Diễn viên Việt Nam góp mặt trong các phim quốc tế - Khi nào?

Diễn viên Việt Nam góp mặt trong các phim quốc tế - Khi nào?

(SGGP-12G).- Lúc bi quan, lúc lạc quan... tếu, lúc lại ngộ nhận về bản thân... Điện ảnh Việt Nam vẫn đang tìm “chỗ” của mình?

Trông người mà ngẫm...

Xin có vài suy nghĩ nhỏ về ba khâu “bề nổi” được cho là quan trọng nhất trong quá trình làm một bộ phim là kịch bản, đạo diễn và diễn viên. Tạm dùng phương pháp “tiệm cận” để đến dần vị trí đúng. Lấy hành trình trở nên nổi tiếng của đạo diễn Trương Nghệ Mưu, của ngôi sao Củng Lợi (Trung Quốc) để xem xét, hoặc tìm cách giải thích vì sao đạo diễn Ngô Vũ Sâm dám mạnh tay chi 80 triệu USD của các nhà đầu tư để làm Xích Bích.

Diễn viên Quốc Khánh và Trương Ngọc Ánh trong bộ phim Áo lụa Hà Đông

Diễn viên Quốc Khánh và Trương Ngọc Ánh trong bộ phim Áo lụa Hà Đông

Điện ảnh Việt Nam có hội đủ điều kiện để làm được những bộ phim như Cao lương đỏ, Thu Cúc đi kiện, Phải sống, Đường về nhà… của đạo diễn Trương hay không? Chẳng phải là người am hiểu chuyên môn lắm cũng có thể khẳng định là “đủ”. Điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim như vậy, nghĩa là có những đạo diễn “tố chất Trương Nghệ Mưu”.

Điện ảnh Việt Nam có tìm được một diễn viên tạm gọi là “Tiểu Củng Lợi” như ông Trương có mắt tinh đời đã tìm ra một Chương Tử Di? Có thể đoan chắc, nếu cất công tìm sẽ thấy.

Ở Việt Nam, ai cũng trở thành diễn viên được, miễn là có chút sắc đẹp, vậy xin hãy chỉ cho hay, ai trong số họ có tố chất của một “Tiểu Củng Lợi”? Và người ta đã làm gì – nhất là bản thân cô ấy đã làm gì – để cô trở thành một Củng Lợi? (Chương Tử Di hầu như chỉ cần một phim Đường về nhà của Trương Nghệ Mưu để chứng tỏ năng lực diễn xuất).

Diễn viên Việt Nam góp mặt trong các phim quốc tế - Khi nào? ảnh 2

Diễn viên Hồng Ánh

Đạo diễn họ Ngô dám làm phim 80 triệu USD vì ông tin chắc Xích Bích sẽ ăn khách. Nhưng lúc đầu điều này không hiển nhiên như vậy.

Khi dự án làm phim được công bố, ông cũng tỏ ý lo ngại rằng khán giả Trung Quốc và Đông Á đã thuộc nằm lòng câu chuyện của La Quán Trung, vì thế nếu phim làm không khéo thì thất bại là cái chắc. Một trong những vấn đề mấu chốt ở đây là khâu kịch bản, chuyển truyện thành phim.

Dường như ai cũng có thể viết kịch bản phim được (như thế không thể nói Việt Nam thiếu người viết kịch bản). Nhưng có vẻ như giới kịch tác gia bây giờ đang dồn sức viết kịch bản phim truyền hình, vậy thì đâu có gì phải áy náy khi không có những bộ phim như của Ngô Vũ Sâm, Trương Nghệ Mưu (các ông này hình như không phải bận tâm làm phim nhiều tập cho các hãng quảng cáo mua sóng truyền hình).

Trương Nghệ Mưu đã đi từ những bộ phim kinh phí gần bằng không tới những siêu phẩm lẫy lừng thế giới. Nếu không có Cao lương đỏ, không có Đường về nhà, liệu có thể có ngay một Anh hùng, một Thập diện mai phục? Phim ông từng chỉ thu về vài triệu NDT là đã mừng lắm rồi, đâu dám mơ tới vài trăm triệu NDT như bây giờ (ông còn “xé rào” chuyển sang làm phim thương mại). Nếu ông không chứng tỏ mình có năng lực, có thể thành công, ai dám đầu tư tiền triệu cho ông làm “siêu phẩm”?

Lên tàu ở ga nào?

Vậy điện ảnh Việt Nam sẽ làm những Cao lương đỏ, những Thu Cúc đi kiện để bắt đầu (từ đầu) hay sẽ làm những siêu phẩm hoành tráng nhờ kỹ thuật làm phim tân tiến nhất như Xích Bích? Trong điện ảnh, có “đi tắt, đón đầu” được không? Các nhà chuyên môn hẳn có thể trả lời câu hỏi này.

Diễn viên Việt Nam góp mặt trong các phim quốc tế - Khi nào? ảnh 3
Chương Tử Di

Nếu Củng Lợi thành danh từ những vai diễn không thể bình dị hơn (không nhất thiết phải đẹp vì đôi khi cô còn bị làm cho xấu đi), trong những bộ phim với kinh phí không thể khiêm tốn hơn của Trương Nghệ Mưu, thì Chương Tử Di lại trở thành sao Hollywood qua những bộ phim được quảng cáo toàn cầu như Rush Hour, Ngọa Hổ Tàng Long, Anh hùng, Thập diện mai phục...

“Chương Tử Di” tương lai của Việt Nam đang ở đâu? Liệu có thể tạo nên những “Chương Tử Di” Việt Nam với ngân sách quảng cáo triệu đô như thế? Hay trước hết hãy tạm bằng lòng với những “Tiểu Củng Lợi” mà về diễn xuất, mấy ai dám nói Chương Tử Di qua được Củng Lợi?

Điều làm tác giả bài này “tủi thân” nhất là trong khi các đạo diễn Hoa ngữ đôn đáo đi tìm các diễn viên Hàn Quốc, Nhật Bản để đưa vào phim của họ, còn Việt Nam ở ngay bên cạnh, với thị trường 80 triệu dân, 70% dưới 30 tuổi – nhóm khán giả “vàng” – đến nay vẫn chưa có gương mặt nào xuất hiện trong phim Hoa ngữ.

Tại sao cứ phải “phấn đấu” làm phim có “trình độ Hollywood” (nói tới Hollywood nghĩa là nói tới thương mại) trong khi văn hóa Việt Nam và văn hóa Á Đông gần gũi nhau, cùng làm phim có lẽ bớt khó khăn hơn, trong khi cơ hội phát triển không hề kém.

Năm nay, nhân dịp 60 năm Quốc khánh Trung Quốc, các dự án làm phim ở nước này đua nở, với 1949 của Ngô Vũ Sâm, Kim lăng thập tam hoa của Trương Nghệ Mưu, Phong thanh của Hãng Hoa Nghị Huynh Đệ... Châu Á là tương lai của điện ảnh thế giới. Điện ảnh Hoa ngữ sẽ là Hollywood Đông Á.

Sớm hay muộn, các tập đoàn kinh doanh điện ảnh quốc tế cũng sẽ không thể bỏ qua Việt Nam. Chẳng dám nói to tát là cạnh tranh với họ ngay trên sân nhà, chỉ muốn hỏi rằng điện ảnh Việt Nam đang chuẩn bị gì để có thể đón tiếp họ, làm đối tác của họ, góp mặt trong phim họ, cùng kinh doanh với họ, thậm chí… làm công cho họ?

Phải chăng nên bắt đầu từ việc đơn giản nhất. Song Hye Kyo đang ráo riết học tiếng Anh và tiếng Hoa để đảm nhận vai chính trong siêu phẩm 1949 của đạo diễn Ngô Vũ Sâm.

Nữ diễn viên Việt Nam nào, đã thành danh trên quê hương mình, đang ráo riết học tiếng Hoa, tiếng Hàn, tiếng Nhật? Nếu có thì hy vọng thấy họ xuất hiện trong các bộ phim quốc tế bên cạnh các đồng nghiệp láng giềng sẽ không phải là điều gì quá viển vông.

NGỌC HÀ

Tin cùng chuyên mục