Doanh nghiệp điện ảnh lại cầu cứu

4 đơn vị kinh doanh cụm rạp lớn nhất hiện nay gồm CGV, Lotte, Galaxy và BHD vừa cùng ký vào văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất hỗ trợ thuế, lãi vay, các loại bảo hiểm, dịch vụ... và đề nghị ghi nhận chiếu phim là hoạt động thiết yếu.

Khó khăn chồng chất

 Văn bản “Hỗ trợ cho doanh nghiệp điện ảnh vượt qua khó khăn” được 4 nhà phát hành gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ VH-TT-DL, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước. Trước khi nêu ra khó khăn, văn bản chỉ rõ những bước tăng trưởng ấn tượng của điện ảnh Việt. Cụ thể, trong 10 năm từ 2010 - 2019, số lượng rạp chiếu phim hiện đại tăng từ 90 lên 1.096 phòng chiếu (tăng 1.104%), số lượng lượt người xem tăng từ 7 triệu lên 57 triệu (tăng 714%), doanh thu tăng từ 540 tỷ đồng lên 4.147 tỷ đồng (tăng 668%), số lượng phim Việt Nam tăng từ 14 lên 45 phim/năm.

Tuy nhiên, từ cuối tháng 1-2020, các doanh nghiệp lĩnh vực điện ảnh gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Lần đầu tiên sau nhiều năm, mùa phim tết vốn là thời điểm ăn khách nhất trong năm với phim Việt đã không thể diễn ra. Mùa phim hè hiện cũng đang đóng băng. “Doanh thu từ hoạt động chiếu phim và phát hành phim của các doanh nghiệp điện ảnh gần như bằng 0, trong khi các doanh nghiệp vẫn phải gồng gánh các chi phí như tiền thuê mặt bằng, lương, phúc lợi cho nhân viên nhằm góp phần duy trì an sinh xã hội nói chung và ổn định cuộc sống người lao động nói riêng”, văn bản chỉ rõ. 

Theo đại diện truyền thông cụm rạp CGV, ở thời điểm hiện tại, chỉ có 3/81 cụm rạp của nhà phát hành này tại Nghệ An, Hà Tĩnh và Hậu Giang còn hoạt động. Hai đạo diễn Bảo Nhân - Namcito của loạt phim Gái già lắm chiêu cho biết: “Đến tận bây giờ, không chỉ riêng chúng tôi mà hầu hết các nhà sản xuất phim đã chiếu xong phim mấy tháng, cộng thêm hơn cả năm trời chi tiền sản xuất, số tiền rất lớn, nhưng đều chưa thu về được đồng nào. Hầu hết các nhà rạp đều chưa chuyển tiền bán vé cho nhà sản xuất. Chúng tôi vẫn chia sẻ, thấu hiểu trong giai đoạn khó khăn này. Nhưng liệu điện ảnh Việt cầm cự được bao lâu nếu không có chính sách hỗ trợ từ Chính phủ?”. 

Doanh nghiệp điện ảnh lại cầu cứu ảnh 1 Dịch Covid-19 ảnh hưởng đến những đơn vị kinh doanh cụm rạp (ảnh chụp trước ngày 27-4). Ảnh: DŨNG PHƯƠNG 
Mong rạp được cứu

Các đề xuất được 4 nhà phát hành đưa ra, nhấn mạnh đến việc hỗ trợ duy trì công việc cho khoảng hơn 10.000 lao động trong ngành, mong muốn khi rạp hoạt động trở lại, Chính phủ tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp điện ảnh thông qua các chương trình quảng bá phim ảnh đến công chúng.

Việc giải quyết về khủng hoảng thanh toán được quan tâm hơn cả, bao gồm: Ban hành chính sách hỗ trợ nhằm tái cấu trúc nợ vay, giảm hoặc miễn lãi vay, hoặc cấp gói tín dụng ưu đãi mới; cấp tài trợ, gia hạn thời gian nộp các khoản bảo hiểm xã hội, y tế, thất nghiệp và phí công đoàn cho các doanh nghiệp ngành điện ảnh đến hết ngày 31-12-2021; giảm 50% thuế giá trị gia tăng doanh nghiệp điện ảnh thu được và hoãn việc nộp thuế giá trị gia tăng phải nộp đến ngày 31-12-2021; miễn hoặc giảm thuế thu nhập cá nhân đối với người lao động của các doanh nghiệp điện ảnh; giảm 50% giá các dịch vụ tiện ích như điện, nước; có chính sách vận động, hỗ trợ các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, qua đó tạo điều kiện để các đơn vị cho thuê mặt bằng miễn giảm tiền thuê, phí dịch vụ cho các đơn vị rạp chiếu phim trong thời gian phải đóng cửa vì dịch bệnh và ít nhất 6 tháng kể từ khi rạp hoạt động trở lại. Đặc biệt, đề xuất mong muốn ghi nhận hoạt động chiếu phim phục vụ giải trí cũng là hoạt động thiết yếu trong thời điểm này...  

Chia sẻ những khó khăn với doanh nghiệp điện ảnh, Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành bày tỏ sự ủng hộ duy trì hoạt động phát hành phim tại rạp cùng với điều kiện áp dụng nghiêm ngặt biện pháp phòng chống dịch 5K. Tuy nhiên, ông Thành cũng nhận định, tại thời điểm dịch diễn biến phức tạp thì đây chưa thể coi là một hoạt động thiết yếu. Do vậy, việc mở cửa lại rạp chiếu phim cũng như các điểm vui chơi công cộng cần tuân thủ chỉ đạo của Chính phủ và của từng địa phương. 

“Các doanh nghiệp điện ảnh cần phối hợp, hỗ trợ các cấp chính quyền phòng chống dịch và tìm các biện pháp phù hợp để duy trì lực lượng lao động”, ông Vi Kiến Thành bày tỏ. Về những biện pháp tài chính hỗ trợ hoạt động kinh doanh, theo Cục Điện ảnh, kiến nghị của các đơn vị sẽ do các cơ quan quản lý chuyên ngành như Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế… xem xét. Trong phạm vi điều chỉnh của mình, lãnh đạo cục cũng ủng hộ bình ổn hoạt động rạp chiếu phim và sẽ thực hiện các biện pháp hỗ trợ khi các rạp mở cửa trở lại.

Tin cùng chuyên mục