Bản quyền tác phẩm văn học nghệ thuật
Câu chuyện tranh cãi xung quanh chuyện bản nhạc của nhạc sĩ, ca sĩ trẻ Sơn Tùng - MTP đã một lần nữa cho thấy việc bảo vệ quyền tác giả, tác phẩm tại Việt Nam vẫn còn nhiều vấn đề, dù rằng chúng ta đã chính thức tham dự các công ước, hiệp định về bảo vệ bản quyền của thế giới đã hơn 10 năm.
Bối rối
Nếu có một danh sách các sự kiện văn hóa nghệ thuật tréo ngoe nhất của năm thì có lẽ vụ tranh cãi xung quanh bài hát Chắc ai đó sẽ về của Sơn Tùng - MTP sẽ nằm đầu bảng. Đầu tiên, sau khi bài hát trình diễn và tạo được sự chú ý của khán giả, nhất là khán giả trẻ, thì bắt đầu xuất hiện thông tin bài hát trên thực chất là sao chép từ một ca khúc của Hàn Quốc đã ra mắt trước đó. Các cơ quan truyền thông vào cuộc, dư luận một mặt cho rằng bài hát của Sơn Tùng chỉ là chịu ảnh hưởng của nhạc Hàn vốn đang rất phổ biến ở Việt Nam, phía khác thì lên án, khẳng định thực tế tác giả đã lấy tác phẩm của người khác, chuyển lời Việt và biến thành của mình, nói cách khác là đạo nhạc. Thậm chí, cả báo chí Hàn Quốc cũng vào cuộc phê phán Sơn Tùng - MTP. Để giải quyết sự việc một cách đúng luật, Cục Bản quyền đã đề nghị Hội Nhạc sĩ Việt Nam thành lập một hội đồng thẩm định chuyên môn với sự tham dự của các nhạc sĩ, các nhà lý luận âm nhạc nổi tiếng và hội đồng đã đi đến kết luận rằng bài hát của Sơn Tùng là đạo nhạc.
Sự việc tưởng chừng như đến đó là kết thúc, thì bất ngờ phía Hàn Quốc, mà ở đây là đại diện của chính tác giả bài hát gốc tiếng Hàn, lại tuyên bố ca khúc Việt Chắc ai đó sẽ về không đạo ca khúc Hàn. Bối rối trước kết luận này của chính phía tác giả, Cục Bản quyền đành ra một quyết định mang tính trung hòa khi không gọi ca khúc của Sơn Tùng là đạo nhạc nhưng vẫn yêu cầu phải thay đổi với lý do “chịu ảnh hưởng”.
Kết luận này của cục khiến rất nhiều người không phục. Bởi vì trong lĩnh vực bản quyền chỉ có phân biệt vi phạm hay không vi phạm, không có khái niệm kiểu “chịu ảnh hưởng”. Trên các diễn đàn trực tuyến, nhiều bạn đọc cho rằng nếu theo cách nói của cục thì rất nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật (VHNT) như trong điện ảnh có nhiều bộ phim “chịu ảnh hưởng” của Hàn Quốc, Trung Quốc, Mỹ; trong văn học “chịu ảnh hưởng” của Nhật, Trung Quốc, Pháp…
Tôn trọng hội đồng chuyên môn
Vậy vì sao có sự bối rối dẫn đến những rối loạn về khái niệm như vụ Sơn Tùng? Thực tế đây không phải là lần đầu tiên có sự rối loạn này, khi trong lĩnh vực văn học, điều này đã xảy ra không ít lần. Cách đây vài năm, tác phẩm văn học của một nhà văn trẻ bị tịch thu vì bị cho là dâm ô. Sau đó, để làm rõ lời cáo buộc này, một hội đồng chuyên môn lý luận phê bình gồm nhiều nhà văn, nhà phê bình nổi tiếng cả nước tham dự, và kết luận cuối cùng là cuốn sách không phải là một tác phẩm dâm ô. Thế nhưng, kết luận này của hội đồng không được cơ quan chức năng quan tâm, chú ý và hệ quả là cho đến nay, cuốn sách vẫn bị ngăn phát hành mà lý do thì kể cả tác giả cũng chẳng hiểu vì sao.
Quay lại với vụ việc của Sơn Tùng, việc thành lập hội đồng chuyên môn là hành động kịp thời và cần thiết trong bối cảnh dư luận hỗn loạn với đủ loại tranh luận, tranh cãi trái chiều. Kết luận của hội đồng với sự tham dự của các chuyên gia trong lĩnh vực không chỉ là cơ sở để cơ quan quản lý xử lý sự việc mà còn góp phần ổn định thông tin trong dư luận. Kết luận của hội đồng dựa trên trình độ chuyên môn của các thành viên và tuân theo những quy định mang tính luật pháp về bản quyền nên phải được xem là cơ sở quan trọng nhất để xem xét và xử lý sự việc.
Trong khi đó, các ý kiến khác chỉ có thể xem là mang tính tham khảo kể cả ý kiến của chính người bị hại. Các ý kiến này chịu ảnh hưởng bởi nhiều vấn đề như quan hệ xã hội, kinh tế… nên rất khó để làm chỗ dựa cho cơ quan chức năng xử lý sự việc. Trong trường hợp chính người bị hại cũng không truy cứu thì có thể xem là tình tiết giảm nhẹ quan trọng.
Chỗ dựa của sự chuyên nghiệp
Khi tác phẩm Mật mã Da Vinci của nhà văn Dan Brown nổi danh toàn thế giới, có hàng chục tác giả khác nhau đã thay phiên khởi kiện tác phẩm này đạo văn của họ. Ai cũng có cái lý của họ và tranh cãi nổ ra khắp văn đàn thế giới. Cuối cùng, tòa án dựa trên hội đồng thẩm định chuyên môn đã kết luận Dan Brown không đạo văn của ai. Và sau đó nếu ai muốn tiếp tục khởi kiện, tố cáo thì việc đầu tiên phải chứng minh các luận điểm của hội đồng là sai lầm hoặc có những chi tiết mới. Điều này đã giúp tác giả tránh khỏi rất nhiều các rắc rối, phiền toái và cả tốn kém để tập trung cho sáng tác.
Điều đó đã cho thấy vai trò của hội đồng chuyên môn đối với việc xây dựng một môi trường VHNT chuyên nghiệp. Khi vai trò của hội đồng chuyên môn không được đánh giá đúng, các quyết định dựa nhiều trên cảm tính sẽ gây khó khăn cho các tác giả, khiến các tác giả thiếu đi sự yên tâm trong sáng tác. Các sáng tác mới, các thay đổi, phá cách trong sáng tạo VHNT sẽ thiếu đi sự đánh giá mang tính học thuật, lý luận phê bình gây ra những xao động không đáng có trong dư luận xã hội, đặc biệt trong bối cảnh VHNT đang hòa nhập và phát triển mạnh mẽ như hiện nay.
Tường Vy