(SGGP).- Ngày 11-3, tại hội thảo “Tịch thu phương tiện: pháp lý và thực tiễn” do Trung tâm Truyền thông giáo dục cộng đồng (MEC) tổ chức tại Hà Nội, phần lớn ý kiến tham luận đều tỏ ý băn khoăn về cơ sở pháp lý của đề xuất tịch thu phương tiện của người điều khiển phương tiện vi phạm nồng độ cồn.
Tại hội thảo, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban ATGT quốc gia khẳng định, đề xuất tịch thu phương tiện dựa trên cơ sở pháp luật hiện hành. Cụ thể, Điều 26 Luật Xử lý vi phạm hành chính chỉ rõ tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính là việc sung vào ngân sách nhà nước vật, tiền, hàng hóa, phương tiện có liên quan trực tiếp đến vi phạm hành chính, được áp dụng đối với vi phạm hành chính nghiêm trọng do lỗi cố ý của cá nhân, tổ chức. Tuy nhiên, theo ông Phan Hữu Thư, nguyên Giám đốc Học viện Tư pháp, đề xuất của Ủy ban ATGT quốc gia có tính khả thi không cao, việc xử phạt người uống rượu, bia điều khiển phương tiện giao thông trên đường như thế nào phải xây dựng khung tương ứng với lỗi người vi phạm. Tiến sĩ Đồng Xuân Thành, giảng viên Trường Đại học Công nghiệp TPHCM cũng nhận định, phải tính toán kỹ tính khả thi của đề xuất, xem xét khả năng diễn ra trong thực tế để lực lượng chức năng không tùy tiện bắt giữ xe của dân. Cũng có ý kiến cho rằng đề xuất tịch thu phương tiện là chưa phù hợp với hệ thống pháp luật hiện hành bởi kèm theo nó là hàng loạt vấn đề phát sinh, có thể mẫu thuẫn với các văn bản khác, có thể dẫn đến tranh chấp giữa người điều khiển phương tiện và người cho mượn xe.
Thông tin từ hội thảo cũng cho biết, kết quả khảo sát trên các diễn đàn xã hội cho thấy, hơn 75% ý kiến không đồng ý với kiến nghị của Ủy ban ATGT quốc gia, đa số ý kiến chỉ ủng hộ việc tăng mức xử phạt bằng tiền.
BÍCH QUYÊN