
Đó là vấn đề đặt ra tại buổi tọa đàm Chương trình “CEO trong thế giới phẳng” do Báo Người Lao Động và Viện Nghiên cứu kinh tế phát triển (ĐH Kinh tế TPHCM) tổ chức tại Hội trường Thống nhất sáng 1-10. Điều trăn trở chung của trên 500 CEO (chief excutive officer - giám đốc điều hành), lãnh đạo doanh nghiệp (DN), chuyên gia quản lý kinh tế, là làm thế nào để tạo dựng hình ảnh riêng của doanh nhân - CEO Việt Nam trên trường quốc tế?
CEO chuyên nghiệp: thiếu trầm trọng

Nếu ví von gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) giống như bước vào cuộc chơi ra biển lớn thì mỗi DN là một con tàu kinh tế và người điều hành nó giống như thuyền trưởng-người lái tàu.
“Để vượt qua sóng gió thử thách và cạnh tranh khốc liệt, đoàn tàu, thuyền của Việt Nam (VN) rất cần một đội ngũ thuyền trưởng dạn dày kinh nghiệm, có bản lĩnh, năng lực quản lý-điều hành và hiểu rõ luật chơi trong thế giới phẳng-thế giới của sự “kết nối”- Đó là nhận định của các chuyên gia về kinh tế.
Thế nhưng, nghịch lý mà chúng ta đang phải đối mặt là DN-”thuyền” tăng nhanh về số lượng nhưng thiếu người lèo lái chuyên nghiệp. Trong 5 năm tới, Chính phủ đặt ra mục tiêu cả nước cần có thêm 225.000 DN để đạt tới con số 500.000 DN vào năm 2010. Nếu chỉ tính mỗi DN cần có một CEO thì tìm ở đâu nguồn nhân sự quản lý cao cấp đáp ứng nhu cầu này? Nhìn vào con số DN sẽ ra đời trong thời gian tới mới thấy lỗ hổng thiếu trầm trọng CEO - đội ngũ quản lý điều hành DN chuyên nghiệp, đạt đẳng cấp khu vực và toàn cầu hóa.
Kết quả điều tra mới đây của Bộ KH-ĐT đối với 63.000 DN ở 36 tỉnh, TP càng thấy bức tranh về nguồn nhân lực quản trị cao cấp của các DN ảm đạm hơn. Đó là, chỉ có gần 3% chủ DN có trình độ thạc sĩ trở lên, trên 40% đại học, cao đẳng và 43,3% học vấn cấp 3 trở xuống. Điều đáng nói là ngay cả những chủ DN có trình độ học vấn từ cao đẳng, đại học trở lên thì có rất ít người được đào tạo bài bản về nghề CEO, kiến thức về kinh tế, quản trị DN theo tiêu chí toàn cầu hóa.
Trước yêu cầu phát triển của nền kinh tế và tốc độ ra đời DN vừa và nhỏ quá nhanh, đội ngũ CEO ở VN được hình thành từ nhiều nguồn khác nhau. Kết quả khảo sát trên 2.000 học viên - chủ DN tham gia các khóa đào tạo CEO của Viện Nghiên cứu kinh tế phát triển (NCKTPT) cho thấy, 15% CEO là những doanh nhân xuất thân từ gia đình truyền thống kinh doanh, 65% xuất thân từ cán bộ lãnh đạo, công chức khu vực DN nhà nước được đề bạt, bổ nhiệm thay vì có thành tích lãnh đạo, điều hành xuất sắc, còn lại là những nguồn khác và tự đào tạo là chính.
Từ thực tiễn đào tạo CEO, GS-TS Hồ Đức Hùng, Viện trưởng Viện NCKTPT đưa ra nhận định: Năng lực điều hành, kiến thức về quản trị DN của các CEO Việt Nam đa phần còn hạn chế, thiếu tính chuyên nghiệp hóa. Hay nói cách khác là giám đốc của VN cái gì cũng biết nhưng biết chưa sâu, chưa bài bản.
Tạo dựng CEO “made in VN”
Những năm gần đây, CEO ở VN được quan tâm hơn và được xem như một nghề thực thụ. Để bắt nhịp và hội nhập với nền kinh tế toàn cầu, nhiều doanh nhân đã chủ động trang bị kiến thức, hành trang về kinh tế, quản trị DN, luật pháp quốc tế... Mặc dù bước vào cuộc chơi “thế giới phẳng” - toàn cầu hóa chậm hơn các nước khác nhưng các doanh nhân, CEO của VN đều có ước mơ và khát khao cháy bỏng là tạo dựng nên hình ảnh, chân dung riêng biệt – “made in VN”. Vậy chân dung của một CEO mẫu của VN được phác họa như thế nào?
Theo GS-TS Hồ Đức Hùng, để chiến thắng “Người mẫu CEO” cần có bốn đặc trưng là có tầm nhìn, có hình ảnh, có phong cách, thích đổi mới. Một số ý kiến khác cho rằng CEO thành công đều thể hiện rõ đặc trưng có công xây dựng “văn hóa DN” và quan tâm đến các mối quan hệ cơ bản của văn hóa DN. Điều dễ nhận thấy ở CEO thành đạt là họ vừa có tài vừa có đức, có tầm nhìn xa, chọn được cách làm đúng, biết thu hút mọi nguồn lực (trọng dụng nhân tài) để thể hiện ý tưởng kinh doanh…
Theo GS Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Trường ĐH An Giang, trong thế giới phẳng đầy cạnh tranh hiện nay, việc nâng cao trình độ quản lý, điều hành DN đang trở thành quốc sách của nhiều nước. Vì thế, ngoài sự chủ động bồi dưỡng, trang bị kiến thức về quản trị DN theo chuẩn quốc tế của các lãnh đạo DN, CEO, nhà nước phải có chủ trương quyết liệt tài trợ cho DN, nhất là DN vừa và nhỏ trang bị kiến thức, kỹ năng quản lý kinh tế cao hơn và cập nhật với chuẩn quốc tế.
KHÁNH BÌNH