
Để đạt chỉ tiêu xuất khẩu 2,6 tỷ USD năm 2005, kim ngạch xuất khẩu thủy sản phải đạt mức trung bình 210 triệu USD/ tháng. Nhưng đầu năm đến nay, chưa tháng nào vượt qua 180 triệu USD. Bộ trưởng Bộ Thủy sản Tạ Quang Ngọc, cho biết, do đặc điểm mùa vụ, nên tốc độ xuất khẩu thủy sản 5 tháng đầu năm thường thấp, chỉ bùng nổ từ tháng 6 khi vào vụ thu hoạch tôm và kéo dài đến tháng 11.
Nhưng tình hình xuất khẩu năm nay gặp nhiều khó khăn hơn những năm trước, nên từ đầu năm đến nay Bộ Thủy sản đã liên tục tổ chức những cuộc tiếp xúc, làm việc với các doanh nghiệp để tháo gỡ kịp thời những khó khăn.
- Khó khăn nối tiếp khó khăn

Chế biến cá ba sa xuất khẩu ở Công ty QVD (Cần Thơ).
Thật ra, từ năm 2002, ngành thủy sản đã bắt đầu gặp khó khăn trong xuất khẩu, khi EU thắt chặt việc kiểm tra chất lượng thủy sản xuất khẩu với dư lượng Chloramphenicol. Năm 2003 lại xảy ra vụ kiện cá tra, cá ba sa của các nhà sản xuất cá da trơn Mỹ và năm 2004 đến vụ kiện tôm, làm kim ngạch xuất khẩu giảm hẳn vào thị trường này.
Năm nay, ngành thủy sản lại đứng trước các khó khăn: Hải quan Mỹ quy định phải đóng bond (tiền đặt cọc) các mặt hàng liên quan đến vụ kiện tôm, cá; các nước EU kiểm soát chặt dư lượng Malachitea Green thủy sản. Những quy định này làm cho tốc độ xuất khẩu cá Pangasius (tên gọi của cá tra, cá ba sa tại châu Âu) giảm hẳn.
Theo Thứ trưởng Bộ Thủy sản Nguyễn Việt Thắng, các nước EU đã kiểm tra chặt chẽ 10 chất, 7 chất còn lại mới chỉ khuyến cáo - sẽ tiến tới kiểm soát gắt gao thời gian tới. Như vậy, khó khăn cũ chưa giải quyết xong, khó khăn mới xuất hiện hàng loạt.
- Xúc tiến thương mại tại vùng nguyên liệu
Bộ Thủy sản xác định vùng nguyên liệu tập trung nuôi con tôm sú là ở ĐBSCL và sẽ thành lập Ban điều hành tôm sú, cân đối nhu cầu giữa nhà xuất khẩu và vùng nuôi, tránh xảy ra tình trạng như cá tra, cá ba sa. Các DN cung cấp thông tin, khả năng xuất khẩu, đặt hàng...
Như vậy, ĐBSCL xây dựng vùng nuôi tập trung các loại tôm sú dọc theo các tỉnh ven biển; con cá tra, cá ba sa được nuôi dọc hai bên sông Tiền và sông Hậu. Riêng vùng đất miền Trung, theo Tiến sĩ Trần Việt Ngân, Giám đốc Trung tâm Giống và Kỹ thuật Thủy sản 3 (Sở Thủy sản Phú Yên), diện tích nuôi tôm sú miền Trung giảm mạnh, chỉ còn khoảng 10%, nhưng điều thuận lợi là khu vực này có thể nuôi được nhiều đối tượng khác nhau, như tôm thẻ chân trắng và các loại cá.
Vấn đề là cần có chiến lược hỗ trợ, tạo điều kiện để khu vực này hình thành các vùng nuôi thủy sản tùy theo mùa vụ. Vì vậy, các doanh nghiệp chế biến thủy sản làm công tác xúc tiến thương mại khá tốt ở nước ngoài, cũng phải tổ chức xúc tiến thương mại ngay tại vùng nguyên liệu với nông dân.
- Tín hiệu lạc quan
Theo ông Nguyễn Văn Kịch, Phó Chủ tịch thứ nhất Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), đầu tháng 6 trở lại đây, đã có một số tín hiệu khá lạc quan, khi có sự trở lại của các nhà nhập khẩu Mỹ và Nhật. Thị trường Nhật Bản, sau thời gian nằm chờ, hy vọng giá tôm nhập sẽ còn giảm hơn nữa, nay đã rục rịch nhập trở lại.
Trong khi đó, từ tháng 3, Hải quan Mỹ bắt đầu áp dụng quy định bắt buộc đóng Bond mặt hàng tôm những nước xuất khẩu tôm bị kiện, nên việc xuất khẩu vào thị trường này gần như bị “đóng băng”. Hiện nay, một số nhà nhập khẩu thương lượng với một số DN Việt Nam, chấp nhận đóng Bond.
Đó là những tín hiệu khởi sắc trở lại trong bối cảnh xuất khẩu thủy sản gặp nhiều khó khăn. Việt Nam cần định hướng việc nuôi tôm sú kích cỡ lớn (30- 35 con/ kg) tạo lợi thế thâm nhập nhiều hơn vào các thị trường lớn, nhất là Nhật Bản, trong bối cảnh Thái Lan, Trung Quốc, Ấn Độ không còn có thể nuôi tôm sú, phải chuyển qua đã nuôi tôm thẻ chân trắng.
Bộ trưởng Tạ Quang Ngọc cho biết, cá tra, cá ba sa nói riêng và các mặt hàng thủy sản nói chung xuất khẩu vào EU ngày càng khó khăn, do quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm. Dù vậy, đây vẫn là thị trường tiềm năng rất lớn, nên nếu giải quyết tốt vấn đề dư lượng Malachite Green, như trước đây chúng ta từng làm đối với dư lượng Chloramphenicol chắc chắn kim ngạch xuất khẩu vào thị trường sẽ khả quan hơn.
Theo ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch VASEP, những khó khăn này đòi hỏi các doanh nghiệp và cả người nuôi cùng phải bắt tay vào việc nâng cao năng lực cạnh tranh (xây dựng hình ảnh chung thủy sản VN, thương hiệu, giảm giá thành), chất lượng nguyên liệu (quản lý cộng đồng, nâng cao năng lực quản lý an toàn vệ sinh và truy xuất sản phẩm)...
CÔNG PHIÊN