Doanh nghiệp Việt phải chứng minh nguồn gốc sản phẩm khi gia nhập TPP

Ngày 8-4, tại TPHCM đã diễn ra hội nghị “Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP): Cơ hội và thách thức trong kinh doanh tại Việt Nam” do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TPHCM tổ chức.
Doanh nghiệp Việt phải chứng minh nguồn gốc sản phẩm khi gia nhập TPP

(SGGPO).- Ngày 8-4, tại TPHCM đã diễn ra hội nghị “Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP): Cơ hội và thách thức trong kinh doanh tại Việt Nam” do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TPHCM tổ chức.

Tham dự hội nghị có Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Văn Khoa; ông Trương Đình Tuyển - Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại, Cố vấn cao cấp của Chính phủ trong đàm phán TPP, các thành viên tham gia đoàn đàm phán TPP, đại diện các bộ, ngành, tham tán thương mại các nước tại Việt Nam, các chuyên gia kinh tế và lãnh đạo của gần 300 DN.

Tại hội nghị, các diễn giả tập trung thảo luận bốn nội dung chính là nhận định về sự phát triển kinh tế Việt Nam khi tham gia TPP; triển vọng, cơ hội và thách thức; các vấn đề sở hữu trí tuệ; những thay đổi chính sách về lao động của Việt Nam khi TPP có hiệu lực.

Doanh nghiệp Việt còn rất nhiều việc phải làm trước khi gia nhập TPP. Ảnh Cao Thăng

Theo ông Trương Đình Tuyển - Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại, Cố vấn cao cấp của Chính phủ trong đàm phán TPP, việc tham gia vào TPP sẽ mang cơ hội cho Việt Nam, đó là thu hút đầu tư, mở rộng xuất khẩu, tạo việc làm và thúc đẩy tăng trưởng. Bên cạnh đó, cạnh tranh sẽ diễn ra quyết liệt trên cả ba cấp độ (sản phẩm, DN và chất lượng; thể chế và môi trường kinh doanh).

Ông Nestor Scherbey, Cố vấn cấp cao Liên minh thuận lợi hóa Thương mại Việt Nam (VTFA) cho rằng, các công ty đa quốc gia (FDI) sẽ phải xác định lại chuỗi cung ứng toàn cầu của họ để tận dụng các ưu đãi thuế do các hiệp định FTA, trong đó có TPP mang lại, khi sản xuất hàng xuất khẩu sang các thị trường TPP. Trong đó, các DN Việt Nam cần sẵn sàng đầu tư mới trong sản xuất nguyên vật liệu và hàng hóa ngay từ bây giờ, tuy nhiên phải chú ý các yêu cầu cung cấp tài liệu chứng minh nguồn gốc của nguyên vật liệu và các thành phần được sử dụng để sản xuất, lắp ráp thành phẩm để xuất khẩu sang một nước TPP.

Ông Nestor Scherbey khuyến nghị chính phủ nên thiết lập một cơ sở dữ liệu thông tin thương mại của các DN FDI và các nhà cung cấp trong nước, với mục đích xác định các cơ hội cho các công ty Việt Nam để trở thành nhà cung cấp cho các công ty FDI. Mặt khác, cơ quan chức năng cũng nên thiết lập các nguồn thông tin thương mại FTA và các trung tâm hỗ trợ DN Việt Nam tiến hành các thủ tục chứng minh nguồn gốc xuất xứ, giúp họ tìm hiểu về việc tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt đối với các DN vừa và nhỏ.

                                                                              Hải Hà

Tin cùng chuyên mục