
Mỗi năm, ngay khi Sở GD-ĐT TPHCM công bố điểm chuẩn vào lớp 10, nhiều phụ huynh học sinh (PHHS) buồn rầu vì con không trúng tuyển trường nào. Trong khi đó, những trường hợp dư điểm lại tiếc nuối vì không mạnh dạn chọn ngôi trường mơ ước. Và những cuộc chạy trường bắt đầu…
Gian nan tìm trường

Vác bụng bầu hơn 6 tháng, chị Lan Anh, công tác tại Sở Y tế TPHCM lên Phòng tiếp dân Sở GD-ĐT trình bày hoàn cảnh: Cháu chị được 29,75 điểm, rớt hết cả 4 nguyện vọng (NV 1, 2: công lập, NV 3, 4: bán công hay công lập tự chủ tài chính) vào THPT Gia Định (NV 1, 3) và THPT Phan Đăng Lưu (NV 2, 4). Chị phân trần: “Nhà ở Bình Thạnh nên chọn trường gần nhà thuận tiện đưa đón. Mặt khác, hồi lớp 9 con tôi học khá lắm, đâu ngờ điểm thi chỉ được nhiêu đó”. Chị được tư vấn chọn trường ở vùng ven hay vào học trung tâm giáo dục thường xuyên. “Những trường có điểm chuẩn thấp thì xa quá, còn trường thiếu chỉ tiêu có thông báo công khai cho PHHS biết đâu?”, chị lo lắng.
Trong khi đó, anh Hoài Nam, công tác quận 3, lại tiếc hùi hụi. Con anh rớt nguyện vọng 1, 2 vào công lập Nguyễn Thị Minh Khai. Mặc dù trúng tuyển nguyện vọng 3 vào bán công THPT Nguyễn Du nhưng điểm chuẩn của con anh lại cao hơn điểm chuẩn công lập của trường.
Dư điểm trường này nhưng lại thiếu điểm ở trường đăng ký NV hay ấm ức vì điểm cao cũng rớt là tình cảnh chung của khá nhiều HS. Riêng đối với những em rớt hết 4 NV, những ngày qua, gia đình các em phải bỏ công ăn, việc làm, chạy khắp nơi tìm trường cho con.
Theo Sở GD-ĐT, các em vẫn còn cơ hội trúng tuyển vào lớp bán công (BC) hay trường công lập tự chủ tài chính qua việc xét tuyển ở giai đoạn 2 (bắt đầu từ ngày 14 đến 20-7-2006). Thực tế ở những năm trước, dù thiếu chỉ tiêu, song các trường vẫn ào ào “lên giá”, tuyển HS cao hơn mức điểm chuẩn của trường từ 4 điểm trở lên. Đối với những em xin chuyển trường, thủ tục nhiêu khê cũng ám ảnh nhiều PHHS. Việc chuyển trường, ngoài có giấy tờ minh chứng còn phải có sự đồng thuận của hiệu trưởng trường xin đi và hiệu trưởng trường xin đến.
Nhiều PHHS bức xúc: Trường xin đến đồng ý nhận bằng… miệng, nhưng ngại mất lòng trường con tôi trúng tuyển nên chưa ký vào đơn. Trường xin đi hứa giải quyết song lại đòi phải có chữ ký của trường xin đến. 2 trường đẩy qua đẩy lại, chỉ có PHHS là khốn khổ chạy tới chạy lui giữa 2 trường. Sao Sở GD-ĐT không ra quy định chi tiết, trường nào (trường xin đi hay trường xin đến) có trách nhiệm ký trước để PHHS đỡ vất vả?
Phụ huynh trở thành... thầy bói

Chính hiệu trưởng các trường không dám dự kiến mức điểm chuẩn của trường mình vào đầu mùa tuyển sinh. Khi điền 4 NV cho con, PHHS bỗng trở thành Khổng Minh Gia Cát Lượng. Và trái tim của họ đã đập loạn xạ theo điểm chuẩn “nhảy múa” lên xuống qua các năm.
Thử lấy mức điểm chuẩn dựa vào kết quả thi tốt nghiệp của Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền, trường có điểm chuẩn dẫn đầu trong 3 năm qua 2003 – 2004, 2004 – 2005, 2005-2006 làm mốc. Trong 3 năm, điểm chuẩn của trường lần lượt là 57 – 54,5 – 56. Như vậy, chênh lệch điểm qua mỗi năm không đáng kể.
Trong khi đó, ở Trường THPT Tân Phong quận 7, điểm chuẩn qua từng năm tăng cao chóng mặt: 30 - 39 và 42. Điểm chuẩn của Trường THPT Năng khiếu TDTT cũng biến động không kém: 35 - 43 - 48. Riêng điểm chuẩn vào từng trường cũng có nhiều bất hợp lý. Ở Trường THPT Ngô Gia Tự, điểm vào công lập và BC năm 2003 –2004 lấy bằng nhau (40 điểm). 117 HS phải ngậm ngùi vào BC chỉ vì ghi tên trường ở NV 3. Năm sau, điểm chuẩn BC của trường lại ngang bằng với điểm công lập ở năm học trước.
Và mới đây, trong năm học 2006 - 2007, hệ công lập Trường THPT Ngô Gia Tự lấy 21,75; bán công lấy 21 điểm. Lằn ranh giữa đóng tiền nhiều và đóng tiền ít chỉ cách nhau có 0,75 điểm, PHHS không tâm phục khẩu phục. Cũng trong năm học này, điểm công lập của THPT Phước Long chỉ hơn hệ bán công 0,25 điểm. Điều tương tự này cũng đã xảy ra ở khá nhiều trường như THPT Trường Chinh, THPT Thạnh Lộc…
Sau nhiều năm Sở GD-ĐT triển khai xét 4 NV vào lớp 10, sự phân hóa giữa các trường không hề rút ngắn lại như mong muốn của sở. Kết quả thi lớp 10 năm nay cho thấy chất lượng giáo dục giữa nội thành và ngoại thành của TPHCM ngày càng phân hóa sâu sắc. Những trường nội thành có điểm chuẩn cao nhất (bình quân mỗi môn HS đạt 8 điểm) như Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai có điểm chuẩn 40,75 điểm; Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền: 40,50 điểm; THPT thực hành ĐH Sư phạm: 40,25 điểm. Trong khi đó, 3 trường thấp nhất ở ngoại thành và vùng ven, điểm chuẩn bình quân mỗi môn đạt 2,8 điểm. Đó là chưa kể 14 trường ngoại thành, vùng ven khác cũng có điểm chuẩn rất thấp, từ 20-25 điểm.
Rõ ràng, phương án xét tuyển lớp 10 bằng 4 NV mang tính chất may rủi và không nâng cao chất lượng giáo dục đồng đều giữa các khu vực. Mặt khác, việc PHHS chọn trường trước khi biết kết quả tuyển sinh cũng làm phát sinh nhiều hệ lụy dở khóc, dở cười, đẩy PHHS vào tình cảnh chạy trường khốn đốn.
HỒNG LIÊN
Thông tin liên quan |