Doanh nghiệp Việt vẫn đứng ngoài

Trong số 4,55 tỷ USD tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu Việt Nam trong 5 tháng đầu năm nay so với cùng kỳ năm ngoái, mặt hàng công nghệ đã đóng góp đến 93,4%. Các sản phẩm công nghệ như điện thoại, điện tử được dự báo sẽ tiếp tục đóng vai trò lớn cho kim ngạch xuất khẩu trong nước nhưng doanh nghiệp Việt Nam dường như đang đứng bên ngoài sự tăng trưởng này.
Doanh nghiệp Việt vẫn đứng ngoài

Sản phẩm công nghệ “cứu” tăng trưởng xuất khẩu

Trong số 4,55 tỷ USD tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu Việt Nam trong 5 tháng đầu năm nay so với cùng kỳ năm ngoái, mặt hàng công nghệ đã đóng góp đến 93,4%. Các sản phẩm công nghệ như điện thoại, điện tử được dự báo sẽ tiếp tục đóng vai trò lớn cho kim ngạch xuất khẩu trong nước nhưng doanh nghiệp Việt Nam dường như đang đứng bên ngoài sự tăng trưởng này.

Bất ngờ từ xuất khẩu hàng công nghệ

Câu chuyện nhà sản xuất điện tử nổi tiếng thế giới Sony quyết định rút khỏi Việt Nam cách đây 8 năm cùng với hàng loạt doanh nghiệp (DN) điện tử “vang bóng một thời” như Hanel, Điện tử Biên Hòa, Viettronics Tân Bình… nối đuôi Sony ngưng sản suất, chuyển hướng hoạt động, hoặc còn hoạt động nhưng hết sức mờ nhạt, đã khiến không ít người cho rằng ngành sản xuất điện tử trong nước đã lụi tàn.

Thế nhưng, báo cáo mới nhất của Tổng cục Hải quan cho thấy, các mặt hàng công nghệ như điện thoại, máy tính, điện tử và linh kiện của các sản phẩm này xuất ra nước ngoài tiếp tục đà tăng trưởng cao, đã góp phần đáng kể trong việc đẩy kim ngạch xuất khẩu Việt Nam lên cao trong 5 tháng đầu năm nay. Đơn cử như mặt hàng điện thoại và linh kiện, tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này trong 5 tháng đầu năm gần 12 tỷ USD, tăng 20,2%, tương đương tăng hơn 2 tỷ USD so với cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng là mặt hàng có giá trị kim ngạch xuất khẩu cao nhất của Việt Nam trong 5 tháng qua.

Máy tính bảng của các tập đoàn điện tử nước ngoài sản xuất ở Việt Nam được xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới, góp phần tăng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong 5 tháng qua.

Tương tự, kim ngạch xuất khẩu hàng điện tử, máy tính và linh kiện trong 5 tháng qua cũng đạt 6,02 tỷ USD, tăng 59,6% so với cùng kỳ năm ngoái, tương đương với mức tăng 2,25 tỷ USD. Cộng dồn hai nhóm mặt hàng trên, giá trị xuất khẩu đã tăng lên đến 4,25 tỷ USD so với cùng kỳ, chiếm 93,4% trong mức tăng trưởng chung của tổng kim ngạch xuất khẩu 5 tháng đầu năm nay.

Nếu so sánh kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may có mức tăng khoảng 660 triệu USD; giày dép tăng 820 triệu USD... nhưng dầu thô sụt giảm mạnh 1,51 tỷ USD, thủy sản giảm 460 triệu USD..., thì rõ ràng tăng trưởng xuất khẩu các mặt hàng công nghệ đã giúp thúc đẩy tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong 5 tháng đầu năm.

Một điểm đáng chú ý khác là thị trường nhập khẩu mặt hàng công nghệ của Việt Nam trong 5 tháng qua đã mở rộng, như điện thoại xuất vào thị trường EU nhiều nhất - đạt 4,01 tỷ USD, tăng 13,6%; Hoa Kỳ đạt 1,09 tỷ USD, tăng 64,4% hay những thị trường khác là Tiểu Vương quốc Ảrập thống nhất đạt 1,71 tỷ USD, tăng 4,8%... Điều này cũng chứng minh hàng công nghệ sản xuất từ Việt Nam đáp ứng tiêu chuẩn khắc khe của những nước phát triển.

Giá trị nào của doanh nghiệp trong nước?

Tuy nhiên, theo giới phân tích, đóng góp chính cho sự tăng trưởng của các dòng sản phẩm công nghệ này là các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), không có sự tham gia nhiều của DN trong nước. Các tập đoàn đa quốc gia như Samsung, LG, Intel, Canon, Microsoft, Nidec, Fujitsu, Brother, Panasonic, Renesas... trong mấy năm qua xây dựng nhà máy tại Việt Nam rồi xuất khẩu sản phẩm điện thoại, điện tử, máy tính, máy in và cung cấp linh phụ kiện sang các nước khác. Với sự “cắm rễ” ngày càng sâu của các hãng điện thoại cũng như các hãng công nghệ trên thế giới ở Việt Nam, giới phân tích tin rằng kim ngạch xuất khẩu của ngành công nghiệp di động và điện tử của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng cao trong thời gian tới, nhưng các nhà cung cấp nội địa tham gia vào đây lại rất nhỏ bé.

Như Samsung, doanh số xuất khẩu của hai khu tổ hợp công nghệ cao ở Bắc Ninh và Thái Nguyên lên đến hàng chục tỷ USD nhưng hầu như không có sự góp mặt của các DN trong nước. Bởi theo Samsung, trong số cả trăm nhà cung cấp hiện nay cho Samsung ở Bắc Ninh chỉ có vài DN thuần túy Việt Nam. Số doanh nghiệp 100% vốn trong nước này cũng chỉ cung cấp những sản phẩm đơn giản như bao bì, dịch vụ in ấn với giá trị không cao. Đa số các nhà cung cấp còn lại đến từ Hàn Quốc và những nước xung quanh hoặc một số công ty liên doanh giữa đối tác nước ngoài và Việt Nam.

Tương tự, các nhà cung cấp hiện nay cho nhà máy lắp ráp và kiểm tra linh kiện bán dẫn Intel ở Việt Nam chủ yếu là của DN nước ngoài đầu tư vào Việt Nam. Samsung, Intel mong muốn tìm được các nhà cung ứng nội địa tốt nhằm giảm chi phí để cạnh tranh và đáp ứng nhanh nhu cầu sản xuất. Tuy nhiên, sau một thời gian tìm kiếm nhà cung ứng trong nước, cả hai nhà đầu tư đều cho biết rất khó khăn, chủ yếu là nhà cung ứng giản đơn.

Không riêng Samsung hay Intel, các nhà đầu tư nước ngoài có các dự án sản xuất, lắp ráp các sản phẩm mang tính công nghệ như điện tử, viễn thông, máy tính khác ở Việt Nam cũng đều than phiền là rất khó tìm được các nhà cung ứng trong nước. Với tình trạng như hiện nay, giới phân tích cho rằng sắp tới đây hàng loạt dự án công nghệ khác đang đầu tư sẽ đi vào hoạt động hay mở rộng quy mô sản xuất thì các nhà cung cấp trong nước sẽ tiếp tục đứng bên lề. Đơn cử như dự án tổ hợp điện tử gia dụng của Samsung ở Khu công nghệ cao TPHCM (SHTP) sẽ đi vào sản xuất năm tới. Hay Tập đoàn LG đã quyết định ngưng làm tivi ở Thái Lan chuyển sang sản xuất tại tổ hợp của tập đoàn đặt ở Hải Phòng, gồm sản xuất các sản phẩm điện tử, điện gia dụng như linh kiện điện tử cho ô tô, ti vi, máy hút bụi, máy giặt và điện thoại di động…

Thực tế những sản phẩm kỹ thuật cao luôn đòi hỏi công nghệ sản xuất của nhà cung ứng phải tương xứng. Tuy nhiên, rất khó cho DN trong nước để đáp ứng vì lâu nay Việt Nam chưa phát triển ngành này. Ngoài ra, để trở thành nhà cung cấp cho các tập đoàn lớn thì những yêu cầu về điều kiện sản xuất, đối xử lao động, khả năng cung cấp số lượng lớn… là rất cần thiết, nhưng các nhà cung cấp phần lớn là DN có quy mô nhỏ và vừa cũng khó đáp ứng. Nếu không có sự hỗ trợ của Chính phủ thì DN trong nước khó có thể tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, dù nhà máy của những tập đoàn điện tử đặt ở Việt Nam.

XUÂN LỘC

Tin cùng chuyên mục