
Để hạn chế tiêu cực “chạy trường” cần bổ sung 3 biện pháp: chấn chỉnh cơ chế tuyển sinh; xóa bỏ “đặc cách” và tổ chức tín nhiệm hiệu trưởng bằng phương thức dân chủ.
Trong những ngày khai giảng năm học mới này, tôi và các đồng nghiệp là giáo viên đứng lớp, dù không nói ra, nhưng tận đáy lòng mỗi người đều có nỗi xót xa, buồn tủi cho nghề nghiệp của mình - buồn nhất là niềm tin của phụ huynh và học sinh dành cho chúng tôi mai một rất nhiều!
Những ngày này dư luận cả nước rộ lên những vụ “chạy trường”, “loạn phòng thi”... ở các địa phương, trong đó có TP Hồ Chí Minh. Theo dõi trên báo chí chúng tôi cảm thấy chưa có sự thống nhất về quan điểm và biện pháp xử lý vấn đề “chạy trường” một cách rốt ráo. Theo chúng tôi, tình trạng “chạy trường” diễn ra là do các nguyên nhân chính dưới đây.
Cơ chế tuyển sinh có nhiều kẽ hở

Ông Nguyễn Bình Minh (bìa trái), giáo viên Trường THPT Gò Vấp đến UBMTTQ TPHCM tố cáo các vụ tiêu cực tại trường. Ảnh: M.H
Nếu đổ thừa cho sự chênh lệch nhiều trong việc đầu tư cơ sở vật chất cho các trường, hay do danh hiệu “trường chuyên, lớp chọn” là nguyên nhân gây ra tiêu cực thì oan cho các ngôi trường này quá.
Bởi vì sự cố gắng của tập thể giáo viên-học sinh (GV-HS) trong nhiều năm đã tạo được truyền thống tốt đẹp cho các trường này, chứ không phải nguồn gốc tạo ra tiêu cực.
Theo chúng tôi, chính cơ chế tuyển sinh vào các trường có kẽ hở để tiêu cực phát sinh. Trước năm 1975, học sinh sau khi học xong lớp 5 sẽ dự thi tuyển vào lớp 6. Tùy theo năng lực của mình mà các em chọn nộp đơn thi duy nhất vào một trường công lập; nếu đậu thì được học miễn phí 100% (mỗi năm chỉ đóng rất ít một lần tiền “niên liễm”), nếu rớt thì học trường tư thục.
Lúc đó, việc tuyển sinh rất rõ ràng: chỉ tiêu tuyển vào trường được công bố trước cho phụ huynh và học sinh – lấy theo chuẩn điểm từ cao xuống thấp, đủ số lượng là khóa sổ. Còn theo cách tuyển sinh hiện nay ở các lớp đầu cấp, vừa rắc rối vừa không chặt chẽ, gây khó khăn cho phụ huynh, học sinh và cho cả lãnh đạo các trường, đồng thời làm phát sinh tiêu cực “chạy trường”.
Áp lực tuyển sinh “đặc cách”
Đây là cách tuyển sinh theo kiểu “nhất thân, nhì thế...”. Từ đó “tam tiền” cũng sẽ đi theo! Đơn cử như trường hợp Trường Hồng Bàng (Q5), chỉ tiêu hàng năm của trường tiếp nhận 900 HS vào lớp 6, nhưng thực tế Phòng Giáo dục quận đưa thêm danh sách hơn 400 HS đặc cách (Báo Pháp Luật ngày 30-8-2006).
Chính một lãnh đạo Sở GD-ĐT – cũng gián tiếp thừa nhận đã từng viết thư tay khi khẳng định: “Chữ ký trong thư tay của tôi không có giá trị, tất cả phụ thuộc vào hội đồng tuyển sinh!” (SGGP ngày 2-9-2006). Nhưng thử hỏi liệu có hiệu trưởng nào dám coi thư tay của cấp trên là “không có giá trị”?
Nếu hiệu trưởng nghiêm minh thì làm sao cấp dưới dám tự tổ chức “chạy trường”. Đằng này hiệu trưởng quản lý thế nào mà đến cả nhân viên bảo vệ cũng tham gia đường dây “chạy trường”. Và nếu hiệu trưởng không ký duyệt các trường hợp đặc cách thì cấp dưới làm sao nhận “hồ sơ” của phụ huynh HS để chạy trường.
Hội đồng tuyển sinh - hữu danh vô thực!
Là những người trong ngành, chúng tôi biết rất rõ, chuyện thành lập hội đồng tuyển sinh rất ít có ở các trường. Vì mùa tuyển sinh giáo viên còn đang nghỉ hè; thời gian tuyển sinh lại rất ngắn – độ khoảng 2 tuần sau khi có kết quả điểm thi chính thức.
Phần lớn việc tuyển sinh theo quy trình: Hiệu trưởng “tiếp dân”. Phụ huynh học sinh tự đem hồ sơ con em mình vào trình bày. Có nơi, nếu có sự “đưa đón” của giáo viên, công nhân viên (GV-CNV) của trường thì phụ huynh được ưu tiên vào ngay, nếu không thì phải chờ và cũng có khả năng bị từ chối(!). Cũng có trường có hội đồng tuyển sinh, nhưng thực chất cũng là hình thức vì hiệu trưởng đã đề xuất thì ai dám phản đối.
Theo ý kiến của nhiều giáo viên, để hạn chế các hiện tượng tiêu cực, ngoài cách làm của ngành giáo dục, cần bổ sung 3 biện pháp: Chấn chỉnh lại cơ chế tuyển sinh ở các lớp đầu cấp theo hướng rõ ràng, công khai và bền vững cho nhiều năm. Xóa bỏ “đặc cách”. Xem xét lại phẩm chất đạo đức của hiệu trưởng các trường. Hiệu trưởng phải được sự tín nhiệm, đề bạt từ tập thể GV-CNV nhà trường.
TRẦN THỊ ĐOÀN
(Giáo viên - quận Bình Thạnh)