Công nghệ giao dịch trực tuyến mới

Điện tử hóa công ty chứng khoán

Điện tử hóa công ty chứng khoán

Từ hôm nay 12-1, Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM chính thức áp dụng phương thức giao dịch trực tuyến (front-office) mới. Phương thức này thay đổi hoàn toàn trình độ công nghệ về đặt lệnh của thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam và hứa hẹn làm thay đổi chiến lược của nhiều công ty chứng khoán (CTCK), trong đó có khả năng ra đời những CTCK điện tử hóa 100%.

Công nghệ mới: giao dịch không sàn

Sau hơn 1 năm tiến hành triển khai thí điểm, kiểm tra trình độ công nghệ và khả năng kết nối giữa các CTCK và Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HOSE), từ tuần này, HOSE chính thức áp dụng phương thức giao dịch trực tuyến (không sàn). Đây là một quy trình tự động hóa quá trình nhận lệnh, xử lý và xác nhận giao dịch của nhà đầu tư. Giao dịch trực tuyến về nguyên tắc sẽ giúp tăng cường tính thanh khoản của thị trường, công bằng và minh bạch trong hoạt động giao dịch.

Điện tử hóa công ty chứng khoán ảnh 1

Sắp tới, nhà đầu tư có thể tự nhập lệnh thẳng vào Sở GDCK TPHCM. Ảnh: Cát Trí

Được biết, cách giao dịch “thủ công” hiện nay là một quy trình rườm rà khi nhà đầu tư phải đặt lệnh đến cho nhân viên môi giới của CTCK (bằng cách đặt lệnh trực tiếp, SMS, điện thoại hoặc internet).

Nhân viên môi giới kiểm tra lệnh vào hệ thống của CTCK (đảm bảo đủ số dư tiền, chứng khoán), sau đó mới “đọc” lệnh vào đại diện sàn của CTCK ngồi tại HOSE. Đại diện sàn này nhập lệnh tiếp vào hệ thống máy chủ của HOSE và lệnh đến đây mới xem như được thực thi.

Toàn bộ quy trình này theo HOSE cho biết, tốn ít nhất 8-10 giây mỗi lệnh nếu không gặp trở ngại và rất dễ sai sót do có đến 2 lần tham gia thủ công của nhân viên môi giới và đại diện sàn.

Chưa kể, do lượng máy của HOSE có hạn nên mỗi CTCK chỉ được “cấp chỗ” cho vài đại diện sàn và khi TTCK sốt nóng, có nhiều lệnh đã xảy ra những tình huống dở khóc dở cười. Như CTCK Sài Gòn (SSI) từng không mở tài khoản cho nhà đầu tư mới có ít tiền hơn 100 triệu đồng, CTCK Vietcombank (VCBS) hạn chế lệnh đặt qua internet khiến nhiều nhà đầu tư nhỏ mua được cổ phiếu nhưng không thể bán, đã phải lặn lội lên CTCK để bán… vài chục cổ phiếu.

Trong khi đó, với cách giao dịch mới, vai trò của nhân viên môi giới và đại diện sàn được “nhập” lại làm một hoặc loại bỏ hẳn. Cụ thể, nhà đầu tư đặt lệnh đến nhân viên môi giới của CTCK, nhân viên này sau khi kiểm tra tính hợp lệ của lệnh và xác nhận thì lệnh được chuyển thẳng vào hệ thống của HOSE. Ngoài tăng khối lượng lệnh, quy trình này cũng nhanh hơn hẳn cách cũ khi ước tính chỉ mất 2-3 giây.

Đáng chú ý hơn, những CTCK lớn, hoặc chú trọng đầu tư công nghệ có thể tạo lập một phần mềm thay thế hẳn vai trò của nhân viên môi giới. Nhà đầu tư có thể đặt lệnh từ xa bằng phần mềm do CTCK cung cấp và phần mềm tự kiểm tra số dư tiền, chứng khoán trước khi đưa thẳng lệnh vào hệ thống HOSE. Mô hình này sẽ loại bỏ hoàn toàn khái niệm “sàn” và với đường truyền cung cấp cho mỗi CTCK khoảng 2Gb, tốc độ đặt lệnh lý thuyết có thể đạt 122 lệnh mỗi giây, gấp 1.000 lần hiện nay.

Minh bạch, cạnh tranh

Điện tử hóa công ty chứng khoán ảnh 2

Khi áp dụng công nghệ giao dịch trực tuyến mới, đại diện các công ty chứng khoán sẽ không cần đến Sở Giao dịch Chứng khoán nhập lệnh như trong ảnh. Ảnh: CÁT TRÍ

Ông Lê Hải Trà, Ủy viên Thường trực HĐQT của HOSE đánh giá: “Công nghệ mới này là một sự lựa chọn thay đổi cho CTCK, cho nhà đầu tư để phục vụ tốt hơn cho thị trường. Sắp tới có thể có CTCK thay đổi chiến lược hoạt động và xuất hiện những CTCK điện tử hóa 100%.

Những CTCK này có thể không có sàn giao dịch, không bảng điện, cho mở tài khoản qua internet, đặt lệnh qua internet, trả kết quả giao dịch về qua internet… Điều này có thể giúp CTCK tiết kiệm chi phí thuê sàn, lương nhân viên từ đó giảm phí môi giới và cạnh tranh mạnh dựa hoàn toàn vào hệ thống trực tuyến. Đây chính là mô hình đã xuất hiện tại các TTCK phát triển và sự cạnh tranh này có lợi cho cả CTCK và nhà đầu tư”.

Những CTCK duy trì sàn giao dịch và không muốn điện tử hóa hoàn toàn có thể chọn mua phần mềm của FPT với chi phí hơn 1 tỷ đồng hoặc tự viết phần mềm mới phù hợp với chiến lược riêng. Các phần mềm này chỉ cho nhân viên môi giới kiểm tra, xác nhận lệnh, không thay đổi được thứ tự lệnh đặt (không thể ưu tiên lệnh). Một nhân viên môi giới của CTCK Đà Nẵng (DNSC) nhận định: “Lúc này, mỗi nhân viên môi giới chính là một đại diện sàn của CTCK, và như vậy CTCK có thể có hàng chục hoặc hàng trăm đại diện sàn nhập lệnh cùng lúc.

Do đó, tốc độ đặt lệnh vẫn có thể lên đến hàng trăm lệnh mỗi giây”. Ông Nguyễn Văn Thiện – Tổng Giám đốc CTCK Beta (BSI) đánh giá: “Với kết nối trực tuyến, lệnh mua và bán chứng khoán của nhà đầu tư được truyền đến hệ thống giao dịch của HOSE một cách tự động, đảm bảo tính nhanh chóng, chính xác, an toàn và minh bạch trong quá trình nhập lệnh”.

Trong khi đó, vẫn có hàng chục CTCK chưa áp dụng giao dịch không sàn duy trì phương thức cũ và không ảnh hưởng đến nhà đầu tư. “HOSE sẽ duy trì song song cả phương thức đặt lệnh qua sàn và không sàn. Nhà đầu tư có thể lựa chọn CTCK công nghệ tốt, đặt lệnh không sàn, hoặc nếu không thích nghi với công nghệ cao, thích đến sàn để bàn luận thì sẽ đến những CTCK đặt lệnh qua sàn”, ông Lê Hải Trà cho biết.

Được biết, 71 CTCK đã được HOSE chấp thuận cho giao dịch trực tuyến (không sàn) nhưng có 2 CTCK xin hoãn nên sẽ có 69 CTCK áp dụng công nghệ mới này với hy vọng lôi kéo nhà đầu tư trở lại TTCK. Nhiều CTCK đang “ngoi ngóp” với chi phí “cứng” vài tỷ đồng/tháng trong tình hình TTCK vắng khách có thể chuyển qua mô hình điện tử hóa, giảm chi phí mặt bằng, nhân sự. Nhà đầu tư ngoài việc được lợi về tốc độ đặt lệnh còn được bảo đảm sự minh bạch, an toàn và có thể chờ đợi thế hệ CTCK điện tử ra đời giúp cạnh tranh giảm phí.

TƯỜNG CHÂU

Tin cùng chuyên mục