
“Nhập khẩu trong 3 tháng đầu năm 2008 đã chiếm 30% GDP (với kim ngạch trên 20,5 tỷ USD) là một con số “nguy hiểm” vì nó phá vỡ ổn định kinh tế vĩ mô” – nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển, thành viên Hội đồng chính sách tiền tệ quốc gia đã nhấn mạnh như vậy tại Diễn đàn xúc tiến xuất khẩu 2008 do Bộ Công thương tổ chức tại Hà Nội,ngày 10-4. Để giảm nhập siêu, biện pháp số 1 được các nhà hoạch định chính sách, các nhà quản lý và nghiên cứu chỉ ra,đó là đẩy mạnh xuất khẩu.
“Gót chân Achile” của xuất khẩu

Bằng kinh nghiệm nhiều năm điều hành hoạt động xuất khẩu, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển nhấn mạnh: Muốn phát triển xuất khẩu cần có 4 yếu tố: hàng hóa (tức cơ cấu xuất khẩu), cơ chế xuất khẩu, xúc tiến thương mại và cơ chế tỷ giá. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, vấn đề lớn nhất và cũng là “gót chân Achile” của xuất khẩu chính là cơ cấu xuất khẩu và khâu xúc tiến thương mại.
“Có thể nói, vấn đề khúc mắc nhất hiện nay, cơ cấu xuất khẩu rất lạc hậu chứ không phải cơ chế xuất khẩu, qua nhiều năm vẫn không thay đổi. Cơ cấu xuất khẩu này giống Thái Lan cách đây 20 năm” – ông Trương Đình Tuyển nói.
Ông Thái Doãn Tửu, Phó Vụ trưởng Vụ Thương mại và dịch vụ (Bộ Kế hoạch – Đầu tư) phân tích thêm: Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu vẫn là mặt hàng thô và sơ chế, nhất là nông sản, tỷ lệ chế biến sâu thấp, trên 60% giá trị kim ngạch là mặt hàng xuất khẩu ở dạng thô, giá trị gia tăng thấp. Hàng công nghiệp thì có tỷ lệ gia công cao (nhất là may mặc và giày dép), tính cạnh tranh thấp vì chất lượng, mẫu mã, giá đầu vào cao, chi phí cho xuất khẩu lớn, đặc biệt là trong việc thu gom hàng hóa cũng như tiêu cực phí ở các khâu vận tải và thủ tục hải quan…
Thừa nhận việc thay đổi cơ cấu xuất khẩu không thể làm ngay được nhưng nguyên Bộ trưởng Trương Đình Tuyển cũng đề xuất: Bộ Công thương – với tư cách vừa quản lý sản xuất vừa điều hành thương mại phải xây dựng một chiến lược phát triển công nghiệp phụ trợ. Đồng thời, lựa chọn những mặt hàng có kim ngạch lớn, tốc độ tăng trưởng cao trong những năm gần đây để tập trung mở rộng sản xuất, xúc tiến thương mại.
Thực tế cho thấy những mặt hàng có tốc độ tăng trưởng cao liên tiếp trong những năm gần đây (như dây điện và cáp điện, đồ nhựa…) chứng tỏ có khả năng cạnh tranh và dung lượng thị trường thế giới vẫn còn lớn.
Tuy nhiên, về công tác xúc tiến thương mại (XTTM), nguyên Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển bày tỏ bức xúc: “Chưa bao giờ tôi hài lòng về công tác XTTM mà chúng ta đang làm, thậm chí cũng không hiểu nó đem lại hiệu quả gì? Chúng ta cứ đưa doanh nghiệp ra nước ngoài khảo sát nhưng không có sự chuẩn bị kỹ càng, chưa định hướng được đối tượng hợp tác.
Ngay cả những đoàn doanh nghiệp tháp tùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước cũng vậy. Hầu hết các biên bản ghi nhớ có giá trị hàng tỷ USD đều được “dàn dựng” từ trước cho hoành tráng chứ tôi cũng không tin những biên bản ấy thành hiện thực” – ông Tuyển nói.
Điều chỉnh hạn mức tín dụng và danh mục hàng hóa được vay vốn
Ở khía cạnh khác, các chính sách tài chính, tiền tệ được xem là nhóm đòn bẩy khuyến khích xuất khẩu. Ông Thái Doãn Tửu cho biết: Hiện Chính phủ đang thực hiện hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu bằng biện pháp cho vay xuất khẩu, bảo lãnh tín dụng xuất khẩu, bảo lãnh dự thầu và bảo lãnh thực hiện hợp đồng xuất khẩu. Tuy nhiên, do có sự biến động về giá cả nên hạn mức tín dụng cho xuất khẩu cần được điều chỉnh cũng như danh mục hàng hóa được vay vốn cũng cần được điều chỉnh theo hướng mở rộng hơn.
Bên cạnh đó, tỷ giá và lãi suất có tác động rất quan trọng tới xuất khẩu. Trưởng phòng Chiến lược phát triển (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) Doãn Hữu Tuệ phân tích:• Vấn đề đặt ra là cần có sự điều tiết tỷ giá để vừa thu hút đầu tư nước ngoài, vừa khuyến khích xuất khẩu. Và đây là bài toán khá hóc búa.
Từ đầu năm 2008, Chính phủ bắt đầu thực hiện biện pháp thắt chặt tiền tệ nên tất yếu doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc huy động vốn cho sản xuất kinh doanh và xuất khẩu. Thời gian vừa qua, lãi suất ngân hàng tăng cao cùng với giá nguyên vật liệu và nhân công tăng cao đã tạo ra tình trạng bất lợi cho doanh nghiệp và khiến họ rơi vào tình thế “càng xuất càng lỗ”.
Thực tế này đòi hỏi chính sách tiền tệ phải hết sức linh hoạt, nhanh nhẹn hơn. Ví dụ, khi lạm phát giảm thì phải giảm lãi suất, còn khi tỷ giá hối đoái biến động theo hướng có lợi cho doanh nghiệp thì có thể xem xét nới lỏng tỷ giá ở mức chấp nhận được.
Trong dự kiến năm 2008, kim ngạch xuất khẩu tăng 22% so với năm 2007, đạt khoảng 58,6 tỷ USD, tăng khoảng 10 tỷ USD so với 2007. Tuy nhiên, trong bối cảnh lãi suất đang biến động bất lợi cho xuất khẩu (dù gần đây đã điều chỉnh) thì các doanh nghiệp nên tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả xúc tiến, đầu tư, đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng đề án xuất khẩu cụ thể cho từng ngành hàng… - ông Doãn Hữu Tuệ đề nghị
ĐINH LAN