyên thì học sinh phải chăm chỉ luyện thi ít nhất từ lớp 2.

4 năm THCS luyện thi Toán - Văn - Anh vào trường chuyên, tổng chi phí học thêm cho một học sinh ở Hà Nội có khi lên tới 300 - 400 triệu đồng, vì mỗi buổi luyện chuyên khoảng 2-3 giờ hiện có chi phí từ 150.000 - 400.000 đồng, tùy uy tín của giáo viên và tùy địa bàn. Cụ thể, nếu học ôn thi chuyên suốt 4 năm THCS, nếu khoảng 40 tuần/năm, 4 buổi/tuần thì tổng số là 640 buổi. Rẻ nhất 200.000 đồng/buổi sẽ tốn khoảng 130 triệu đồng; nếu 300.000 đồng/buổi sẽ là 200 triệu đồng.

Thực tế cho thấy, nếu không luyện chuyên rất khó đỗ, nếu có chỉ là những trường hợp hy hữu, đặc biệt xuất sắc. Còn để đỗ chuyên phải học thêm, luyện thi chuyên rất nhiều, tốn kém. Theo chị Hà Hồng Thắm (Hà Nội), một giáo viên từng dạy Văn ở trường chuyên (hiện là giáo viên ở trung tâm luyện thi), có con học lớp 12 Trường THPT Chuyên ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội), con gái chị sau một năm lớp 9 chiến đấu cật lực đã đỗ cả 3 trường chuyên nổi tiếng Hà Nội là Ams, chuyên Sư phạm, chuyên Ngoại ngữ.

“Từ cuối năm lớp 8, con tôi bắt đầu luyện chuyên. Văn đã có mẹ dạy, chỉ học thêm Toán, tiếng Anh nhưng tổng từ đầu đến thi xong cũng chi hết khoảng 150 triệu đồng tiền luyện thi. Tôi đơn thân, không giàu có, nhưng dồn lực cho con học thêm, tích lũy kiến thức và mơ ước đỗ chuyên đâu có gì sai?”, chị Hồng Thắm đặt vấn đề.

Theo vị phụ huynh này, trường chuyên là tất yếu để đào tạo tinh hoa của đất nước. Vào trường chuyên là mơ ước của rất nhiều học sinh, gia đình. Nhu cầu là thật, năng lực là thật, vấn đề còn lại là cách thức quản lý, con đường quản lý mà thôi.

“Thế hệ trường chuyên 7x của tôi nay đã gần 50 tuổi, đã qua tất cả các cung bậc ái, ố, hỉ, nộ cuộc đời, nhưng chúng tôi đều rất yêu, tự hào về ngôi trường chuyên đã đào tạo, chắp cánh cho mình. Dù không thành công ở lĩnh vực nào đó thì học sinh chuyên đều trở thành những con người kiên cường và luôn cố gắng vươn lên với nền tảng đạo đức tốt”, chị Hồng Thắm tâm sự.

Tương tự, chị Nguyễn Minh Huệ, giáo viên Văn của Trường THPT Hoàng Mai (Nghệ An) cho biết, dù biết con đi học Trường chuyên Phan Bội Châu ở TP Vinh xa nhà gần 80km sẽ vất vả, tốn kém hơn rất nhiều nếu con học ngay Trường THPT Hoàng Mai, nhưng gia đình vẫn quyết tâm cho con thuê trọ học trường chuyên.

“Chưa tính chi phí học thêm để thi đỗ Trường chuyên Phan Bội Châu, mà sau khi đỗ để học, chi phí cho 2 tháng học Trường chuyên Phan Bội Châu bằng cả 1 năm học ở trường gần nhà, con lại phải ở trọ học rất vất vả cho cả gia đình, nhưng tôi vẫn cho cháu học vì con học khá thì cần được học chung với các bạn có cùng trình độ. Học chuyên, con cũng được học thầy cô giỏi với tư duy khác biệt, được tham gia nhiều câu lạc bộ rèn luyện kỹ năng mềm cho con mà trường thường khó có được”, chị Nguyễn Minh Huệ nói.

Chị cũng cho rằng, không chỉ trường chuyên, mà ngay cả trường thường cũng đều có lớp chọn, đó là nơi tập hợp những học sinh có năng lực vượt trội. Đó là lý do mà dù cuộc đua này khốc liệt và tốn kém, nhiều học sinh, nhiều gia đình vẫn quyết tâm “chạy đua”.

Phụ huynh Nguyễn Quốc Vinh (6/62 Huỳnh Thúc Kháng, Hà Nội) có con chuẩn bị thi vào trường chuyên cũng cho rằng, cuộc chạy đua này quá mệt mỏi cho cả phụ huynh và học sinh. Nhưng vì biết trường chuyên được đầu tư nhiều, chất lượng đầu ra tốt nên phải cố. Chị Lê Hiền (có con học Trường THCS Trần Văn Ơn, TPHCM) năm nay đặt mục tiêu cho con thi vào chuyên Sinh của Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, Trần Đại Nghĩa cũng như Trường phổ thông Năng khiếu của Đại học Quốc gia TPHCM, cho biết, con chị đam mê môn Sinh và có năng lực môn này (năm học vừa qua cháu đoạt giải nhất kỳ thi học sinh giỏi môn Sinh lớp 9 cấp thành phố).

Theo chị Lê Hiền, con có năng lực, lại ham học hỏi, nên trường chuyên là ưu tiên hàng đầu. Đó cũng là môi trường con gặp được bạn giỏi, thầy giỏi để tiếp tục chinh phục những đỉnh cao trong học tập cũng như thỏa mãn niềm đam mê môn Sinh.

Tin cùng chuyên mục