Điểm sáng trong công tác cán bộ tại TPHCM: Bài 1 - Từ công nhân trở thành lãnh đạo

Tính từ năm 2011 đến cuối năm 2017, toàn TP đã có 26 cán bộ được đề bạt, bổ nhiệm cấp trưởng, phó phòng, bí thư, chủ tịch UBND phường - xã - thị trấn… có xuất thân từ công nhân.
Nữ Phó Chủ tịch UBND xã Tân Phú Trung (huyện Củ Chi) Võ Thanh Diệu đang triển khai công việc
Nữ Phó Chủ tịch UBND xã Tân Phú Trung (huyện Củ Chi) Võ Thanh Diệu đang triển khai công việc
LTS: Trong di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”. TPHCM là một đô thị đặc biệt giữ vai trò đầu tàu kinh tế của đất nước nên lãnh đạo TP càng ý thức cao việc xây dựng đội ngũ cán bộ có bản lĩnh chính trị; có phẩm chất, năng lực, tận tâm, tận tụy với nhân dân. Cụ thể hóa mục tiêu trên, từ nhiều nhiệm kỳ qua, Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM đã chỉ đạo các cấp ủy, ngành, cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện có hiệu quả các vấn đề liên quan đến công tác cán bộ. Kết quả đạt được trong công tác cán bộ của TPHCM đã phần nào đáp ứng được yêu cầu hội nhập và phát triển của TP.
Triển khai Nghị quyết số 20 năm 2008 của Bộ Chính trị (về tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa), lãnh đạo Thành ủy TPHCM đã có nhiều sáng tạo trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo nhằm tạo nguồn quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý xuất thân từ công nhân. Đây cũng là chương trình được lãnh đạo Thành ủy TPHCM xác định mang tính đột phá trong việc tạo nguồn cán bộ trẻ cho TP. Tính từ năm 2011 đến cuối năm 2017, toàn TP đã có 26 cán bộ từ chương trình này được đề bạt, bổ nhiệm cấp trưởng, phó phòng, bí thư, chủ tịch UBND phường - xã - thị trấn…
Cơ duyên
Năm 2009, Võ Thanh Diệu (sinh năm 1986, ở huyện Củ Chi) là cán bộ công đoàn chuyên trách, được Ban Quản lý các khu Chế xuất và Công nghiệp TPHCM (Hepza) phân công phụ trách theo dõi các vấn đề về công đoàn tại một công ty có vốn đầu tư Hàn Quốc ở huyện Củ Chi. Thực hiện nhiệm vụ này, Diệu luôn chủ động nắm bắt tâm tư, tình cảm của công nhân nên đã tham mưu, đề xuất giải quyết kịp thời các mâu thuẫn, bức xúc của công nhân. Chính vì vậy, dù công ty này có hơn 3.000 công nhân nhưng các vấn đề về suất ăn, chuyện o ép làm thêm giờ… hầu như không xảy ra tại đây. Điều này góp phần đảm bảo công ty hoạt động ổn định và phát triển, từ đó thu nhập của công nhân cũng được cải thiện.
Năm 2011, lần đầu tiên Ban Tổ chức Thành ủy TPHCM trực tiếp đến các công ty có đông công nhân để lựa chọn các gương mặt ưu tú đưa vào chương trình quy hoạch tạo nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý xuất thân từ công nhân. Cùng tuyển chọn vào chương trình này còn có cán bộ kỹ thuật, cán bộ quản lý các phân xưởng, dây chuyền sản xuất; cán bộ ban chấp hành công đoàn, đoàn thanh niên. Ứng viên là công nhân, dưới 30 tuổi, tốt nghiệp đại học... Và nữ cán bộ Võ Thanh Diệu đã được tiến cử tham gia chương trình.
Cũng xuất thân từ công nhân, Dương Quang Trí (sinh năm 1983, ở quận Bình Tân) là chuyên viên phụ trách công nghệ thông tin, viễn thông của Điện lực Bình Phú (thuộc Tổng công ty Điện lực TPHCM). Trí làm việc tại đơn vị này từ năm 2008. Với những thành tích xuất sắc trong công việc, Trí được bình chọn là chiến sĩ thi đua cơ sở trong nhiều năm. Cũng từ các thành tích trong lao động, cuối năm 2012, Trí được giới thiệu tham gia chương trình tạo nguồn quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý xuất thân từ công nhân của Thành ủy TPHCM.
Tuy vậy, khi được chọn tham gia chương trình, ban đầu Diệu và Trí cũng như các bạn trẻ khác đều có những băn khoăn, lo ngại riêng. Họ có lẫn một chút tự ti về xuất thân với nỗi lo lớn về trình độ chuyên môn liệu có đáp ứng với công việc hoàn toàn mới này? Nhưng qua sự động viên và chia sẻ của lãnh đạo công ty, của đồng nghiệp, người thân, các bạn đã đăng ký tham gia chương trình và vượt qua cuộc phỏng vấn xét tuyển để bắt đầu cuộc hành trình mới…
Phấn đấu và cống hiến
Sau khi vượt qua kỳ phỏng vấn sát hạch, Diệu và Trí cũng như những trường hợp khác được cử đi học lý luận chính trị, tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ cơ bản về kiến thức quản lý nhà nước, công tác Đảng. Như trường hợp của Võ Thanh Diệu, sau khi hoàn thành các khóa đào tạo, Diệu bày tỏ nguyện vọng được về địa phương cống hiến. Tháng 9-2012, Diệu được phân công về công tác tại Văn phòng Huyện ủy huyện Củ Chi. Dù là “lính mới” nhưng Diệu nhanh chóng tiếp cận, nắm bắt vấn đề và có các tham mưu, đề xuất chuẩn xác, được lãnh đạo huyện đánh giá cao. Do đó, cuối năm 2012, Diệu được điều động, phân công về giữ chức Phó Chủ tịch UBND xã Tân Phú Trung, phụ trách lĩnh vực kinh tế - hành chính. Hai năm sau, Diệu được phân công thêm lĩnh vực đất đai, quản lý đô thị.
Xã Tân Phú Trung có diện tích khá rộng, cũng là địa bàn phức tạp về lĩnh vực đất đai, quản lý đô thị khi giáp ranh với huyện Hóc Môn và tỉnh Long An. Tuy nhiên, bằng sự kiên quyết, nhiều trường hợp vi phạm trật tự đã được Diệu tham mưu, đề xuất với Đảng ủy - UBND xã chỉ đạo và ra quyết định cưỡng chế. Chính sự nghiêm minh trong điều hành này nên tình trạng vi phạm trật tự về xây dựng, đô thị ở xã Tân Phú Trung đã được chấn chỉnh đáng kể. Với sự nhiệt huyết, trăn trở của tuổi trẻ, Diệu cũng chỉ đạo cán bộ khi giải quyết các vấn đề trong lĩnh vực phải luôn niềm nở với dân. Cách làm này đã góp phần thay đổi cái nhìn của người dân đối với cán bộ xã nên được Huyện ủy, UBND huyện ghi nhận, đánh giá cao. “Bên cạnh sự tập trung cho công việc, tôi cũng phải tự đào tạo, nâng cao năng lực chuyên môn. Tôi đã hoàn tất chương trình học thạc sĩ và đang chờ nhận bằng”, Diệu hồ hởi cho biết. Với Diệu cũng như các cán bộ khác, chương trình này của Thành ủy đã phần nào làm thay đổi suy nghĩ của một số người khi cho rằng “công nhân chỉ biết máy móc, làm việc tay chân”!
Trong khi đó, năm 2014, Dương Quang Trí được phân công về Ban Tổ chức Quận ủy quận 6. Mặc dù được bồi dưỡng nghiệp vụ công tác tổ chức, đào tạo lý luận chính trị nhưng ở công việc, môi trường mới hoàn toàn, thời gian đầu Trí cũng gặp nhiều khó khăn. Nhưng điều đó lại càng thôi thúc Trí quyết tâm tự trang bị, nâng cao trình độ chuyên môn và phấn đấu hơn nữa để đáp ứng tốt yêu cầu của  công việc. Hiện nay Trí đang học năm 4 cử nhân Luật hệ văn bằng 2.
Một trong những thành tích tiêu biểu của Trí cùng đồng nghiệp trong Ban Tổ chức Quận ủy quận 6 là tham mưu quận ủy về công tác tổ chức xây dựng đảng. Trong đó, Trí nhiều lần đề xuất các giải pháp, cách làm hay để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, vượt chỉ tiêu trước hạn trong công tác giới thiệu cán bộ thuộc 3 chương trình của Thành ủy TPHCM. Kết quả này đã đóng góp vào thành tích chung của quận, được Ban Tổ chức Thành ủy TPHCM ghi nhận, đánh giá là một trong những địa phương thực hiện tốt công tác đào tạo, quy hoạch; đặc biệt là công tác giới thiệu và tiếp nhận cán bộ thuộc 3 chương trình. Luôn đạt hiệu quả cao trong công việc nên cuối năm 2016, Trí được bổ nhiệm giữ chức Phó ban Tổ chức Quận ủy quận 6.
Theo Ban Tổ chức Thành ủy, thực hiện Nghị quyết 20-NQ/TW (năm 2008) về tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM đã xây dựng chương trình quy hoạch tạo nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý xuất thân từ công nhân. Đến nay, TPHCM tuyển chọn khoảng 135 cán bộ, gồm hơn 50 sinh viên và còn lại là công nhân. Các trường hợp này được đào tạo, bồi dưỡng về công tác quản lý hành chính nhà nước, lý luận chính trị; các kỹ năng, nghiệp vụ về công tác Đảng, quản lý nhà nước… rồi bố trí về các phường - xã - thị trấn, phòng ban của quận - huyện, sở - ngành. Tính đến cuối năm 2017, có 26 trường hợp được đề bạt, bổ nhiệm trưởng, phó phòng, bí thư, chủ tịch UBND các phường - xã - thị trấn.
Cũng theo đánh giá của Ban Tổ chức Thành ủy TPHCM, chương trình quy hoạch tạo nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý từ công nhân ngày càng đi vào chiều sâu. Dù số lượng cán bộ trẻ là công nhân trong chương trình còn ít, song kết quả đạt được đã tạo sự chuyển biến tích cực, góp phần xây dựng nguồn cán bộ có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt.
  18 cán bộ xuất thân từ công nhân vào nguồn quy hoạch Thành ủy viên
Thực hiện chương trình tạo nguồn quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý xuất thân từ công nhân, Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động TPHCM (LĐLĐ TP) đã xây dựng kế hoạch triển khai đến công đoàn cấp trên trực tiếp và công đoàn cơ sở trực thuộc.
Hiện nay, LĐLĐ TP có 4 cán bộ từ chương trình tạo nguồn quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý xuất thân từ công nhân, được bố trí làm cán bộ chuyên trách công đoàn cấp trên cơ sở. Trong số này, có 3 cán bộ giữ các vị trí chủ chốt tại LĐLĐ quận - huyện. Ngoài ra, Đảng đoàn LĐLĐ TP cũng rà soát và giới thiệu 18 cán bộ xuất thân từ công nhân vào nguồn quy hoạch Thành ủy viên nhiệm kỳ 2020-2025 và các nhiệm kỳ tiếp theo.
        Báo SGGP tham gia giới thiệu nguồn công nhân xuất sắc
18 năm qua, Báo SGGP đã phối hợp LĐLĐ TP tổ chức Giải thưởng Tôn Đức Thắng - giải thưởng cấp TP. Qua đó đã tôn vinh 180 cá nhân có nhiều sáng kiến hay, thiết thực trong lao động sản xuất. Nhiều cá nhân, từ giải thưởng danh giá trên đã tiếp tục được bồi dưỡng phát triển, được bổ nhiệm vào các vị trí cán bộ chủ chốt tại đơn vị. Họ còn thể hiện tốt vai trò của người thợ cả, dẫn dắt phong trào lao động giỏi, sáng tạo trong đơn vị. Ngoài ra, giải thưởng còn làm rõ hơn chủ trương đúng đắn của Đảng, chương trình hành động của Thành ủy TPHCM trong việc xây dựng giai cấp công nhân TPHCM trong thời kỳ mới. 
                                                                                                              THÁI PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục