Điểm sáng nông nghiệp

Năm 2023, Việt Nam đã kiên cường vượt qua các “cơn gió ngược”, tạo ra điểm sáng trong bức tranh kinh tế, thương mại toàn cầu xám màu. Điểm sáng nổi bật nhất chính là thành tích của ngành nông nghiệp, thể hiện tốt vai trò trụ đỡ nền kinh tế với dấu ấn đậm nét từ các kỷ lục.

Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, tăng trưởng khu vực nông nghiệp vẫn đạt mức 3,83%. Đây là mức mức tăng cao nhất của ngành 10 năm qua. Trong khi kim ngạch xuất khẩu cả nước giảm 4,4%, thì nông nghiệp “trúng lớn” với tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản đạt hơn 53 tỷ USD, xuất siêu đạt mức kỷ lục hơn 12 tỷ USD, tăng 43,7%, chiếm trên 42,5% xuất siêu cả nước. Trong đó, có hơn 10 mặt hàng nông sản đạt kim ngạch xuất khẩu từ 1 tỷ USD trở lên.

Nhiều loại nông sản đang tạo ra bước chuyển mới từ lượng sang chất. Sản lượng, giá trị, giá bán và tốc độ tăng trưởng xuất khẩu gạo năm 2023 đạt mức kỷ lục sau 34 năm nước ta quay trở lại thị trường xuất khẩu gạo thế giới. Gạo Việt đã vượt qua gạo Thái, đang có giá bán cao nhất. Quyền thương lượng đã chuyển từ người mua gạo sang người bán khi ta đang nắm giữ nguồn cung quan trọng trong bối cảnh khan hiếm nguồn cung lương thực trên toàn cầu. Cùng với gạo lên đỉnh thế giới là cà phê Việt liên tục lập đỉnh giá và đạt kim ngạch xuất khẩu gần 4,2 tỷ USD. Trong lịch sử xuất khẩu hơn 30 năm qua, giá cà phê năm 2023 đã tăng cao chưa từng có.

Các mặt hàng nông sản xuất khẩu đã tạo ra 4 mảng màu sáng trong bức tranh xuất khẩu. Đó là: quy mô xuất khẩu không ngừng được mở rộng và tăng trưởng khá cao; cơ cấu hàng hóa xuất khẩu được cải thiện theo chiều hướng tích cực, giảm hàm lượng xuất khẩu thô, tăng xuất khẩu sản phẩm chế biến; hàng xuất khẩu tiếp tục được mở rộng về quy mô, đa dạng, phong phú về chủng loại, đã tận dụng tốt các cơ hội từ hội nhập kinh tế quốc tế, các hiệp định thương mại tự do (FTA); xuất khẩu nông sản đóng góp quan trọng, giúp giữ cán cân thương mại xuất siêu nhiều năm qua.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều nông sản, thủy sản gặp khó khăn, như cam sành, thanh long, tôm, cá tra... Khó khăn trong sản xuất, doanh nghiệp thiếu đơn hàng, thị trường tiêu thụ thu hẹp khiến nhiều nông sản xuất khẩu sụt giảm, hoặc tăng về sản lượng, nhưng giá trị kim ngạch xuất khẩu vẫn giảm so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu thủy sản giảm 17,5%; chè giảm 16,9% về lượng và 10,9% giá trị; xuất khẩu hạt tiêu tăng 16,6%, nhưng giảm 6% giá trị.

Bên cạnh các kết quả đạt được, hoạt động xuất khẩu nông sản vẫn đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức và hạn chế cần khắc phục để nâng cao giá trị, tăng sức cạnh tranh. Thách thức cạnh tranh trước tiên đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân. Trách nhiệm của cơ quan hoạch định cơ chế, chính sách, pháp luật, định ra quy chuẩn, tiêu chuẩn chất lượng để đáp ứng yêu cầu thị trường ngày càng lớn.

Năng lực cạnh tranh và hàm lượng đổi mới sáng tạo trong sản phẩm xuất khẩu nông sản chưa cao. Phát triển xuất khẩu chưa quan tâm đúng mức tới yếu tố bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng và bảo vệ môi trường của sản phẩm xuất khẩu hay quá trình sản xuất sản phẩm xuất khẩu. Một số mặt hàng nông sản trước rủi ro không được chấp nhận thâm nhập vào thị trường nước ngoài do chưa đáp ứng các quy định trong quá trình khai thác, đánh bắt, chế biến, sản xuất.

Để nâng cao giá trị nông sản, cần sự tiếp cận tổng thể, sự phối hợp đa ngành và giải quyết liên ngành để nông sản phát triển bền vững trong tương lai. Cần có chương trình, kế hoạch, lộ trình cụ thể để mở rộng mã số vùng và cơ sở đóng gói, bao bì đủ điều kiện. Huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho phát triển xuất khẩu, nâng cấp cơ sở hạ tầng kho vận, giảm chi phí logistics. Cần sớm hình thành các tổ hợp đủ mạnh để hỗ trợ, chủ động ứng phó, tạo ra giá trị tăng dựa trên khai thác hiệu quả các nguồn lực khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số.

Tin cùng chuyên mục