
Sở KH-CN, Sở GTVT TPHCM và Liên hiệp các Hội KHKT đã thống nhất tổ chức hội thảo khoa học tìm giải pháp dò tìm, phát hiện “hố tử thần” vào tháng 1-2011. Việc xác định công nghệ nào để phát hiện hố tử thần là một câu hỏi được đặt ra, nhất là sau sự cố chiếc máy địa bức xạ của Tiến sĩ Vũ Văn Bằng (Viện Công nghệ nước và Môi trường) đưa ra kết quả thiếu chính xác.
Chung tay giải quyết “hố tử thần”
Tại kỳ họp HĐND TPHCM vừa qua, các đại biểu đã yêu cầu Sở GTVT, Sở TN-MT và Sở KH-CN chung tay giải quyết hố tử thần… Tính từ tháng 7 tới đầu tháng 12, tại TPHCM đã có tới 55 “hố tử thần” mở miệng, đe dọa tính mạng, tài sản của người tham gia giao thông.

Một “hố tử thần” tại TPHCM.
Chưa hết, theo ông Lê Toàn, Phó Giám đốc Sở GTVT TPHCM, hầu hết các tuyến đường tại TPHCM đều có cống cũ, hàm ếch, hoặc lỗ hổng do nền đất yếu… Do vậy, yêu cầu tìm công nghệ phát hiện, ngăn chặn các nguy cơ gây sụt lún là vô cùng cấp bách.
Chính gì thế, việc Tiến sĩ Vũ Văn Bằng (Viện Công nghệ nước và Môi trường) mang tới TPHCM chiếc máy địa bức xạ có khả năng dò tìm hố tử thần có thể gây ra tình trạng sụt lún mặt đường, xác định được hình dạng, kích thước của hố… vào ngày 14-12 trở thành một sự kiện lớn.
Tiến sĩ Vũ Văn Bằng mang máy đi dò thử tại một số tuyến đường, nút giao thông theo yêu cầu của Sở GTVT TPHCM. Kết quả, máy báo hiệu có hố tử thần hiện diện tại một số vị trí như: vỉa hè số 123 Lê Quý Đôn; ngã tư Võ Thị Sáu - Trần Quốc Thảo; vòng xoay Dân Chủ; ngã tư 3 Tháng 2 - Lý Thường Kiệt; vòng xoay Hòa Bình...
Tuy nhiên, trong 2 đợt đào thử vị trí đánh dấu có hố tử thần vào đêm 16, rạng sáng 17-12 (vòng xoay Hòa Bình, quận 11) và đêm 17-12 (ngã tư đường 3 Tháng 2 – Phó Cơ Điều, quận 11) đã không phát hiện được hố ga hay cống ngầm… mà chỉ là đất đá, gạch vỡ, đất ẩm, nước tĩnh… Trước sự thật này, thông tin về sự thiếu hiệu quả của chiếc máy địa bức xạ bị lan truyền, tạo nên dư luận tại TPHCM.
Tuy nhiên dư luận cần bình tâm xem xét vấn đề trên bởi Tiến sĩ Vũ Văn Bằng là người đầu tiên mạnh dạn đưa ra phương án hay còn gọi là thiết bị để dò “hố tử thần”. Đây là việc làm đáng được biểu dương góp phần giải quyết những vấn đề bức bách của cuộc sống. Có thể việc dùng máy địa bức xạ dò hố tử thần chưa hiệu quả là do khiếm khuyết nào đó.
Thêm công nghệ để chọn lựa
Trở lại với việc dùng máy địa bức xạ dò tìm “hố tử thần”, khi có mặt tại hiện trường dò tìm, ông Lê Toàn, Phó Giám đốc Sở GTVT cho biết, đặc điểm nền đất TPHCM thấp, yếu, việc dưới nền đường có đất mềm, có nước tĩnh là rất bình thường. Còn TS Lê Hoài Quốc, PGĐ Sở KH-CN TPHCM kết luận, chiếc máy không có khả năng phát hiện hố ngầm, công tác kiểm tra độ chính xác của máy có thể sẽ dừng lại tại đây…
Trong lúc vẫn chưa tìm ra công nghệ, giải pháp pháp mới phát hiện “hố tử thần” thì mới đây nhất, ngày 22-12, tại đường Trường Sa (đoạn ở phường 13, quận Phú Nhuận) đã xuất hiện “hố tử thần mới”, hố thứ 55 xuất hiện tại TPHCM. Sự kiện này khiến dư luận TPHCM bức xúc bởi các cơ quan chức năng vẫn chưa tìm ra giải pháp căn cơ giải quyết vấn đề này. Cho đến nay, trước áp lực hố tử thần cũng như sự kiện máy địa bức xạ vào dò tìm “hố tử thần” không có kết quả chính xác… đã khiến cơ quan quản lý nhà nước thận trọng hơn.
Trong những ngày qua, TS Lê Hoài Quốc đã có nhiều cuộc trao đổi với các chuyên gia Viện Vật lý địa cầu, các nhà khoa học ở ĐH Khoa học tự nhiên TPHCM để tìm phương pháp xác định “hố tử thần”. Theo các nhà khoa học, hiện có 3 phương pháp khả thi là dùng sóng laser, siêu âm và radar xuyên đất. Trong 3 phương pháp này, dùng sóng laser và siêu âm khá phức tạp, tốn kém. Do đó, phương pháp khả thi nhất hiện tại là “radar xuyên đất”.
TS Lê Hoài Quốc cho rằng, một chiếc máy radar xuyên đất có giá khá cao, từ vài chục tới vài trăm ngàn USD. Tuy nhiên, khi yêu cầu dò tìm, phát hiện “hố tử thần” trở nên cấp bách, TPHCM cần thiết phải đầu tư nhập khẩu máy, dù tốn kém.
Qua đây cũng cần nói thêm, Sở GTVT TPHCM có 1 máy radar xuyên đất nhưng chiếc máy này bị hỏng, đang được sửa chữa nên mới có việc mang máy địa bức xạ vốn rất thành công trong việc dò tìm mạch nước ngầm, giếng ngầm… ở Tây Bắc, Quảng Trị, Vũng Tàu vào dò tìm hố tử thần ở TPHCM.
Hy vọng, hội thảo khoa học tìm giải pháp dò tìm, phát hiện “hố tử thần” nhằm bắt đúng bệnh và cắt bỏ tận gốc rễ mối đe dọa từ hố tử thần sẽ tìm ra giải pháp, công nghệ phù hợp hạn chế tình trạng thêm.
KIÊN GIANG - BÁ TÂN