
Đó là câu hỏi được Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng thẳng thắn đặt ra cho Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn chiều nay, 22-3. Ông Phạm Vũ Luận đã giải trình về công tác quản lý chất lượng, quy mô đào tạo của các trường đại học; quản lý dạy thêm – học thêm; đảm bảo tính nghiêm túc của thi cử… Cuối phiên chất vấn, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cho biết, đã có 23 ý kiến phát biểu trực tiếp tại phiên họp, nhưng vẫn còn tới 14 ý kiến khác chưa được nêu, do không đủ thời gian.

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận: "Việc mở rộng quy mô đào tạo của các trường tốt đã được triển khai mạnh mẽ trong thời gian qua, nhưng nay cũng đến mức tới hạn". Trong ảnh: Các sinh viên một trường ngoài công lập đang học nhóm. Ảnh minh họa: Mai Hải
Thiếu cả "thầy" lẫn "thợ"!
Trả lời những chất vấn về tình trạng sinh viên ra trường không có việc làm phù hợp với khả năng, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho rằng, “chỉ thừa những “thầy” và “thợ” không đạt chuẩn, còn "thầy" và "thợ" đạt chuẩn thì đều thiếu chứ không có gì thừa cả”!
Trong báo cáo trả lời chất vấn được gửi đến các đại biểu quốc hội trước khi trả lời trực tiếp, người đứng đầu ngành giáo dục nhấn mạnh, bên cạnh nguyên nhân đào tạo không theo nhu cầu, thiếu sự thông tin, liên kết giữa cơ sở đào tạo với doanh nghiệp sử dụng lao động, còn có một nguyên nhân là tâm lý chạy theo ngành nghề đang được đánh giá cao mà không tính đến khả năng tìm được việc làm sau khi ra trường.
Theo ông, một trong các giải pháp là từ năm 2013 tạm dừng mở mới các ngành đào tạo đang thừa đầu ra như tài chính ngân hàng, quản trị kinh doanh, kế toán, đồng thời kiến nghị Thủ tướng xem xét, hạn chế thành lập mới các trường đại học đào tạo các ngành này. Bộ cũng sẽ có những giải pháp nhằm tăng cường mối quan hệ giữa cơ sở đào tạo với các đơn vị sử dụng lao động; tăng cường các giải pháp thông tin liên quan đến nguồn nhân lực, thị trường lao động…
Đại biểu Ngô Văn Minh (Quảng Nam) hỏi: “Tại sao Bộ không cho mở rộng quy mô đào tạo tại các trường đại học có uy tín thay vì cho mở trường tràn lan để rồi vừa qua phải đóng cửa hàng chục trường? Sao không tính đến việc sử dụng kết quả thi tốt nghiệp PTTH để xét tuyển đại học, đỡ đi một gánh nặng cho xã hội?". Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Văn Phúc (Hà Tĩnh) nêu vấn đề: "Có hay không sự đối xử bất bình đẳng với các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập, dẫn đến việc các trường này không thể tuyển đủ đầu vào, không được hưởng ưu đãi theo quy định của pháp luật?
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận giải trình: Vừa qua, việc mở rộng quy mô đào tạo của các trường tốt đã được triển khai mạnh mẽ trong thời gian qua, nhưng nay cũng đến mức tới hạn (tính theo định mức giáo viên cơ hữu, điều kiện cơ sở vật chất…). Việc cho mở trường ngoài công lập là đúng đắn và tất cả các trường đều được đối xử bình đẳng. Chỉ có những trường vi phạm thì bất kể trong hay ngoài công lập cũng đều phải xử lý.
Tuy nhiên, khi các đại biểu tái chất vấn, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận công nhận, trường ngoài công lập chưa tiếp cận được nhiều ưu đãi. Đơn cử, việc cấp đất sạch chưa thực hiện được, vì ngân sách không có tiền! Việc gộp 2 kỳ thi làm một như đại biểu Minh đề nghị thì Bộ cũng đã tính đến, nhưng cần có thời gian chuẩn bị, vì còn liên quan đến chương trình giảng dạy, cách thức ra đề và cả mức độ nghiêm túc của kỳ thi tốt nghiệp PTTH.
Người đứng đầu ngành giáo dục cũng cho biết, có nhiều đề án đang được hoàn thiện, trong đó có việc xây dựng tiêu chuẩn phân tầng và kiểm định giáo dục đại học.
Sao phải mượn nước ngoài để đến nỗi sai?
Đó là câu hỏi nhức nhối được các đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TPHCM), Lê Minh Thông (Thanh Hóa) đặt ra khi đề cập đến các cuốn sách được sử dụng trong nhà trường có nội dung sai lệch về lịch sử, địa lý... đã bị công luận phản ứng gay gắt. Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) trăn trở: “Không phải chúng ta kỳ thị, mà nếu sách giáo khoa của nước ngoài tốt thì ta vẫn dịch, vẫn dùng. Nhưng sách bé tập kể chuyện, tập đánh vần thì lẽ nào chúng ta cũng phải bê nguyên xi sách của nước khác, để đến nỗi nhầm cờ, thiếu đảo?"
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận: “Chúng ta hoàn toàn có đủ sách cho bậc học này và sai phạm chủ yếu cũng ở các cuốn sách không phải do ngành giáo dục xuất bản”. Ông cho biết sẽ chỉ đạo các trường thẩm định sách kỹ càng hơn khi sử dụng sách để giảng dạy trong nhà trường; đồng thời kiểm điểm nghiêm minh trường hợp sai phạm của Nhà xuất bản Đại học Sư Phạm Hà Nội.
Tuy nhiên, theo nhiều đại biểu, vấn đề lớn hơn đặt ra từ câu chuyện cuốn sách giáo khoa sai nói trên là toàn bộ chương trình và phương pháp giáo dục hiện nay có rất nhiều bất cập, kể cả giáo dục đại học lẫn giáo dục phổ thông.
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đã đưa ra nhiều lời hứa, từ việc “siết chặt quy chế đào tạo sau đại học, tránh việc có nhiều tiến sĩ mà không có nhà khoa học thực sự” cho đến việc giảm tải chương trình học phổ thông, cải tiến thi cử… “Có những việc, nhất là đối với bậc đại học, cao đẳng chúng tôi đã làm, đang làm, nhưng cũng có những việc phải làm từng bước. Trong thi cử, chúng tôi cũng đang siết chặt cơ chế giám sát cả coi thi, chấm thi, chỉ đạo thi. Vừa qua Bộ đã tổ chức chấm lại bài thi ở những điểm thi có kết quả cao đột biến ở 16 tỉnh thành, chỉ rõ những điểm bất hợp lý. Lần này chúng tôi mới gửi kết quả đó tới các sở để nhắc nhở, chưa công khai, nhưng tới đây sẽ làm mạnh mẽ hơn nữa”, Bộ trưởng cho hay.
Bày tỏ mạnh mẽ mong muốn một sự chuyển biến rõ rệt trong lĩnh vực giáo dục đào tạo, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng đã trực tiếp chất vấn: “Đại biểu Quốc hội nói và đồng chí cũng công nhận là chưa thể yên tâm về chất lượng giáo dục đào tạo, đồng chí có đặt ra mục tiêu hàng năm chuyển biến như thế nào không? Đến bao giờ chúng ta có một nền giáo dục đào tạo đáng yên tâm”?
Tuy nhiên, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận không thể đưa ra những cam kết định lượng, ông chỉ “hứa đem hết trí tuệ, quyết tâm cùng toàn ngành, toàn dân đổi mới căn bản giáo dục đào tạo, hy vọng từng bước thay đổi theo hướng tiến bộ trong những năm tới”.
Tổng kết phiên chất vấn, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đã đề nghị Bộ trưởng Bộ Giáo dục Đào tạo dành quan tâm thích đáng tới cả 3 lĩnh vực: cải cách, đổi mới toàn diện sách giáo khoa, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và hiệu quả sử dụng ngân sách cho ngành giáo dục. Bà cũng nhắc nhở Bộ trưởng phối hợp với Bộ Lao động Thương binh & Xã hội, Bộ Tài chính... khẩn trương giải quyết chính sách cho đội ngũ giáo chức và cựu giáo chức.
*Trước đó, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận đã có báo cáo trả lời những chất vấn được các Đại biểu quốc hội gửi tới. Theo đó, chống tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích tiếp tục được coi là một trong những mục tiêu quan trọng của ngành giáo dục. Và giải pháp cho vấn đề này là điều chỉnh cách thức kiểm tra, đánh giá học sinh theo hướng giảm các yêu cầu học thuộc, nhớ một cách máy móc, tạo cơ hội cho học sinh được vận dụng kiến thức tổng hợp và những hiểu biết riêng của bản thân.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận
Xa hơn, để đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, Bộ trưởng cho biết, dự thảo đề án về vấn đề này đang được hoàn thiện, đảm bảo tính đồng bộ, không chắp vá, khả thi, nhưng không né tránh những vấn đề khó. Trong đó, một nội dung đáng chú ý là chuyển đổi nền giáo dục theo hướng mở, hơn, linh hoạt hơn; tiến tới xây dựng một xã hội học tập thay vì “bó cứng” trong những khái niệm về trường, lớp, chương trình, nội dung, thời gian học…
Đáng lưu ý, về tình trạng sinh viên tốt nghiệp không tìm được việc làm hoặc trái chuyên ngành đào tạo, Bộ trưởng Luận cho rằng, bên cạnh nguyên nhân đào tạo không theo nhu cầu, thiếu sự thông tin, liên kết giữa cơ sở đào tạo với doanh nghiệp sử dụng lao động, còn có một tâm lý rất đáng quan ngại, đó là chạy theo ngành nghề đang được đánh giá cao mà không tính đến khả năng tìm được việc làm sau khi ra trường.
Theo ông, một trong các giải pháp là từ năm 2013 tạm dừng mở mới các ngành đào tạo đang thừa đầu ra như tài chính ngân hàng, quản trị kinh doanh, kế toán... đồng thời kiến nghị Thủ tướng xem xét, hạn chế thành lập mới các trường đại học đào tạo các ngành này.
>>Cứu sự tan rã của nhiều trường ĐH-CĐ ngoài công lập: Cách nào?
>>Các trường đủ năng lực đều được tuyển sinh riêng
>>Xử phạt trường đại học vi phạm: Siết chặt kỷ cương, nâng cao chất lượng
Anh Phương