
Có những cơn mưa không chỉ là mưa. Có mưa phúc, mưa họa, mưa lành, mưa dữ. Tôi là người dân quê, đã từng quen việc cày, bừa. Làm sao có thể quên những cơn mưa bão, mưa lũ, mưa giải hạn, giải nóng. Làm sao quên được câu hát chèo “Nôn nao rơm rạ cày bừa; Lá xanh bồ kết, đêm mưa đồng làng”.

Tôi ra miền Trung, đến nơi nghèo khó, gặp cơn mưa không chỉ là mưa. Nhận ra, cuộc đời đơn giản hơn nhiều so với những lời bàn luận cổ kim, đông tây. Gặp một học giả, một bạn văn biết danh đã lâu, chưa từng gặp mặt.
Bạn chiêu đãi rượu Hồng Đào “chưa uống đã say”. Lại bàn về chuyện đời về cái nhiều cái ít. Có khi ít thành nhiều, nhiều thành ít. Như mưa vậy!
Tôi theo đoàn công tác xã hội từ thiện đến một vùng quê nghèo khó hỗ trợ một số người già là cha mẹ nạn nhân cơn bão số 1 vừa qua. Trong buổi tiếp nhận, cán bộ địa phương bày tỏ niềm xúc động, cảm ơn các nhà hảo tâm, bạn đọc Báo Sài Gòn Giải Phóng đã tận tình giúp đỡ chia sẻ những khó khăn, mất mát đau thương với ngư dân địa phương.
Tôi nhìn thấy rõ nỗi đau khổ tột cùng trên những khuôn mặt già nua, khô héo. Như một cánh đồng khô cháy, nứt nẻ, lô nhô những gò mả mới. Và những tiếng khóc từ lòng đất trồi lên, lan đi: “Lá vàng còn ở trên cây. Lá xanh rụng xuống có hay chăng trời”. Trong nhân gian, trong kiếp làm người, còn nỗi đau nào khốc liệt hơn nỗi đau “người đầu bạc khóc người đầu xanh”.
Người mẹ già gần 80 tuổi, lưng còng gần sát đất, bước đi xiêu vẹo. Mỗi lần vấp ngã, mẹ được hàng chục cánh tay, trẻ có, già có đỡ lên. Cầm tiền cứu trợ, số tiền ít ỏi chẳng đáng là bao nhưng mẹ khóc, nói: “Nhiều lắm, thế là nhiều lắm!”. Một người cha không thể đoán tuổi, chỉ có thể biết ở cái cơ thể quắt queo nâu sạm, sần sùi như một chiếc rễ cây kia, nỗi đau nhiều hơn số tuổi. Lời nói như sóng biển xô bờ: “Tôi chẳng có công lao đóng góp gì, lại được cả nước quan tâm giúp đỡ. Cuộc đời cũng đáng sống lắm!”.
Dọc đường miền Trung người ta thấy rõ những cây xương rồng, những cây phi lao bám vào cát sỏi nóng bỏng để sống, để ngời lên sắc xanh. Nhà văn hóa trầm ngâm nói: “Một trong những cái gốc của sự sống là sự ham sống”. Tôi nhìn xa. Thấy trời, biển nối nhau một màu sương khói. Chợt nhớ câu hát chèo ở vùng quê xa xôi: “Trông trời trông đất trông mây. Trông mưa trông nắng, trông ngày trông đêm. Trông cho chân cứng đá mềm. Trời yên biển lặng mới yên tấm lòng”.
* Có người bảo “Nhìn xa nghĩ xa, nhìn gần nghĩ gần”. Người Việt Nam ta ở làng quê, quanh quẩn quanh lũy tre làng, cây đa, bến nước nhưng đời sống tinh thần của họ luôn mở rộng bao la. Thiên tai, địch họa là những điều lo lắng thường trực trong lòng. Tình làng xóm, nghĩa đồng bào cũng là một tình cảm thường trực trong tâm khảm. Cho dù nhìn xa hay nhìn gần đều đau đáu trong lòng đạo lý sống ở đời: Thương người như thể thương thân.
Tôi về Cam Lộ, Quảng Trị đến với một nỗi thống khổ không thể nói hết bằng lời. Trời mưa thao thác. Xế chiều mây đọng âm u. Xóm nghèo tĩnh lặng, hắt hiu. Trong bóng tối mờ ảo từ phía sau ngôi nhà tranh, một phụ nữ còn trẻ mang ra một con người ngồi trên xe lăn. Hình hài của những đứa trẻ nạn nhân của chất độc màu da cam cả thế giới đều biết. Nỗi đau của những gia đình nạn nhân thứ chất độc khủng khiếp này cả thế giới cũng đã biết. Tôi cũng biết, nhưng lần nào cũng hết sức bất ngờ, bàng hoàng.
Người ta có thể quen đi cái đói, khát, cái nếp sống kham khổ, quen sự khắc nghiệt của thời tiết. Nhưng chắc chắn, người ta không thể quen được với nỗi đau tinh thần và thể xác do chất độc này gây ra.
Anh cán bộ địa phương nói: “Nhà này có 4 đứa con. Đứa đầu tiên không bị, bé gái 13 tuổi các anh vừa gặp đấy, xinh xắn, mạnh khỏe. Đứa thứ hai bị co quắp tay chân, từ lúc sinh ra đến giờ chưa bao giờ biết đứng. Đứa thứ ba bị to đầu chỉ có nằm, từ lúc sinh ra chưa bao giờ ngồi được. Đứa thứ tư lại không bị.
Cái thứ chất độc này giống như ma quỷ, biến hóa khôn lường. May mà có bà con lối xóm cưu mang giúp đỡ”. Báo Sài Gòn Giải Phóng và một số nhà hảo tâm khác đã tới đây, tặng mỗi gia đình nạn nhân chất độc da cam một con bò, góp phần hỗ trợ gia đình làm ăn sinh sống. Món quà ấy đã được thông tin cả nước biết.
Nhưng thông tin về những bát gạo, rổ khoai những khi đói kém, những người hàng xóm giúp gia đình chăm sóc tắm rửa cho những đứa trẻ tật nguyền vì chất độc da cam dường như vẫn còn rất ít. Cảnh chiều bớt đi u ám khi có những người hàng xóm sang chơi. Họ kể chuyện làm ăn, chuyện thời tiết và lại thay mặt chủ nhà cảm ơn các nhà hảo tâm, cảm ơn Báo Sài Gòn Giải Phóng đã không quản mưa nắng xa xôi tới nơi heo hút này trợ giúp những cuộc đời bất hạnh.
Tôi nhìn gần. Thấy lá xanh, bông tím của những cây mua già cằn. Tôi nhìn xa. Thấy khói lam chiều lan tỏa trên các mái nhà ở xóm nghèo bên đường 9.
Lại nhớ lời bàn luận của vị học giả xứ Quảng: “Cái gốc của sự sống là sự xúc cảm. Là người không thể vô cảm”.
* Vô cảm, là thứ gì vậy? Hồi này báo chí nói nhiều đến hiện tượng vô cảm của một số cán bộ công quyền. Sự thờ ơ trước nỗi vất vả, trước sự bất hạnh, trước những lo lắng của người sống bên ta chính là vô cảm.
Vô cảm với người, chắc chắn cũng vô cảm với mình. Vô cảm với mình chắc chắn sẽ dẫn đến khô héo đời sống tinh thần, cạn kiệt tri thức. Dẫu có phì nộn bề thế, cuộc sống vô cảm không khác gì cái máy nghiền trộn thức ăn, không hơn gì đời sống thực vật.
Những gia đình có trẻ em bị bệnh teo cơ Delta ở Thạch Hà, Hà Tĩnh bày tỏ trong nỗi xúc động: “Cám ơn các cán bộ tỉnh đã quan tâm, đã xót thương những đứa trẻ bị bệnh, mời gọi các bác sĩ, nhà hảo tâm đến giúp chúng tôi, mang lại tương lai cho bọn trẻ”.
Chị cán bộ của Ủy ban Dân số, bảo vệ bà mẹ và trẻ em tỉnh kể: “Hiện tượng có nhiều trẻ em bị bệnh teo cơ Delta khiến chúng tôi lo lắng. Không thể coi đây là nỗi bất hạnh cá biệt được. Thứ bệnh lạ này cần phải đưa thông tin cả nước và cả thế giới biết. Không thể để những đứa trẻ giống như con chim xệ cánh suốt đời không thể bay được”.
Người Hà Tĩnh gõ cửa nhà đài, nhà báo, nhà y, các nhà hảo tâm. Từ Hà Tĩnh, cả nước biết được có một thứ bệnh teo cơ Delta của trẻ, không chỉ ở Hà Tĩnh mà còn ở nhiều nơi khác nữa. Tấm lòng và tinh thần trách nhiệm của cán bộ tỉnh Hà Tĩnh đã nhận được sự cộng hưởng, chia sẻ của cả nước.
Bạn đọc báo SGGP chỉ biết chuyện qua những thông tin trên, báo đài cũng bày tỏ tấm lòng tương thân tương ái giúp đỡ một số tiền để trẻ được phẫu thuật chữa trị. Tôi về Hà Tĩnh, về nơi tạo nguồn cảm hứng để nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý ở tuổi 80 vẫn tràn đầy xúc cảm viết bản trường ca về 10 cô thanh niên xung phong hy sinh anh dũng ở ngã ba Đồng Lộc, về nơi cách đây hơn 30 năm tôi cùng đơn vị dừng chân 1 ngày trên đường đi B.
Những đứa trẻ quê nghèo thời nào cũng vậy. Cũng đen đúa, hiếu động và cười nói om xòm. Hơn 30 năm trước, đứa trẻ 12 tuổi học lớp 6 nói với tôi: - Lớn lên, em cũng đi bộ đội giống như các anh.
Bây giờ, cũng nơi xóm nghèo ấy, đứa trẻ 12 tuổi học lớp 6 bị bệnh “chim sệ cánh” nói niềm mong muốn: - Cháu muốn trở thành cầu thủ bóng đá giỏi như Ronaldo. Ngày mai, cháu được phẫu thuật, không còn sệ cánh nữa. Nhìn nụ cười tươi sáng hớn hở của cháu, tôi tin mơ ước của cháu sẽ thành hiện thực.
Học giả người xứ Quảng lại nói: Thêm một cái gốc cho sự sống là ước mơ. Quả thật cuộc sống sẽ không thể phát triển, không còn ý nghĩa gì nữa nếu không có những mơ ước.
Có những cơn mưa không chỉ là mưa. Tôi đã đi gần 4.000km theo mưa, theo gió, theo nắng, theo mây và theo câu hát dân gian thủa xa xưa: “Chuông chùa một tiếng chia đôi. Cho người ở lại, cho người đi xa. Chuông chùa một tiếng chia ba, cho người hoạn nạn, cho ta, cho mình…”.
TRẦN VĂN TUẤN