Kỷ niệm 46 năm ngày Đồng khởi Bến Tre (17-1-1960 - 17-1-2006)

Đến với một tâm hồn thơ xứ dừa

Đến với một tâm hồn thơ xứ dừa

Công tác tại Cơ quan Thanh tra Bộ Công an (Bộ phận phía Nam) công việc tưởng chừng như khô khan nhưng với tình yêu thương, tình cảm với quê hương đất nước, lòng thủy chung với Đảng… Huỳnh Trọng Nghĩa đã viết nên những bài thơ làm xúc động lòng người. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi về chuyện thơ - chuyện đời của Thượng tá - nhà thơ Huỳnh Trọng Nghĩa.

  • Nhật ký 30 năm trước

Chiến tranh! Đó là lý do duy nhất để gia đình anh thay tên đổi họ. Huỳnh Trọng Nghĩa mang họ của mẹ, dù cho ai cũng biết anh chính là anh ruột của Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân - Đại tá Công an Nguyễn Thị Minh Hiền, người từng là nỗi khiếp đảm của ngụy quyền Sài Gòn.

Đến với một tâm hồn thơ xứ dừa ảnh 1

Thượng tá – nhà thơ Huỳnh Trọng Nghĩa (trái) trò chuyện cùng phóng viên. Ảnh: H.Liêm

Một người em gái khác là Trung tá Phan Thị Ngọc Tươi, hiện đang công tác ở Báo Công an TPHCM. Lật từng trang quyển nhật ký – có lẽ đã hơn 30 năm tuổi – của anh, trong đó có bài thơ anh khóc một người em trai hy sinh vào năm 1974: Thôi em nhé muôn đời xa cách/Đau thương này anh khắc vào tim/Dưới lòng đất, em nằm cho yên/Anh đi mang cả lời nguyền của em (Tiễn em-1974).

Lời khóc của một người anh, diễn đạt rất thật, bằng giọng văn Nam bộ bởi trong đau thương, Huỳnh Trọng Nghĩa đã bật lên lời thơ, nỗi căm thù. Nhưng cái mảnh đất quê nghèo mà bi hùng –Bến Tre Đồng Khởi- của Huỳnh Trọng Nghĩa còn lắm nỗi đau buồn vì chiến tranh.

Trước đó, nghe tin em gái Ngọc Tươi bị bắt, đang bị thẩm vấn khảo tra ở Ty thẩm vấn Bến Tre, Huỳnh Trọng Nghĩa ngay lúc dừng chân hành quân, viết: Giặc đem em trước mặt người thân/Hành hình ngay ở trước sân/Mấy lần sống lại mấy lần ngất đi. Và cũng trong bài “Thù này ai quên” nêu trên, anh hứa với mẹ nuôi của mình –mẹ của một đồng đội đã hy sinh- cũng đang chịu cảnh tù đày: Thề lòng con chẳng hở môi/Hiến cho Đảng cả một đời xuân tươi/Thân con dù chết mẹ ơi/Cho mai đây có ngày vui nắng hồng.

  • Trăn trở... gửi vào thơ

Anh nhớ người yêu mà không thể nào gặp mặt dù cách xa nhau chỉ một dòng sông. Những lần hẹn-thất hẹn… cứ lặp lại, và tình yêu tuổi học trò với anh là niềm tôn thờ cao quý, chỉ sau tình yêu dành cho Đảng: Từ dạo chúng mình phải xa nhau/Mùa thương nhớ nối tiếp mùa thương nhớ/Một mùa phượng rồi hai mùa phượng nở/Anh lại hẹn em-Mùa phượng nữa anh về (Hẹn em mùa phượng nữa-1972).

Bây giờ ngồi lại với anh, tôi được giải đáp: “Khi ấy tôi và nàng yêu nhau lắm, nhưng chẳng một lần dám hôn. Bây giờ thì nàng đã là bà xã rồi, trọn đời không cách xa nhau nữa. Khi đó tôi mơ ước rằng: Xa vắng nhau đời vẫn đẹp hơn nhiều/Trọn đợi chờ và vững bền chung thủy/…

Anh ước gì được chắp vào đôi cánh/Sẽ bay về bên em-Dù một phút giây thôi/Kể em nghe chuyện cuối một phương trời/Có hai kẻ yêu nhau mà cách biệt. Có thể thấy cả trong đề tài tình yêu, niềm tin vào Đảng vẫn hiện hữu trong thơ Huỳnh Trọng Nghĩa. Anh yêu chị, vẫn mong chị trở thành đảng viên cộng sản như mình: … Ngăn cách này dù cho đến bao giờ/Ta vẫn đợi vẫn chờ và chung thủy/Em yêu hỡi! Muốn gọi em: “đồng chí”/Vì đôi ta đã chung ý chung lòng/… (Tình anh yêu em -1973).

Những trang giấy pơ-luya cũ vàng, và nỗi trăn trở của Huỳnh Trọng Nghĩa không chỉ là xa cách người yêu, nhớ thương mẹ mà còn là khóc chiến sĩ vô danh, những người đồng đội –chưa biết tên- đã ngã xuống, anh nhắn nhủ với con mình: Vô danh cho độc lập/Vô danh cho tự do/Vô danh cho cơm no/Vô danh cho áo ấm/Mộ vô danh nghìn nấm/Có bia và không bia/…/Mai lớn lên-con ơi/Hiểu thêm lời ba nói/Nghe lòng thêm nhức nhối/Về mộ bia vô danh (Vô danh).

Đầu năm 1975, linh cảm ngày chiến thắng gần kề, từ trong vùng giải phóng, Huỳnh Trọng Nghĩa viết: Cuộc đời đã bừng lên mầm sống/Như lòng ba cháy bỏng nhớ thương/Con yêu ơi từ muôn vạn nẻo đường/Ba đang dệt mùa xuân cho con đó (Mùa xuân cho con - 1975).

  • Cánh chim báo bão

Tôi gọi anh là nhà thơ có khi không phải phép lắm. Huỳnh Trọng Nghĩa thì nhất định rằng: Anh chỉ làm thơ để cân bằng cuộc sống nội tâm trước những thực tế diễn ra trong cuộc sống. Từ vị trí cán bộ Cơ yếu của Tỉnh ủy Bến Tre, Cơ yếu T.78, Huỳnh Trọng Nghĩa chuyển sang ngành công an.

Trước nhiều bất công còn rải rác đâu đó, đối mặt với chúng, anh viết: Mấy năm kêu kiện cửa quan/Từ cấp huyện, tỉnh đến hàng trung ương/Phiếu báo trên ghi tỏ tường/ “Về tỉnh giải quyết-khẩn trương, kịp thời”/Mừng thay tỉnh có thơ mời/… Cùng huyện xem xét đúng sai/Thống nhất báo cáo trình bày về trên/Tỉnh xem phê duyệt góc bên/ “Đồng ý đề xuất-ta nên tiến hành…”/… Chờ lâu dân đến huyện đường/Hỏi thăm việc mấy năm trường kiện kêu/Mới nghe quan đã phán liều/ “Về tỉnh giải quyết, chớ lắm điều ở đây” (Quan đây có quyền-1988).

Anh kể: “Ngày đó lợi dụng chủ trương “đánh tư sản”, một vị nữ chủ tịch huyện Bình Đại (Bến Tre) đã lạm quyền, nhân dân thống khổ kêu không thấu trời xanh. Tôi làm bài thơ này đăng trên tờ báo Đảng của Tỉnh ủy Bến Tre, phải ký bút danh khác mà bị đe dọa quá chừng. Nhưng riêng những người nông dân lại đồng tình hả hê, chép lại bài thơ đó để dành đọc… lén”.

Xa quê hương đã 30 năm, bộn bề công việc, nhưng mới đây, bài thơ “Gửi Bến Tre” của Huỳnh Trọng Nghĩa đã tạo một sự chú ý nhất định nơi bạn đọc. Bài thơ gồm 12 khổ, 48 câu trong đó có nhắc nhở hầu như tất cả kỷ niệm về vùng đất, con người quê hương.

Anh dự báo: Lòng xôn xao náo nức/Chờ ngày mai nối liền/Cầu dây văng mơ ước/In bóng trên sông Tiền/… Con vào Nam ra Bắc/Đi cuối đất cùng trời/Vẫn thương hoài mảnh đất/Đồng Khởi Bến Tre ơi!! Có thể khẳng định một điều là, những người con Bến Tre như anh dù đi đâu-về đâu, dù có đang giữ bất cứ một chức vụ gì, cũng đều có chung thổn thức: Viết làm sao cho hết/Từng thương nhớ nỗi niềm/Nói làm sao cho hết/Bồi hồi trong con tim!! Anh còn hạnh phúc cho rằng: Đường quê thêm rộng mở/Mái ngói ấm trời chiều/Mạch sống theo hơi thở/Đời hẹn đẹp thêm nhiều.

Và Huỳnh Trọng Nghĩa hẹn: “Tết này về quê, nấu vài món thịt kho nước dừa, tép rang hay làm món mắm tép ăn chơi. Không biết bây giờ, dịch cúm gia cầm có qua hẳn chưa, để kiếm ít cái trứng vịt… Xiêm, kho chung cúng ông bà”. 

LÊ HƯƠNG LY

Tin cùng chuyên mục