
Tôi đọc khá kỹ bài phỏng vấn GS.TS Trương Đình Kiệt (Phó Hiệu trưởng ĐH Y Dược TPHCM) về “Đổi mới tuyển sinh ĐH - phải làm ngay trong năm 2005” đăng trên báo SGGP vừa qua. Bài phỏng vấn có nhiều điểm khá mới mẻ và gây sự chú ý đến những ai quan tâm đến giáo dục.

Theo nhiều chuyên gia quản lý giáo dục, nên tổ chức thi “1 chung” thôi, đó là chung đề, thí sinh thi trường nào thì chỉ thi trường đó, sẽ không còn cảnh “ảo” nữa và sẽ giải quyết được khá nhiều điều bất cập. Mọi việc còn lại để các trường tùy theo điều kiện của mình mà có sự chọn lựa phù hợp. Nhưng cũng có khá nhiều ý kiến quả quyết: Đề xuất đổi mới của GS Kiệt là thuyết phục và nên làm ngay. Có thể nói tâm điểm của các kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ những năm vừa qua là việc xác định những điều chung –riêng. Tiêu chí thì nhiều nhưng theo tôi cần phải lưu ý một số vấn đề liên quan:
Một là, phải có sự phân biệt theo từng vùng, miền, trường, đối tượng. Thí dụ, chung một điểm sàn, sẽ có thể quá thấp so với trường tốp trên, với vùng có điều kiện học tập tốt, với trường đào tạo nhân tài nhưng lại có thể quá cao đối với những thí sinh vùng sâu vùng xa, khó có điều kiện học tập tốt… Một điểm sàn duy nhất cho nhiều khối thi cho nhiều trường, nhiều vùng với nhiều sự khác nhau là rất khó.
Hai là sở thích nghề nghiệp. Trước mỗi mùa thi, các đợt tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp cho thí sinh đều cho rằng “hãy phát huy sở trường, tránh xa sở đoản” “Bạn sẽ chọn một ngành nào, nghề nào, vừa phù hợp với năng lực bản thân vừa đáp ứng nhu cầu xã hội”. Nhưng trớ trêu thay: Nếu em thiếu 1-2 điểm, dù phù hợp với ngành nghề đó, vẫn phải nhường chỗ cho những trường hợp khác có thể hơn 1,2 điểm nhưng rớt nguyện vọng 1! Và không chọn NV2, 3 sẽ đồng nghĩa với việc rớt. Thế là những cuộc chuyển đổi đầy rối rắm cứ thế diễn ra. Đó chỉ là một sự lựa chọn tạm thời mà trong đầu không một chút tâm huyết gì với ngành nghề đó thì làm sao phát huy hết năng lực, sở trường để đóng góp cho xã hội, cho đất nước?
Ba là, phải căn cứ nhu cầu xã hội. Nhu cầu đội ngũ cán bộ KHKT có trình độ của nhiều ngành, nhiều nơi đang rất lớn và đang thiếu trầm trọng. Có địa phương chỉ có vài người đi học đại học, những tưởng các ông “cử” quý hiếm này sẽ về phục vụ tỉnh nhà, ngờ đâu học xong họ ở lại thành phố làm những công việc không “ăn nhập” gì với 4 - 5 năm đại học. Họ chấp nhận làm trái nghề để được ở lại chốn đô thành. Như vậy, có một sự rất khác nhau về nhu cầu xã hội, điều này giúp các nhà hoạch định chiến lược, chính sách vĩ mô lưu ý để phân bổ chỉ tiêu, để xác định đầu vào cho thí sinh vốn rất khác nhau.
TH.S TRẦN ĐÌNH LÝ