
Với mong muốn giới thiệu với công chúng những giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể dưới mái đình làng truyền thống của người Việt Nam, triển lãm “Đình làng Việt - Những điều còn mất” sẽ diễn ra tại Hà Nội từ 8 đến 24-8 tới. Hoạt động này do nhóm Đình làng Việt - nhóm hoạt động trên facebook tổ chức, đã nhanh chóng thu hút sự quan tâm của đông đảo cộng đồng yêu di sản.
Kết nối qua mạng xã hội
Bắt đầu hoạt động trên mạng xã hội Facebook từ tháng 9- 2014, chỉ chưa đầy một năm số lượng thành viên của nhóm “Đình làng Việt” đã lên tới gần 4.000 người đến từ mọi miền trên cả nước. Bằng những hành động thiết thực, “Đình làng Việt” giờ đây đã trở thành một điểm hẹn hữu ích dành cho những người yêu di sản. Thông qua sự gắn kết trên mạng xã hội, tình yêu di sản đã nhanh chóng lan truyền, vượt ra khỏi phạm vi của nhóm. Không dừng lại ở những bàn thảo trên mạng xã hội, bằng những hoạt động điền dã như tổ chức tham quan di tích tại Hà Nội và các tỉnh lân cận, thành viên của nhóm đã có cơ hội tiếp cận với di sản; có thời gian gặp gỡ, trao đổi thông tin. Đặc biệt là sự cảm nhận về không gian văn hóa của làng quê Bắc bộ, về không gian đình làng Việt. Cũng qua các chuyến đi, thành viên “Đình làng Việt” đã thu thập được nhiều tư liệu về đình làng để phục vụ công tác nghiên cứu và quảng bá.

Một trong những hoạt động của nhóm “Đình làng Việt”.
Kiến trúc sư trẻ Trần Hiếu, một thành viên của nhóm Đình làng Việt chia sẻ: dù khá bận rộn với công việc của mình, nhưng em vẫn tham gia hoạt động của nhóm ngay từ ngày đầu nhóm được thành lập trên facebook. Đây là một việc làm hay và ý nghĩa, giúp cho mọi người thấy được vẻ đẹp và giá trị của đình làng, một công trình kiến trúc truyền thống đang dần bị lãng quên trong quá trình đô thị hóa. Khi có thông tin về di tích mới được phát hiện, di tích đang xuống cấp, di tích bị trùng tu sai, một số thành viên nhanh chóng đi xuống địa phương nắm bắt tình hình, kịp thời ngăn chặn hoặc báo với các cơ quan quản lý chức năng xử lý. Trong đó phải kể đến việc phát hiện đình Cổ Chế xuống cấp, việc trùng tu sai ở đình Quang Húc, chùa Sổ, đình Tiên Canh, đình Vường, chùa Phúc Lâm… Tại các nơi đến, thành viên của nhóm đều xem xét, góp ý với nhân dân địa phương trong việc bảo vệ di tích, tránh việc trùng tu, tôn tạo sai Luật Di sản văn hóa, góp phần giúp người dân hiểu thêm về giá trị di tích của địa phương mình.
Vụ mùa đầu tiên đã ra trái
Triển lãm “Đình làng Việt - những điều còn mất” là hoạt động quy mô lớn đầu tiên được nhóm thực hiện nhằm khôi phục, gìn giữ những giá trị truyền thống của đình làng trong lòng người Việt. Chia sẻ về cuộc triển lãm đặc biệt này, anh Nguyễn Đức Bình, thành viên sáng lập nhóm cho biết, triển lãm trưng bày khoảng 100 bức ảnh do các thành viên nhóm Đình làng Việt chụp tại các địa phương, chủ yếu là khu vực phía Bắc.
Triển lãm sẽ giới thiệu đến người xem những vẻ đẹp kiến trúc, điêu khắc của đình làng Việt, bên cạnh đó là những hình ảnh về sự xuống cấp, biến dạng của các công trình kiến trúc cổ của Việt Nam hiện nay. Nội dung các tác phẩm trưng bày tập trung vào hai chủ đề chính: “Tinh hoa đình làng Việt” và “Biến đổi của đình làng Việt”. Các tác phẩm nhiếp ảnh thuộc nhóm “Tinh hoa đình làng Việt” hướng đến việc tôn vinh những đặc trưng kiến trúc, điêu khắc của đình làng Việt cũng như vẻ đẹp của nhiều ngôi đình nổi tiếng như đình Tây Đằng, đình Chu Quyến (Hà Nội), đình Đồng Kỵ (Bắc Ninh), đình Hương Canh (Vĩnh Phúc),... Đồng thời, sự thay đổi, biến dạng những giá trị truyền thống (do trùng tu sai) cũng như sự xuống cấp và nguy cơ biến mất của những ngôi đình cổ cũng sẽ được phản ánh qua loạt ảnh có chủ đề “Biến đổi của đình làng Việt”. Ngoài ra, triển lãm còn giới thiệu không gian văn hóa xung quanh ngôi đình làng Việt cùng các lễ hội, các phong tục, tập quán của làng xã xung quanh ngôi đình.
Trong khuôn khổ chương trình còn diễn ra nhiều hoạt động diễn xướng dân gian như biểu diễn chèo, ca trù, quan họ, hát xoan,… với sự tham gia của phường hát xoan xã Hùng Lô (Việt Trì, Phú Thọ), Hội những người yêu thích chèo Hà Nội. Triển lãm “Đình làng Việt - Những điều còn, mất” được tổ chức nhằm góp phần giúp công chúng, đặc biệt là thế hệ trẻ hiểu hơn về giá trị di sản văn hóa đặc biệt này; đồng thời truyền tải những thông điệp ý nghĩa nhằm thu hút công chúng quan tâm đến di sản, xã hội hóa công tác trùng tu, thu hút những cá nhân, tổ chức, các nhà hảo tâm đứng ra bảo trợ cho công tác trùng tu tôn tạo các di tích.
MAI AN