Đô thị hóa là động lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội

Ngày 18-5, Thường trực Ban Bí thư triệu tập Hội nghị quán triệt và triển khai Nghị quyết số 06-NQ/TW về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045 (gọi tắt là NQ06). Đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, chủ trì hội nghị.

Khắc phục bất cập trong quản lý đô thị

Tại hội nghị, những bất cập trong quản lý đô thị đã được nêu rõ, trong đó nổi bật là sự đô thị hóa không đồng đều giữa các vùng miền, tỷ lệ đô thị hóa chưa đạt mục tiêu đề ra, thậm chí còn thấp hơn nhiều so với mức trung bình của các nước trong khu vực. Bên cạnh đó, đô thị hóa chịu ảnh hưởng nhiều của ý chí chủ quan, quyết định hành chính, phát triển theo chiều rộng. Hiện ở nhiều địa phương đang diễn ra tình trạng “đô thị hóa đất đai” nhanh hơn “đô thị hóa dân số”, gây lãng phí đất đai và không kéo theo sự tích tụ kinh tế. Nhiều khu vực nội thành, nội thị vẫn còn tới 50%-60% diện tích đất nông nghiệp hoặc để trống do các dự án chậm triển khai. Do quản lý yếu kém, trong quá trình đô thị hóa, sai phạm về đất đai lại chiếm tỷ lệ lớn với tổng vi phạm về kinh tế trên 80.000 tỷ đồng. Đáng lo, đến thời điểm này, kết cấu, chất lượng hạ tầng đô thị ở nhiều địa phương chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển dân số và kinh tế đô thị; chưa thích ứng với biến đổi khí hậu, ứng phó với dịch bệnh quy mô lớn, ví dụ như dịch Covid-19...

Đường Lê Lợi (quận 1, TPHCM)đang được tái lập, chỉnh trang sau khi hoàn thành những hạng mục của tuyến Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên). Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, đồng chí Võ Văn Thưởng gợi mở nhiều vấn đề quan trọng trong quá trình triển khai thực hiện NQ06 nhằm khắc phục triệt để những tồn tại, hạn chế, bất cập trong quản lý đô thị hiện nay; đẩy nhanh tốc độ và nâng cao chất lượng đô thị hóa trong thời gian tới. Theo đó, các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên phải nghiên cứu, quán triệt nhận thức đầy đủ, sâu sắc nội dung nghị quyết quan trọng này; phải thấy rằng quá trình đô thị hóa là tất yếu khách quan, là một động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững trong thời gian tới. Bên cạnh đó, các cấp ngành, địa phương cần sớm xây dựng chương trình, kế hoạch hành động thực hiện nghị quyết với lộ trình và phân công cụ thể; bổ sung, cụ thể hóa các tiêu chí, các chỉ tiêu nêu trong nghị quyết vào kế hoạch năm và theo từng giai đoạn; định kỳ kiểm tra, đánh giá việc thực hiện. Việc đổi mới tư duy lý luận và phương pháp quy hoạch đô thị là rất quan trọng, bảo đảm quy hoạch đô thị phải có tầm nhìn dài hạn, đồng bộ và hiện đại, lấy con người và chất lượng cuộc sống làm trung tâm, văn hóa và văn minh đô thị làm nền tảng phát triển. 
Đô thị hóa là động lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội ảnh 2 Đô thị Hòa Lạc được quy hoạch là 1 trong 5 đô thị vệ tinh của Hà Nội, phát triển theo hướng đô thị khoa học - công nghệ
Đồng chí Võ Văn Thưởng yêu cầu Ban cán sự Đảng Chính phủ sớm ban hành chương trình hành động triển khai nghị quyết, đảm bảo sát các nội dung nghị quyết, phù hợp với từng địa phương, từng vùng; phê duyệt các quy hoạch phù hợp với tinh thần của nghị quyết, ưu tiên bố trí đủ nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ đã nêu trong nghị quyết; đồng thời khẩn trương chỉ đạo rà soát, bổ sung, hoàn thiện các văn bản dưới luật thuộc thẩm quyền có liên quan đến đô thị hóa và phát triển đô thị…
Việc đổi mới tư duy lý luận và phương pháp quy hoạch đô thị là rất quan trọng, bảo đảm quy hoạch đô thị phải có tầm nhìn dài hạn, đồng bộ và hiện đại, lấy con người và chất lượng cuộc sống làm trung tâm, văn hóa và văn minh đô thị làm nền tảng phát triển. 
Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng
Đô thị hóa là động lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội ảnh 3 Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng
Các địa phương vào cuộc

NQ06 xác định đô thị hóa là động lực phát triển kinh tế - xã hội của các vùng miền cả nước. Mục tiêu đặt ra, kinh tế đô thị sẽ đóng góp vào GDP cả nước 75% vào năm 2025 và 80% vào năm 2030. Để đạt được mục tiêu này, Bộ Chính trị xác định vai trò đặc biệt quan trọng của các địa phương trong việc thực hiện NQ06. Tại hội nghị, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi đã có những phát biểu tâm huyết về kế hoạch triển khai NQ06 trong thời gian tới. 

Theo đồng chí Phan Văn Mãi, NQ06 có nhiều điểm mới có ý nghĩa rất lớn, gợi mở, tháo gỡ cho TPHCM và cả khu vực trong công tác phát triển đô thị.

Điểm mới thứ nhất là, quan điểm chọn một số đô thị có lợi thế đặc biệt để xây dựng thành đô thị có tầm khu vực và thế giới.

Điểm mới thứ 2 là, trong từng vùng, từng mạng lưới đô thị lại chọn ra những đô thị để dẫn dắt phát triển.

Điểm mới thứ 3 là, cơ chế tài chính thu hút đầu tư cho phát triển hạ tầng đô thị, phân cấp phân quyền cho các địa phương, các ngành trong quy hoạch, quản lý, triển khai.

Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan nghiên cứu để cụ thể hóa triển khai NQ06 gắn với công tác quy hoạch chung TPHCM, TP Thủ Đức đến năm 2040, tầm nhìn đến 2060. TPHCM cũng đã triển khai 11 đề án liên quan, trong đó có đề án chống ngập, đề án xử lý chất thải rắn, phát triển hạ tầng giao thông, các dự án đường sắt đô thị, đề án công nghiệp dịch vụ, đề án thành phố thông minh, đề án phát triển nhà ở và công viên cây xanh...

Về phát triển kinh tế đô thị, TPHCM đang nghiên cứu phát triển kinh tế dịch vụ, kinh tế ban đêm, kinh tế số, kinh tế chia sẻ cùng với việc phát triển các đô thị ven sông, ven biển. TPHCM kiến nghị Bộ Chính trị, Chính phủ sớm hình thành các cơ chế đặc thù thu hút các nhà đầu tư chiến lược phát triển đường sắt, đường thủy kết nối vùng TPHCM; đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án đường sắt TPHCM - Cần Thơ để kết nối TPHCM và ĐBSCL, có cơ chế thu hút các nguồn lực xã hội vào phát triển đô thị… 

Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh: 6 nhóm giải pháp thực hiện NQ06

Thứ nhất, về hoàn thiện thể chế, chính sách tạo thuận lợi cho quá trình đô thị hóa, công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị bền vững. Thứ hai, nâng cao chất lượng quy hoạch đô thị đáp ứng yêu cầu xây dựng, quản lý phát triển đô thị bền vững. Thứ ba, tập trung xây dựng, phát triển hệ thống đô thị quốc gia bền vững và đồng bộ về mạng lưới. Thứ tư, đẩy mạnh phát triển nhà ở, hệ thống hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại, liên kết, thích ứng với biến đổi khí hậu. Thứ năm, xây dựng và hoàn thiện mô hình chính quyền đô thị. Thứ sáu, phát triển kinh tế khu vực đô thị; đổi mới cơ chế, chính sách tài chính và đầu tư phát triển đô thị.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng: Cần xác định chỉ tiêu đô thị hóa phù hợp

Các địa phương cần đánh giá đúng tình hình phát triển đô thị, đặt ra chỉ tiêu đô thị hóa mới phù hợp với khả năng phát triển thực tế trong giai đoạn tới, không nhất thiết các địa phương đều phải đạt mức tỷ lệ hóa trung bình của cả nước là 45% vào năm 2025 và 50% vào năm 2030. Các địa phương phải tập trung rà soát tiến độ lập quy hoạch đô thị mới và phủ kín quy hoạch phân khu, làm cơ sở triển khai quy hoạch chi tiết. Thống kê về điều chỉnh quy hoạch, đánh giá hệ lụy để có giải pháp xử lý, không để tình trạng điều chỉnh quy hoạch làm gia tăng áp lực lên hạ tầng, ảnh hưởng cung cấp tiện ích đô thị.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông: Sẽ tập trung xây dựng hạ tầng giao thông kết nối

Trong thời gian tới, Bộ GTVT sẽ tập trung xây dựng các tuyến đường bộ cao tốc, quốc lộ kết nối liên vùng, kết nối với cảng biển, đường sắt, sân bay quốc tế, cửa khẩu quốc tế; kết nối với các đô thị lớn, đầu tư khép kín các đường vành đai; phấn đấu tỷ lệ đất dành cho giao thông 11%-16% vào năm 2025, 16%-26% vào năm 2030; hạn chế sử dụng xe máy tại một số địa bàn quận trung tâm các thành phố lớn đến năm 2030; phát triển đường sắt đô thị, đường sắt kết nối các biển và các đô thị lớn, trong đó có tuyến đường sắt TPHCM - Cần Thơ.

Tin cùng chuyên mục