Doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong quá trình phục hồi, kiến nghị nhiều giải pháp tháo gỡ

Ngày 14-7, Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM đánh giá lại tình hình hoạt động của doanh nghiệp trên địa bàn thành phố trong 6 tháng đầu năm và chủ động kiến nghị nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp duy trì ổn định trong 6 tháng tới. Tại đây, nhiều doanh nghiệp cho biết, việc đối mặt với cơn bão giá trong thời gian qua đang khiến nhiều doanh nghiệp kiệt sức. 

Ông Nguyễn Phước Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM cho biết, từ đầu năm đến nay, tình hình kinh tế xã hội có khởi sắc nhưng doanh nghiệp vẫn còn rất nhiều khó khăn trong quá trình phục hồi. Đặc biệt là khó khăn do bị kiệt nguồn vốn.

Ghi nhận ý kiến của các doanh nghiệp cho thấy, doanh nghiệp đã phải tập trung kiến nghị UBND TPHCM tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ về chính sách tín dụng và thuế. 

Cụ thể, việc hỗ trợ vay vốn là yêu cầu cấp thiết với doanh nghiệp. Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách tích cực nhằm hỗ trợ vốn, giúp doanh nghiệp tiếp cận các nguồn vốn tốt nhất. Tuy nhiên, vấn đề thực thi chính sách của các ngân hàng thương mại chưa thực hiện một cách chủ động, tích cực. Vì vậy, cộng đồng doanh nghiệp mong muốn các ngân hàng thương mại cần thực hiện đồng bộ các chính sách khoanh nợ, gia hạn thời hạn trả nợ, cơ cấu nợ (bao gồm cả nợ gốc và lãi tới hạn).

Để các chính sách sớm đi vào cuộc sống một cách hiệu quả, công bằng, đề nghị ngân hàng nhà nước cần có chương trình giám sát các ngân hàng thực thi. Bên cạnh đó, chính sách hỗ trợ lãi suất 2%/năm thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại theo Nghị quyết 11/NQ-CP cũng cần được triển khai sớm nhằm gỡ khó cho doanh nghiệp.

Doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong quá trình phục hồi, kiến nghị nhiều giải pháp tháo gỡ ảnh 1 Ông Nguyễn Phước Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM chia sẻ những khó khăn doanh nghiệp đang gặp phải
Về việc thực hiện các chính sách miễn giảm thuế, dù Chính phủ ban hành quy định giảm thuế giá trị gia tăng từ 10% về 8%. Tuy nhiên, danh mục hàng hóa giảm thuế chưa thực sự cụ thể đối với một số mặt hàng. Trong khi đó, một số Cục thuế lại có cách giải thích không rõ ràng, không giống nhau, làm cho doanh nghiệp khó khăn trong việc áp dụng chính sách.

Bên cạnh đó, những vấn đề liên quan khác như việc thực hiện các gói hỗ trợ người lao động, thành phố cần dành nguồn ngân sách cho công tác đào tạo nghề, khuyến khích mở các trường nghề sơ cấp và trung cấp, tránh tình trạnh “thừa thầy, thiếu thợ” gây khó cho thị trường lao động.

Hay với việc áp dụng các chính sách thuế, hải quan, đề nghị Chính phủ giảm bớt quy định lập báo cáo giao dịch liên kết. Đối với các doanh nghiệp không có giao dịch với nước ngoài (nơi có thuế suất khác Việt Nam) hoặc không thuộc diện ưu đãi thuế… xem xét điều chỉnh tránh gây bất lợi cho doanh nghiệp Việt Nam.

Cần giảm tình trạng thanh kiểm tra doanh nghiệp kết hợp đơn giản hoá thủ tục hành chính.

Ngoài ra, với các vấn đề qui hoạch, xây dựng, đất đai, thành phố cần sớm nghiên cứu làm rõ và có quy định cụ thể về chế độ sử dụng đất phù hợp đối với công trình xây dựng đa năng có kết hợp chức năng lưu trú như căn hộ khách sạn (condotel), căn hộ văn phòng (officetel), nhà phố thương mại (shophouse)...; chính sách quy hoạch, quản lý, sử dụng không gian ngầm của thành phố. Cần thiết mở rộng điều kiện mua nhà của người nước ngoài, giải quyết khó khăn của các chủ đầu tư khi xử lý đất xen kẹt trong dự án, nhằm nhanh chóng giải phóng nguồn lực xã hội, hỗ trợ thị trường bất động sản phát triển ổn định, góp phần lan tỏa cho toàn bộ nền kinh tế.

Thành phố cũng cần khảo sát tình hình hiện trạng sử dụng đất để xóa bỏ tình trạng để đất hoang hóa, cần chuyển đổi đất nông nghiệp không sử dụng được sang các loại đất khác có hiệu quả kinh tế cao hơn, tận dụng nguồn lực từ đất đai đóng góp vào sự phát triển của thành phố.

Song song đó, thành phố nhanh chóng triển khai các công trình phát triển cơ sở hạ tầng, nhanh chóng quy hoạch, triển khai xây dựng các khu nhà ở cho công nhân, người nghèo, nhà ở xã hội ở vùng ngoại thành

Tin cùng chuyên mục