Theo Bộ GTVT, mức chi phí dành cho các phương tiện đi lại thường chiếm tỷ lệ 25% trên tổng chi phí mỗi du khách, tuy nhiên, tổng doanh thu vận tải khách du lịch của đường sắt Việt Nam hiện chỉ tương đương với 0,53% tổng doanh thu ngành du lịch.
Nhằm tăng trưởng khách du lịch bằng đường sắt, Bộ GTVT đã đề nghị Chính phủ bổ sung vốn sự nghiệp kinh tế từ 500 - 1.000 tỷ đồng/năm cho công tác bảo trì, bảo dưỡng để hạn chế xóc lắc, tạo êm thuận cho các đoàn tàu; đề xuất 7.000 tỷ đồng cải tạo, nâng cấp tuyến đường sắt Hà Nội - TPHCM từ nguồn vốn dự phòng trung hạn nhằm tăng năng lực thông qua từ 17 đôi tàu/ngày đêm hiện nay lên 23-25 đôi tàu/ngày đêm, năng lực chuyên chở từ 325m/đoàn tàu hiện nay lên 400m/đoàn tàu; đề xuất khoảng 2.600 tỷ đồng cải tạo, nâng cấp tuyến Yên Viên - Lào Cai giai đoạn 2 bằng nguồn vốn xã hội hóa kết hợp với nguồn vốn dự phòng trung hạn.
Để nâng cao chất lượng dịch vụ và khai thác nhà ga, Bộ GTVT đề nghị Tổng công ty Đường sắt Việt Nam chủ động đầu tư kết hợp với các nguồn vốn xã hội hóa, trước mắt tập trung khôi phục tuyến Đà Lạt - Trại Mát, từng bước phát triển các khu ga đường sắt thành các trung tâm dịch vụ thương mại và du lịch tại địa phương; đề xuất khoảng 1.000 tỷ đồng cho việc đầu tư bổ sung các đầu máy, toa xe còn thiếu do đã hết khấu hao và mua sắm mới phù hợp với nhu cầu vận tải. Bộ GTVT cũng đề nghị các bộ khẩn trương góp ý hoàn thiện đề án và đặt mục tiêu, từ nay đến 2025, hành khách đi du lịch bằng đường sắt sẽ đạt 300.000 - 450.000 lượt khách/năm, tương đương với tỷ lệ từ 30%-45% thị phần.