Để vùng quê bừng sáng

1.
Để vùng quê bừng sáng

1. Tôi còn nhớ lần đầu tiên về Phước Long (tỉnh Bạc Liêu); khi ấy huyện vùng sâu, vùng xa này vừa tròn một năm triển khai phong trào xây dựng nông thôn mới. Sau hai ngày xuống cơ sở tác nghiệp, bữa cuối khi trời gần chạng vạng, tôi cưỡi xe gắn máy với lỉnh kỉnh chân máy, máy quay phim phía trước; ba lô đựng máy tính, quần áo phía sau rồi vội vã vượt qua cầu sắt Phước Long hướng ra tuyến đường Quản Lộ - Phụng Hiệp về Cần Thơ thì bỗng nghe tiếng kèn xe inh ỏi sau lưng. Rồi một chiếc xe gắn máy vượt qua trước mặt, người đàn ông to lớn, vạm vỡ với nước da rám nắng dừng xe lên tiếng: “Nhà báo ghé quán ăn cơm một cái rồi hãy về!”. Tôi vội vã hẹn ông dịp khác bởi đường xa, trời tối, rồi vừa tiếp tục hành trình, vừa cố nhớ xem cái ông hơi quen quen vừa rồi mình đã gặp ở đâu.

Cuối cùng tôi cũng nhớ ra ông không phải là nông dân ở xã, ấp nào trong huyện cả mà chính là Bí thư Huyện ủy Phước Long - Trần Hoàng Duyên. Sau này tôi mới biết, bữa đó ông vừa đi cơ sở về, phát hiện ra tôi là nhà báo do nhìn thấy các phương tiện tác nghiệp tôi chở trên xe, còn tôi thấy ông hơi quen vì có mấy lần gặp ông đi họp trên tỉnh Bạc Liêu.

Sau này, nhiều lần về Phước Long công tác có dịp tiếp xúc với ông khi thì ở huyện, mà nhiều nhất vẫn ở xã, ở ấp, lúc nào cũng thấy ở ông toát lên vẻ bình dân, gần gũi, nói chuyện thì “thẳng ruột ngựa”, không vòng vo, màu mè, đậm chất nông dân miệt đồng, bưng biền Nam bộ. Có lần vui miệng, tôi hỏi ông: “Ngoài cái tên thường gọi Út Duyên, anh có biết người dân Phước Long còn đặt cho anh biệt danh gì không?”. Ông bật cười sảng khoái: “Biết rồi, Út Đen chứ gì!”. Cũng kể từ đó, tự dưng tôi thấy thích cái tên dân dã, mộc mạc, ẩn chứa nhiều ý nghĩa mà người dân Phước Long khi trò chuyện với nhau đã trìu mến gọi vị lãnh đạo đứng đầu huyện mình: Ông Út Đen!

2. Anh Trần Hoàng Thơ, công tác ở Đài Truyền thanh huyện Phước Long, gọi ông Út Đen là chú ruột, khẳng định, ngày trước chú của mình không có đen như vậy! Rồi anh Thơ tiết lộ: “Ông bà nội anh sinh tới 12 người con, trong đó có 7 con trai. Chú Út có vóc dáng to lớn, trắng trẻo, đẹp trai nhất nhà. Làn da chú trở nên đen kể từ khi phong trào xây dựng nông thôn mới được triển khai thực hiện ở Phước Long, bởi hàng ngày, trừ khi hội nghị hoặc tiếp khách tỉnh, Trung ương chú mới ở một chỗ. Còn không thì sáng sớm đã có mặt ở cơ quan xử lý công việc khoảng 1 - 2 giờ, sau đó cưỡi xe máy đội nắng, dầm mưa rong ruổi xuống xã, xuống ấp khảo sát thực tế, gặp gỡ người dân. Thấy lãnh đạo đứng đầu huyện “chịu” đi cơ sở, tất cả cán bộ trong huyện đều làm theo. Nhưng nếu tính thời gian ở cơ sở thì khó ai qua nổi chú tôi”. Anh Thơ kể câu chuyện vui: Vì xuống cơ sở bằng xe gắn máy nên chú lúc nào cũng khư khư đội cái nón bảo hiểm trên đầu, ngay cả khi không lái xe, đứng trò chuyện với dân. Chính vì vậy có lần khi tôi gửi hình ảnh quay được ở địa phương cộng tác cho các đài truyền hình, biên tập viên ở một đài gọi điện cho tôi góp ý: Khi quay lãnh đạo huyện đi thực tế ở địa phương, anh nên nói bỏ cái nón bảo hiểm ra để quay cho đẹp. Tôi trả lời: “Ở đây từ bí thư đến các cán bộ khác trong huyện đều đi xe gắn máy xuống cơ sở để chỉ đạo xây dựng nông thôn mới. Các anh chị nhà đài thông cảm, xài được thì xài, chứ đề nghị họ tháo nón ra để quay phim cho đẹp là mấy ổng la tôi chết!”.

Đúng như anh Thơ nói, sau này khi có dịp xem những đoạn phim tư liệu về xây dựng nông thôn mới ở Phước Long, lúc nào tôi cũng thấy ông Út Đen và anh em cán bộ ở huyện đều khư khư cái nón bảo hiểm trên đầu. Nhìn hình ảnh, mới thấy cán bộ đảng viên với người dân ở đây hòa quyện, gần gũi, gắn bó với nhau như thế nào. Bà con kể câu chuyện như vầy: Có lần khi ông Út Lân, tức Lương Ngọc Lân, Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bạc Liêu xuống kiểm tra tình hình xây dựng nông thôn mới ở Phước Long, khi đến khảo sát một tuyến đường đang thi công vào giữa trưa, thấy một người đàn ông gầy gò vác bao xi măng trước mặt, ông Út Lân tiến đến vỗ vai thân mật hỏi thăm: “Trưa nắng làm mệt dữ hén!”. Người đàn ông quay lại, thì ra đó chính là ông Tư Phúc, tức Nguyễn Hoàng Phúc, Phó Bí thư Huyện ủy Phước Long và xung quanh có mặt đầy đủ từ bí thư đến chủ tịch, phó chủ tịch huyện, các cán bộ, tất cả đang cùng chung tay góp sức với người dân xây dựng tuyến đường giao thông.

3. Tôi biết có rất nhiều con đường liên ấp, liên xã trong huyện được chính cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trong huyện Phước Long tự đứng ra thi công xây dựng. Mở màn là con đường Nguyễn Thị Mười mà người dân quen gọi “đường Má Mười”, nối hai xã Vĩnh Thanh và Hưng Phú. Vào những ngày cao điểm, huyện huy động cả ngàn cán bộ và nhân dân tham gia làm. Chỉ sau hơn một tháng thi công, con đường hoàn thành với chiều dài hơn 10km, rộng 3,5m, độ dày 1,5 tấc và tổng kinh phí chỉ hơn 13 tỷ đồng. Tính ra so với mời thầu thi công, huyện tiết kiệm được 17 tỷ đồng. Ngoài việc phát động cán bộ và nhân dân cùng làm hơn 100km đường, tiết kiệm hàng chục tỷ đồng, đảm bảo tốt chất lượng công trình và tiến độ thi công, thời gian qua lãnh đạo huyện Phước Long mà đứng đầu là ông Út Đen còn có nhiều cách làm hay khác được nhân dân đồng tình ủng hộ.

Ông Út Đen kể: Khi bắt tay vào xây dựng nông thôn mới chưa được bao lâu thì Phước Long phải đứng trước nhiều thách thức trước bối cảnh kinh tế toàn cầu gặp khủng hoảng; kinh tế trong nước, trong tỉnh cũng đối diện nhiều khó khăn. Nghị quyết 11 của Chính phủ ra đời, trong đó có yêu cầu cắt giảm đầu tư công, giảm bội chi ngân sách nhà nước, tập trung kiềm chế lạm phát… khiến nguồn lực từ Trung ương và tỉnh đầu tư cho huyện không nhiều. Trong hoàn cảnh ấy, ngoài việc rút kinh nghiệm nơi này nơi khác để về vận dụng, Ban Thường vụ Huyện ủy Phước Long còn tìm tòi, suy nghĩ để có những cách làm phù hợp với điều kiện thực tế ở địa phương. Lâu nay người dân có thói quen là cái gì cũng trông chờ Nhà nước làm hết nhưng bây giờ xây dựng nông thôn mới là chủ trương Nhà nước và nhân dân cùng làm. Nhưng để tạo cho mọi người có sự đồng thuận như vậy không phải dễ, ngoài việc gương mẫu đi đầu, cố gắng tuyên truyền vận động người dân, lãnh đạo huyện còn phải tập trung vận động quỹ an sinh xã hội để sử dụng làm nguồn “vốn mồi” nhằm kích thích người dân tham gia.

Nhưng theo ông Út Đen, trên hết là ban thường vụ đã có sự đoàn kết, nhất trí cao, có ý chí tự lực, tự cường, không trông chờ, ỷ lại nên khi vướng phải vấn đề khó thì cả Đảng bộ đều đứng ra gánh vác, toàn tâm, toàn ý lo cho công việc không kể ngày, đêm; từ đó mới tác động đến nhận thức của người dân, dân thấy vậy nghĩ trách nhiệm của mình chưa tròn nên mỗi người, mỗi nhà tự giác nhận những phần việc cụ thể theo khả năng điều kiện của mình. Ông Út Đen nhấn mạnh: “Nếu không có đoàn kết, không công khai minh bạch thì dù có vốn cũng không làm được, bởi khi có người nghi ngờ cái này, nghi ngờ cái khác và bàn tán cách làm có vấn đề này, vấn đề khác…  sẽ dẫn đến nội bộ không ổn. Từ không ổn mà thiếu lòng tin, từ thiếu lòng tin sẽ đóng góp không hết mình, không tạo ra kết quả.

Ông Trần Hoàng Duyên (bìa phải) báo cáo với Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh về quá trình xây dựng nông thôn mới ở Phước Long

4. Kết quả như hôm nay có được là cả một vùng quê Phước Long hoàn toàn thay da đổi thịt. Sự thay đổi ấy chỉ có người dân ở đây mới cảm nhận đầy đủ nhất. Tôi nhớ một buổi trưa khi đang chạy xe bon bon trên đường Nguyễn Thị Mười thuộc ấp Mỹ Tường 2, xã Hưng Phú - xã nghèo nhất huyện Phước Long trước đây - thì cơn mưa chợt ập đến, đành ghé vào nhà dân trú tạm. Tại đây, bà Nguyễn Thị Liên đã gần 60 tuổi, chủ nhà kể cho tôi nghe về sự khởi sắc ở quê hương mình. Bà Liên nói: “Hồi trước từ đây lên đến huyện chỉ tròm trèm hơn 10km đường bộ, vậy mà đi cực trần ai. Còn chèo xuồng từ đây ra đến đó mất cỡ nửa ngày mới tới. Sáng nếu tôi đi chợ sớm thì đến 2 - 3 giờ chiều mới về tới nhà. Vào mùa mưa còn đỡ, gặp lúc khô hạn, sông cạn nước thì chèo chống rã rời, phải một người chống, một người đẩy… khổ lắm. Đi bộ phải vượt qua biết bao nhiêu cây cầu khỉ. Năm đứa con của tôi lúc đó đi học ở Rọc Lá, cầu Treo chỉ cách vài ba cây số mà lội bộ muốn rả chân, bữa ngập tới đầu gối, bữa ngang ngực, vất vả, té kênh mương, sách vở đầu cổ ướt nhem, khóc đòi nghỉ học hoài. Vậy mà 2 - 3 năm nay đường xá thiệt khang trang, chỗ nào ở đây cũng bảnh hết. Giờ từ đây ra huyện chỉ chạy xe chút xíu là tới. Còn đời sống khỏe hơn trước nhiều lắm, mần ăn cái gì cũng thoải mái hết”.

Một lần về ấp Phước Trường, xã Phước Long kề bên cánh đồng Chó Ngáp, tôi cũng được bà con khoe chuyện mần ăn. Ông Du Đình Chiến đã gần 80 tuổi kể: Hồi xưa nơi đây đầy năn, lác, nước lừng phèn mặn. Mỗi năm chỉ làm được một vụ lúa mùa vào mùa mưa nhưng cực dữ lắm. Phải tỉa mạ, giâm, rồi nhổ cấy bằng nọc. Bây giờ nhờ chuyển đổi làm được tới 2 vụ tôm, 1 vụ lúa xen tôm mà nhẹ nhàng chứ không quần quật như xưa.

Nay mai, khi Phước Long hoàn thành khoảng 50 cây cầu nông thôn nữa thì ô tô sẽ về đến tận các ấp trong huyện. Điều đáng nói là đất đai vùng này không sinh sôi, nảy nở; vẫn nước phèn, nước mặn như thuở nào nhưng nhờ hiệu quả từ các tiêu chí nông thôn mới mang lại mà bà con đã thay đổi cách nghĩ, cách làm với những mô hình sản xuất kết hợp đạt hiệu quả kinh tế cao, đưa thu nhập bình quân đầu người trong huyện đạt gần 38 triệu đồng/người/năm, tăng gấp 2,53 lần so với cách nay 5 năm. 

Và tôi nhớ lần gần đây nhất, khi tôi xin ghi hình Bí thư Huyện ủy Phước Long Trần Hoàng Duyên về kết quả xây dựng nông thôn mới ngay trước trụ sở Huyện ủy, ông chợt đưa tay vuốt mái tóc dày rồi nhìn tôi cười nói: “Thấy anh đen dữ không?”. Tôi nhìn ông và nhớ đến cái tên “Út Đen” mà người dân hay gọi và không biết trả lời sao cho phải, nhưng chợt nghĩ: Cái “đen” của ông và những cộng sự qua năm tháng dãi nắng, dầm mưa để thực hiện cuộc cách mạng ở nông thôn thật đáng trân trọng, bởi các ông đã chấp nhận những hy sinh, gian khổ, chấp nhận cái “đen” để vùng quê nghèo Phước Long bừng sáng…

NGUYỄN TẤN     

Tin cùng chuyên mục