Để trường đại học tin dùng kết quả thi

Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học Nguyễn Thu Thủy (Bộ GD-ĐT) cho rằng, tất cả những đổi mới trong công tác tuyển sinh đại học 9 năm qua đều hướng tới mục tiêu là công tác tuyển sinh ngày càng thuận lợi, minh bạch, công bằng, tạo cơ hội cao nhất cho người học; các cơ sở đào tạo vừa đảm bảo tinh thần tự chủ nhưng cũng nâng cao chất lượng.

Hiện nay, các trường đại học xét tuyển với rất nhiều phương thức khác nhau, nhiều đến mức các chuyên gia giáo dục lo ngại “gây nhiễu” cho thí sinh. Nhiều phương thức xét tuyển không có hoặc rất ít thí sinh đăng ký dẫn tới kém hiệu quả; chưa đảm bảo công bằng giữa các phương thức xét tuyển. Nhiều cơ sở đào tạo chưa phân tích tương quan, đánh giá đối sánh kết quả học tập của sinh viên theo các phương thức.

Và quan trọng hơn, thực tế là theo thống kê năm 2023, xét tuyển từ kết quả thi tốt nghiệp THPT vẫn chiếm cao nhất, với 49,45%. Tiếp theo là phương thức xét kết quả học tập bậc THPT 30,24%; thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy chiếm 2,57%... Điều đó cho thấy các trường đại học vẫn đang “tin dùng” kết quả thi tốt nghiệp THPT để tuyển sinh.

Theo Luật Giáo dục đại học, các trường đại học được tự chủ phương thức tuyển sinh. Nhưng xét về thực tiễn hiện nay, chính lãnh đạo Bộ GD-ĐT cũng cho rằng cần thống nhất tăng cường công tác quản lý nhà nước về các phương án tuyển sinh của giáo dục đại học, trong đó khuyến khích các cơ sở giáo dục đại học lấy kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển. Đó cũng là mong muốn của các trường. Theo nhiều trường đại học, họ vẫn mong muốn sử dụng kết quả kỳ thi để xét tuyển nhưng với điều kiện ngoài kết quả thi đủ tin cậy, đòi hỏi đề thi phải có độ phân hóa cao hơn để phân loại trình độ thí sinh, nhất là với những khối ngành đặc thù; thi phải hạn chế tối đa học tủ, học lệch, học mẹo; hướng tới học thật, thi thật, kết quả thật.

Nếu đáp ứng được yêu cầu đó, việc sử dụng kết quả kỳ thi tốt nghiệp là một trong những phương thức cho tuyển sinh đại học sẽ giảm áp lực, giảm tốn kém cho xã hội, cho chính các trường và đảm bảo công bằng trong tiếp cận giáo dục. Thực tế, xã hội cũng mong giảm tỷ lệ xét tốt nghiệp THPT qua điểm học bạ cũng như giảm tỷ lệ xét tuyển đại học bằng học bạ. Điều này đặt ra yêu cầu đối với Bộ GD-ĐT và các địa phương trong việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT thật hiệu quả để bảo đảm kết quả kỳ thi là đáng tin cậy, khách quan, đánh giá đúng năng lực thí sinh.

Tin cùng chuyên mục